Theo tin tức trên Tuổi trẻ, Giao thông, sự việc xảy ra vào đêm 3/3, trong lúc tổ công tác Đội CSGT Công an huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đang làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý nồng độ cồn thì bất ngờ bị 2 đối tượng tấn công.
Tại thời điểm đó, tổ công tác phát hiện hai đối tượng đi xe máy không đội mũ bảo hiểm nên đã yêu cầu dừng lại để kiểm tra. Được biết, hai đối tượng đã vi phạm nồng độ cồn ở mức kịch khung.
Trong lúc tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện theo quy định, tài xế trên đã đến xin bỏ qua lỗi vi phạm.
Không thể xin được, hai thanh niên đã hung hãn lao vào tấn công tổ công tác cảnh sát giao thông. Trước hành vi manh động của các đối tượng, tổ công tác và người dân chứng kiến vụ việc đã hỗ trợ khống chế, bàn giao những người này cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Bình xử lý theo quy định.
Danh tính người điều khiển xe máy được xác định là Trịnh Xuân Thanh (SN 1987, trú tại huyện Gia Bình) vi phạm nồng độ cồn mức 0,614 mg/l khí thở.
Người ngồi sau là Nguyễn Xuân Chúc có nồng độ cồn 0,442 mg/l khí thở.
- Theo Nghị định 123 năm 2021, người có thẩm quyền được tạm giữ phương tiện trong trường hợp một người có hành vi điều khiển phương tiện khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Căn cứ điều 5 và điều 6 Nghị định 123 năm 2021, đối với người điều khiển phương tiện giao thông, cứ có nồng độ cồn trong máu, không phân biệt là ít hay nhiều, đều bị tạm giữ phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn.
Theo quy Nghị định 123, người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu, hoặc hơi thở có nồng độ cồn, tùy vào mức vi phạm, sẽ bị phạt tiền từ 6 triệu đến 40 triệu đồng; đối với xe máy là từ 2 - 8 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 - 24 tháng. Việc công an tạm giữ xe sau khi lập biên bản không phải là hình phạt bổ sung, mà là để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính.
- Điều 257 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định về Tội chống người thi hành công vụ
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm :
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.