Khi nói về chế độ ăn khoa học, lành mạnh, rất nhiều người lấy cách ăn của người Nhật ra để so sánh và làm hình mẫu. Trên nhiều trang mạng xã hội và kênh truyền thông đều có không ít bài viết “tôn sùng” cách ăn uống của người Nhật.
Vậy chế độ ăn của người Nhật có gì đặc biệt? Ở Việt Nam, nếu xét về thực phẩm thì không hề thua kém gì đất nước mặt trời mọc, thậm chí là còn đa dạng hơn. Vậy vì sao việc áp dụng và thực hành ăn uống của người Việt lại thua xa người Nhật?
Chế độ ăn người Nhật luôn chú ý đa dạng thực phẩm
Dưới góc nhìn của một chuyên gia dinh dưỡng, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng: “Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng chế độ dinh dưỡng của người Nhật tốt nhất thế giới. Chính dinh dưỡng tốt giúp họ có sức khỏe tốt, đó là lý do tuổi thọ trung bình của người Nhật thuộc nhóm cao nhất thế giới”.
Chế độ ăn của Nhật Bản rất đa dạng ngay từ chính các mâm cơm gia đình. Ảnh minh họa.
PGS Lâm cho rằng, ưu điểm trong chế độ ăn của người Nhật chính là sự đa dạng thực phẩm. Đây là điều vô cùng quan trọng trong việc bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể. Họ đa dạng thực phẩm trong từng nhóm chất, điều đó được thể hiện trong các bữa ăn hàng ngày. Cụ thể:
- Cơm của người Nhật, nhất là chế độ ăn cho trẻ nhỏ không đơn thuần chỉ có cơm trắng như ở Việt Nam. Họ trộn cơm trắng, ngô, đậu và tảo biển để ăn cùng.
- Thức ăn trong mâm cơm của người Nhật rất đa dạng. Cá luôn chiếm phần lớn số thức ăn chính và thực tế người Nhật ăn rất nhiều cá. Tuy nhiên, họ không hề bỏ qua các thực phẩm khác như gà, lợn, bò. Dù mỗi món chỉ chế biến một ít, nhưng rất đa dạng trong mâm cơm.
- Rau: Đây là điểm rất đáng chú ý, vì mâm cơm người Nhật luôn xuất hiện 4-5 loại rau khác nhau (chưa kể trái cây), như: vài cái xúp lơ, ít nấm, cà rốt, dưa chuột… Cũng như các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, mỗi loại rau chỉ có một ít, nhưng có nhiều loại xuất hiện trong bữa cơm.
- Canh: Với người Nhật, canh miso rất phổ biến. Món canh này có mặt trong bữa cơm của cả gia đình nghèo, cho đến những người có điều kiện. Bát canh miso của họ cũng kết hợp rất nhiều thực phẩm như cá bào, đậu phụ, rong biển, hành lá…
Sự đa dạng từ trong món ăn bình dị nhất ở Nhật. (Ảnh minh họa)
Qua dẫn chứng trên có thể thấy sự đa dạng thực phẩm trong những bữa cơm gia đình chính là gốc rễ của vấn đề dinh dưỡng. “Nhìn bề ngoài có thể thấy, bữa cơm của người Nhật rất cầu kỳ với nhiều món ăn, tuy nhiên đó chính là khoa học, thể hiện kiến thức dinh dưỡng của người dân Nhật Bản rất tốt. Chính việc ăn đa dạng thực phẩm này sẽ giúp cơ thể không bị thiếu hụt chất, vì thế họ dự phòng bệnh tật rất tốt, nhất là bệnh không lây nhiễm.
Bản thân tôi làm việc tại Nhật, ăn cơm ở đó dù không ăn nhiều nhưng không cảm thấy đói, vì mình ăn đủ chất và vi chất. Trường hợp không ăn đủ chất thì đói rất nhanh, đói ở đây chính là đói vi chất, dù trong bữa ăn có thể cảm thấy bụng đã no”, PGS Lâm chia sẻ.
