Về việc khuyến khích trang bị sách tư tưởng Hồ Chí Minh cho học sinh từ lớp 2: Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì?

TS. Phạm Hùng Anh (Vụ trưởng vụ Giáo dục Chính trị & Công tác học sinh sinh viên, bộ GD&ĐT) cho biết: “Bộ không chỉ đạo phát hành tài liệu hỏi đáp “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ai phát hành thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của luật Xuất bản.

Công ty chỉ giải đáp thắc mắc từ các trường?!

Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã đăng tải 2 bài viết: Xôn xao văn bản khuyến khích học sinh lớp 2 trang bị tài liệu gần 300 trang của sở GD&ĐT và Khuyến khích học sinh lớp 2 trang bị tài liệu gần 300 trang: Sở Giáo dục và Đào tạo đang “áp đặt”?. Thông tin bài viết liên quan đến việc một số sở Giáo dục và Đào tạo đã ra Công văn gửi tới các đơn vị trực thuộc về việc “Triển khai, trang bị tài liệu Hỏi đáp “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong nhà trường”.

Văn bản của các sở này đều có nội dung “yêu cầu các đơn vị, trường học thực hiện một số nội dung”, trong đó, đáng chú ý là “mục 2. Trang bị tài liệu Hỏi đáp “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” từ lớp 2 cho đến lớp 12. Đối với giáo viên: mỗi trường tiểu học, THCS, TH&THCS, THPT, phổ thông DTNT, TTGDTX, TTGDNN-TTGDTX trang bị cho mỗi giáo viên giảng dạy môn Đạo đức, Giáo dục công dân 1 cuốn. Đối với học sinh, sinh viên, học viên: Khuyến khích các em học sinh trang bị mỗi em 01 cuốn để sử dụng trong học tập và tìm hiểu”.

Căn cứ ban hành Công văn đều được Công văn của sở nêu rõ để triển khai ban hành tài liệu Hỏi đáp “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vào trường học là thực hiện Quyết định số 2805/QĐ-BGDĐT ngày 7/9/2021 của bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Theo Quyết định 2805, bộ GD&ĐT đã cho phép ban hành tài liệu Hỏi đáp “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Bộ tài liệu để phục vụ mục đích tuyên truyền và đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong học sinh, sinh viên nói riêng và thế hệ trẻ nói chung.

s1

Quyết định số 2805/QĐ-BGDĐT ngày 7/9/2021 của bộ GD&ĐT.

Để tìm hiểu rõ hơn về việc giới thiệu cuốn tài liệu hỏi đáp “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, PV tạp chí Đời sống và Pháp luật đã liên hệ đến công ty cổ phần Môi trường và Thiết bị giáo dục Việt Nam qua số điện thoại 0937.928.XXX (được giới thiệu trên văn bản gửi đến các sở GD&ĐT là “Mọi chi tiết xin liên hệ).

Tuy nhiên, trước câu hỏi của PV về chuyện “giới thiệu để các trường đăng ký số lượng và mua tài liệu hay công ty sẽ cung cấp miễn phí?”, vị này trả lời: “Vì em không phụ trách mảng này nên em không rõ đâu... Hiện tại, em cũng không nắm được tình hình đó nên em cũng chưa trả lời được”.

Khi PV đề cập đến việc văn bản ghi rõ, có thể liên hệ với số điện thoại này khi cần tìm hiểu thêm thông tin mà bây giờ lại nói không nắm được tình hình, thì vị này tiếp tục trả lời: “Vâng, bên em chỉ giải đáp thắc mắc từ các đơn vị trường học thôi… Nếu có trường nào thắc mắc thì cho em xin số của trường đó để em liên hệ… Em cũng không thể trao đổi được…”. Sau đó, người này tắt máy.

Bộ không chỉ đạo phát hành sách

Về phía bộ GD&ĐT, PV đã liên hệ với Thứ trưởng Ngô Thị Minh, người ký Quyết định số 2805/QĐ-BGDĐT ngày 7/9/2021 và nhận được phản hồi: “Tài liệu đã được số hóa, mọi người tải về để đọc, nghiên cứu, không mất tiền… Mọi việc đã khá rõ, có thể liên hệ với vụ Giáo dục Chính trị & Công tác học sinh sinh viên để trao đổi thêm”.

