USD liên tục biến động, ngân hàng lãi lớn nhờ kinh doanh ngoại hối

Trong nửa đầu năm, hoạt động kinh doanh ngoại hối tại nhiều ngân hàng tăng trưởng mạnh. Tỷ giá biến động mạnh là cơ hội cho các nhà băng "lướt sóng", kiếm lợi nhuận ở hoạt động kinh doanh ngoại tệ.

Nhiều ngân hàng lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối

Dù tỷ giá trong nửa đầu năm nay có những biến động bất thường nhưng nhiều ngân hàng thương mại vẫn ghi nhận khoản thu nhập ngoài lãi đáng kể từ kinh doanh ngoại hối.

Kết quả từ mảng kinh doanh ngoại hối tuy có sự phân hóa song đa số ngân hàng ghi nhận lãi lớn từ hoạt động kinh doanh ngoại hối trong nửa đầu năm 2024, đặc biệt có sự tăng trưởng rất mạnh nếu so với những năm trước.

Thậm chí, một số ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ lên tới 3 chữ số hoặc chuyển từ lỗ sang lãi lớn ở mảng kinh doanh ngoại hối.

Điển hình, theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2024, hoạt động kinh doanh ngoại hối mang về cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khoản lãi thuần tới 1.726 tỷ đồng, tăng tới 120% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là khoản thu nhập ngoài lãi lớn thứ 2 của BIDV, chỉ sau mảng dịch vụ đạt 1.939 tỷ đồng. Lũy kế nửa đầu năm nay, kinh doanh ngoại hối mang về nguồn lãi thuần “khổng lồ” cho ngân hàng này là 3.191 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ.

Báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) cũng cho thấy sự đóng góp lớn từ mảng kinh doanh ngoại hối trong tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng này.

Trong quý II/2024, LPBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 2.422 tỷ đồng, tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất trong vài quý gần đây. Đặc biệt, LPBbank ghi nhận khoản thu nhập ngoài lãi tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, lãi thuần từ dịch vụ đạt 866 tỷ đồng trong quý II/2024, cao gấp 3,5 lần so với cùng kỳ; lãi từ kinh doanh ngoại hối cao gấp 2,3 lần cùng kỳ.

Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), nửa đầu năm nay, lãi thuần từ mảng kinh doanh ngoại hối của ngân hàng này đạt 2.029 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ.

Tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối trong quý II đạt hơn 411 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 11 tỷ đồng. Tính chung nửa đầu năm 2024, mảng dịch vụ này mang về cho Techcombank trên 955 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ hơn 240 tỷ đồng ở cùng kỳ năm 2023.

VietABank cũng là một trong số ngân hàng có tăng trưởng đột biến lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối trong 6 tháng đầu năm với 14,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 1,5 tỷ đồng, gấp hơn 9 lần.

Tương tự, HDBank cũng ghi nhận khoản lãi từ kinh doanh ngoại hối trong 6 tháng đầu năm tăng 405% so với cùng kỳ năm trước đạt mức 485 tỷ đồng.

Tương tự, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) ghi nhận 558 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đạt 56% kế hoạch năm nhờ lãi đậm từ kinh doanh ngoại hối. Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của ABBank đạt hơn 440 tỷ đồng, tăng 86%, trong khi các nguồn thu ngoài lãi khác sụt giảm. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ABBank trong quý II tăng 11% lên 853 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm nay, Ngân hàng MB ghi nhận khoản lãi 1.747 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ giao ngay và vàng, nhờ đó lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của MB tăng trưởng dương, đạt 855 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) trong quý II/2024 cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh ở mảng kinh doanh ngoại hối. Hoạt động kinh doanh ngoại hối mang về cho SeABank khoản lãi gần 304 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ chỉ đạt 33 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng ghi nhận khoản lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng hơn 30% trong quý II/2024 so với cùng kỳ năm 2023.

MSB ghi nhận lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối trong nửa đầu năm đạt mức tăng trưởng ấn tượng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023, mang về 976 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng lại có kết quả kinh doanh không mấy khả quan, vẫn có nhà băng ghi nhận khoản lỗ từ kinh doanh ngoại hối.

Đơn cử, tại NCB, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ trong quý II của NCB đạt hơn 49,6 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng hơn 303% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng thu nhập từ kinh doanh ngoại hối lại giảm do biến động tỷ giá không thuận lợi.

Vì sao ngân hàng lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối?

Hoạt động kinh doanh ngoại hối có hai nguồn thu chủ yếu là kinh doanh ngoại tệ giao ngay và công cụ tài chính phái sinh tiền tệ.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 6 tháng đầu năm, mức mất giá của VND vào khoảng 4,4%.

Trong khi đó, thu nhập từ mảng kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng chủ yếu đến từ dịch vụ kinh doanh ngoại tệ giao ngay. Mảng này phụ thuộc nhiều vào biến động của tỷ giá USD và các ngoại tệ khác trong nước. Nguồn thu nhập đến từ chênh lệch giữa giá mua - giá bán giao ngay luôn được duy trì ở một mức biên xác định.

Giai đoạn tỷ giá biến động mạnh là thời điểm thuận lợi và là cơ hội cho các ngân hàng "lướt sóng", kiếm lợi nhuận ở hoạt động kinh doanh ngoại tệ.

Trong nửa đầu năm nay, giá USD bán niêm yết tại các ngân hàng thường cao hơn giá mua 350 - 400 đồng/USD trong khi nhu cầu ngoại tệ trên thị trường tăng mạnh. Với mức giao dịch “khổng lồ” và chênh lệch giá mua và bán tăng cao như vậy, không khó hiểu khi các ngân hàng lãi lớn ở hoạt động này.

Bên cạnh đó, lợi nhuận của kinh doanh công cụ phái sinh tiền tệ cũng là nguyên nhân làm nên sự khác biệt trong kết quả kinh doanh ngoại hối của các nhà băng.

Ngoài ra, lợi nhuận còn đến từ hoạt động mua - bán USD giữa các ngân hàng với NHNN.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, lợi nhuận ngân hàng sẽ khả quan trong 2 quý còn lại của năm 2024 nhờ tín dụng tăng trưởng tốt hơn từ quý III, khi lãi suất cho vay hợp lý hơn và nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi, kéo theo nhu cầu vay sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng tăng lên.

Những ngân hàng có thế mạnh về kinh doanh ngoại tệ, đặc biệt là có cơ sở khách hàng doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu lớn, thì càng có nhiều lợi thế ở hoạt động này trong 2 quý cuối năm, vì có lượng khách hàng có nhu cầu mua bán ngoại tệ thường trực rất lớn.

Trong phần giải trình về biến động lợi nhuận quý II/2024, ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc LPBank cho biết, tại ngân hàng này, các đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất được cải thiện dẫn tới nhu cầu về vốn ngoại tệ tăng lên. Bên cạnh đó, LPBank tích cực đồng hành cung cấp các dịch vụ ngoại hối đáp ứng yêu cầu kinh doanh của doanh nghiệp dẫn tới thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng.

Nguồn Vietnamfinance