Nấu ăn ở Nhật là công việc chính, rất quan trọng
PGS Lâm cho biết, khi nói về vấn đề ăn uống, nhiều người hay có câu cửa miệng “ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật” - ý để nói lên vai trò của người phụ nữ (người nội trợ) ở Nhật Bản là rất quan trọng.
Theo đó, trong các gia đình ở Nhật Bản luôn có một người nội trợ, có trách nhiệm lên thực đơn cho các bữa ăn hàng ngày. Họ là người có kiến thức dinh dưỡng rất tốt, thậm chí là phải đi học về dinh dưỡng chỉ nhằm mục đích phục vụ cho việc ăn uống của gia đình. Đó là lý do vì sao, bữa ăn của người Nhật nhiều món ăn, đa dạng về thực phẩm, rất cân đối về dinh dưỡng.
Người nội trợ ở Nhật có kiến thức về dinh dưỡng rất tốt. (Ảnh minh họa)
Không chỉ ở gia đình, tại các trường học, việc lên thực đơn, cân đối dinh dưỡng cũng rất được chú trọng. Hay ngay ở hàng quán ăn cũng vậy, trong menu của họ, các món ăn luôn có sẵn lượng calo để mọi người lựa chọn sao cho phù hợp với bản thân.
“Tôi từng ăn một bát mỳ ở quán tại Nhật Bản, số lượng thịt của họ rất ít, chỉ có vài lát. Tuy nhiên, giá trị dinh dưỡng và lượng calo không hề thiếu. Điều này rất khác với ở Việt Nam, thịt rất nhiều nhưng rau thì ít”, PGS Lâm dẫn chứng.
Vì sao người Việt khó thực hiện theo chế độ ăn của người Nhật?
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, phải thừa nhận thực phẩm ở Việt Nam rất đa dạng và phong phú, thậm chí hơn cả Nhật. Thực tế, nhiều người biết chế độ ăn của người Nhật là tốt, muốn học theo nhưng không làm được đến nơi, đến chốn.
Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như điều kiện sống, văn hóa ăn uống, kiến thức về dinh dưỡng chứ không đơn thuần là việc bê công thức của người khác về áp dụng cho bản thân mình.
Ví dụ như ở Nhật người phụ nữ lo việc nội trợ rất giỏi. Phụ nữ Việt Nam cũng rất giỏi nấu nướng, nhưng ngoài nội trợ họ còn trăm nghìn công việc khác như vẫn đi làm cơ quan, áp lực kiếm tiền, con cái. Vì thế, họ không có thời gian tìm hiểu, học dinh dưỡng, không có thời gian nấu nhiều món ăn…
Hay về các món ăn, trong mâm cơm truyền thống của người Việt thông thường chỉ có một món mặn, một món rau và một món canh. Việc ăn đa dạng thực phẩm bổ sung nhiều đạm, protein hay nhiều rau xanh còn phụ thuộc vào thời gian chế biến, điều kiện kinh tế. “Ngay như bản thân chúng tôi là chuyên gia dinh dưỡng, bữa cơm cũng chỉ có 2 món rau là cùng, thức ăn mặn cũng hôm cá, hôm thịt kết hợp với ít trứng, ít đậu. Dù rất muốn nấu đa dạng thực phẩm nhưng thời gian có hạn”, bác sĩ Lâm chia sẻ.
Để có được bữa ăn đa dạng, cân bằng dinh dưỡng là điều rất quan trọng và cần thiết. Tại Việt Nam, muốn làm được điều đó, bác sĩ Lâm cho rằng cần phải thay đổi từ trong tư tưởng và suy nghĩ của mỗi người. Cụ thể, đừng cho rằng việc nấu ăn là việc phụ, hãy coi đó là việc chính và rất quan trọng. Ngoài ra, cần nâng cao sự hiểu biết, kiến thức về dinh dưỡng để khi chế biến, bố trí thực phẩm cho cân bằng và hợp lý.