Theo hướng dẫn, PV tiếp tục liên hệ tới vụ Giáo dục Chính trị & Công tác học sinh sinh viên. Trao đổi qua điện thoại với PV, TS. Phạm Hùng Anh - Vụ trưởng - cho biết: “Bộ không chỉ đạo phát hành quyển ấy (tài liệu hỏi đáp “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” - PV), cho nên tôi không biết có vi phạm bản quyền hay không, còn ai phát hành thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của luật Xuất bản.

Quyển sách ấy Bộ đã cung cấp trên cổng thông tin điện tử miễn phí cho các nhà trường để tham khảo”.

Còn việc công ty này gửi văn bản chào hàng đến các sở GD&ĐT thì đấy là việc của công ty. Bộ không chỉ đạo. Hiện nay, cũng rất nhiều các công ty, từ bán bút, bán vở, bán bảng, bán phấn đến bán đồng phục… người ta gửi thì phải chịu chi phối của các luật liên quan, hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Bộ đã công bố cho các Sở là tài liệu này được cung cấp miễn phí cho tất cả các trường học rồi, còn những Sở nào làm không đúng theo quy định của pháp luật thì phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đó là theo phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo tại địa phương theo quy định của luật Chính quyền địa phương.

Bởi vì thực ra thế này, các Sở cũng không để ý đâu, họ (các Sở - PV) thấy công ty “chào bán” tài liệu này, thấy hay đấy, nên mới gửi đi cho các trường. Chứ nhiều khi Giám đốc Sở cũng không để ý là cái này Bộ đã công bố rộng rãi rồi. Nhưng khi báo chí lên tiếng là các Sở cũng “giật mình”, thu hồi luôn. Đó là phản ứng tích cực”.

Ông Phạm Hùng Anh cũng bày tỏ cảm ơn báo chí lên tiếng kịp thời để phía công ty thu hồi sách.

s2

Phạm Hùng Anh hiện là Vụ trưởng vụ Giáo dục Chính trị & Công tác học sinh sinh viên.

“Dự kiến sang năm, chúng tôi sẽ sửa lại bộ câu hỏi đó, nhằm hai mục tiêu. Thứ nhất là tiếp cận thêm những thông tin theo chương trình giáo dục phổ thông mới; thứ hai là chính thức loại luôn tất cả những sách mà các đơn vị xuất bản đi, phải làm một cách triệt để và để cho xã hội biết”, Vụ trưởng thông tin thêm.

Trao đổi với PV Đời sống và Pháp luật, TS.LS Đặng Văn Cường (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Với những hành vi xâm phạm quyền tác giả như tự ý sao chép, tự ý sử dụng mà không có sự cho phép của tác giả thì tùy vào tính chất mức độ của sự việc, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, Điều 25 luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao…

Còn đối với trường hợp sao chép toàn bộ nguyên văn tác phẩm mà không được sự đồng ý của tác giả thì rõ ràng đó là hành vi vi phạm luật sở hữu trí tuệ, xâm phạm quyền tác giả”.

Trường hợp hành vi vi phạm quyền tác giả mà thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả từ 100.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 255 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức chế tài là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Nếu hành vi vi phạm nghiêm trọng thì có thể bị phạt đến 5 năm tù. Điều luật này quy định chế tài hình sự có thể áp dụng cả với pháp nhân thương mại phạm tội, trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội thì có thể bị áp dụng chế tài là phạt tiền đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm.

Đối với nhà xuất bản, cần phải xem xét quy trình xuất bản sách có đúng pháp luật hay không, có vi phạm quy định về luật Xuất bản hay không. Trong trường hợp có hành vi vi phạm thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi mà nhà xuất bản cũng có thể bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Còn đối với người đã vi phạm quyền tác giả nếu kịp thời phát hiện, chưa gây ra hậu quả mà tác giả bị xâm phạm không có kiện cáo nhưng cơ quan chức năng phát hiện sự việc thì vẫn có thể xử phạt hành chính đối với người vi phạm quyền tác giả này.

Việc xử lý vi phạm đối với những hành vi xâm phạm quyền tác giả để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, bảo vệ sự sáng tạo và trí tuệ của chủ thể tác phẩm, khuyến khích sức sáng tạo trong xã hội và đảm bảo công bằng trong lĩnh vực văn hóa, khoa học, nghệ thuật”.