Chị H.L (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, hóa đơn tiền điện tháng 2/2024 của gia đình chị là hơn 2,6 triệu đồng, tăng vọt gần gấp 2,5 lần.
“Vào cao điểm mùa hè, hóa đơn điện của nhà tôi cũng không quá 1 triệu đồng/tháng, còn trung bình chỉ từ 600 đến 700 nghìn đồng. Đợt này bên điện gộp mấy tháng đây mà lên tới hơn 2 triệu”, chị H.L không khỏi băn khoăn.
Mặc dù đã biết thông tin EVN Hà Nội thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ, song chị H.L vẫn thấy “vô lý” bởi tiền điện tính từ ngày 7/1 đến 29/2 (53 ngày) lại tăng đột biến so với các kỳ trước, trong khi nhu cầu sử dụng của gia đình vẫn không đổi.
“Tôi hiểu rằng thanh toán gộp thì chắc chắn tiền điện sẽ tăng, nhưng nghĩ cùng lắm là tăng gấp đôi. Không ngờ rằng tháng này lại tăng khủng khiếp đến vậy”, chị H.L chia sẻ.
Cùng chung thắc mắc, anh N.P (quận Đống Đa) cho biết trong tháng 2/2024, gia đình anh về quê ăn Tết khoảng gần 10 ngày và hoàn toàn không sử dụng điện trong thời gian đó. Tuy nhiên, hóa đơn tiền điện tháng này của gia đình anh P. là hơn 1,2 triệu đồng, trong khi các tháng khác chỉ khoảng 900 nghìn đồng.
“Khoảng chục ngày không nấu nướng, không máy giặt, không bình nóng lạnh mà hóa đơn tiền điện vẫn tăng lên hơn 30% so với bình thường. Thật không thể hiểu nổi”, anh N.P cho biết.
Trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội, nhiều người dân Hà Nội cũng phản ánh tính trạng tiền điện trong tháng 2 tăng đột biến so với bình thường. Đặc biệt, không ít khách hàng đặt câu hỏi:“Việc phải chịu cộng dồn số điện của hơn 50 ngày, tức là gần 2 tháng, có làm cho các hộ dân phải chịu giá điện bậc cao hơn hay không?”. Trước những phản ánh của các hộ dân, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) đã có thông tin chính thức.
Theo đại diện EVN Hà Nội, hoá đơn tiền điện lần này cao hơn do Tổng công ty Điện lực Hà Nội đang thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ, chuyển từ đầu tháng sang cuối tháng. Thay vì ghi chỉ số công tơ với khách hàng sinh hoạt trải dài từ ngày 3-20 hằng tháng, từ tháng 2, việc này được thực hiện vào cuối tháng.
Số ngày sử dụng điện của khách hàng trong tháng 2, thay vì 31 ngày như thời gian trước đây, sẽ thành tối thiểu 48 ngày đến tối đa 56 ngày sử dụng, số tiền điện trong tháng 2/2024 được tính gộp trên sản lượng 31 ngày cộng với số ngày thay đổi.
Do đó, hóa đơn tiền điện lần này thể hiện số tiền điện khách hàng phải trả cho cả tháng 1 và tháng 2. Đây cũng là lý do tiền điện cao hơn, vì số ngày tính tiền điện từ 30 ngày nâng lên thành 57 ngày.
Về thắc mắc liên quan đến quyền lợi của khách hàng khi tính giá điện sử dụng theo bậc thang, EVN Hà Nội khẳng định quyền lợi của khách hàng sử dụng điện luôn được đảm bảo do mức sử dụng điện sinh hoạt của từng bậc được điều chỉnh theo số ngày thực tế của kỳ ghi chỉ số công tơ trong tháng có thay đổi.
Cụ thể, cùng với việc điều chỉnh ngày ghi chỉ số công tơ, số kWh để hưởng giá điện bậc 1, bậc 2 cũng được thay đổi. Từ 50kWh (theo quy định) được giãn rộng tới 92kWh; bậc 3, bậc 4 được giãn rộng từ 100kWh lên 184kWh.
Thông tin thêm, EVN Hà Nội cho biết, việc thay đổi lịch ghi chỉ số mang lại những tiện ích. Thứ nhất, với lịch ghi chỉ số thống nhất, mang đến cho khách hàng sự thuận lợi trong việc dễ ghi nhớ ngày ghi chỉ số công tơ.
Khi nhận hóa đơn tiền điện khách hàng biết chắc chắn lượng điện năng sử dụng là từ ngày 1 hàng tháng đến ngày cuối tháng. Khách hàng có thể chủ động giám sát, theo dõi mức sử dụng điện theo đúng số ngày của tháng thông qua các app EVNHANOI, Epoint, web.
Xem thêm: Cải cách tiền lương từ 1/7/2024, 2 nhóm đối tượng được hưởng lương cao hơn mặt bằng chung