Vì sao nhiều nơi tại Mỹ cấm trồng và bán rau muống?
Rau muống là một loại cây thân thảo có thể phát triển được cả ở môi trường nước lẫn trên cạn. Ở nước ta, rau muống được trồng phổ biến và có thể mọc hoang. Rau muống luộc hay xào là món ăn thường ngày của rất nhiều gia đình. Trong kinh nghiệm dân gian, phần thân và lá non của rau muống còn được dùng làm thuốc, giúp giải rượu, thải độc, trị mụn nhọt...
Tuy nhiên, tại Mỹ, rau muống lại bị cấm trồng và tiêu thụ ở nhiều nơi. Từ năm 1970, Bộ Nông nghiệp nước này đã xếp rau muống vào nhóm những loại cây gây hại vì nó thường sinh trưởng rất nhanh trên mặt nước và có thể xâm hại đến các loài thực vật bản địa.
Một số bang của Mỹ, chẳng hạn như Arizona còn cấm hoàn toàn cả việc trồng lẫn mua, bán hay nhập khẩu rau muống. Tại bang Florida, rau muống phải trồng trong nhà kính, thu hoạch và đóng gói tại chỗ trước khi đưa đi tiêu thụ. Loại rau này không được phép trồng trong ao, hồ, sông…
Rau muống lan nhanh nên bị coi là dễ xâm lấn không gian sinh trưởng của nhiều loại thực vật khác. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ rau muống tại Mỹ những năm gần đây tăng lên khi cộng đồng người châu Á ngày càng mở rộng tại nước này. Và tới nay, đã có 4 bang (California, Florida, Hawaii và Texas) của Mỹ cho phép trồng rau muống theo các quy định cụ thể và nghiêm ngặt để đảm bảo không ảnh hưởng tới môi trường và các loại thực vật bản địa.
Rau muống có giá trị dinh dưỡng như thế nào?
Rau muống chứa rất ít calo (mỗi 100g rau chỉ chứa khoảng 19 calo), song lại giàu các vitamin, nhất là vitamin A và C - giúp tăng cường sức đề kháng, làm đẹp da, tóc và làm chậm quá trình lão hóa. Loại rau này cũng cung cấp các vitamin nhóm B như B2, B3, B6, B9... hỗ trợ quá trình trao đổi chất đóng vai trò quan trọng trong các quá trình trao đổi chất. Nhiều khoáng chất cần thiết cho cơ thể như sắt, magie, canxi, mangan, kali và phốt pho... cũng có mặt trong rau muống.
Các nghiên cứu còn cho thấy, trong lá rau muống chứa nhiều chất chống oxy hóa như carotene-β, lutein, xanthin và cryptoxanthin, giúp cơ thể chống lại các gốc tự do, ngăn ngừa bệnh tật.
Các lợi ích cho sức khỏe của rau muống
Tăng cường khả năng miễn dịch
100g rau muống có thể cung cấp 55 mg vitamin C (đáp ứng 92% nhu cầu hàng ngày của một người). Vitamin C có khả năng củng cố hệ miễn dịch, phòng cảm cúm và cảm lạnh.
Rau muống xào là món ăn quen thuộc của nhiều gia đình. (Ảnh minh họa)
Ngăn ngừa táo bón
Rau muống giàu chất xơ, thúc đẩy tiêu hóa. Uống nước rau muống luộc còn giúp giảm tình trạng táo bón, làm mát cơ thể.
Tốt cho thị lực
100g rau muống có thể cung cấp 6.600 IU vitamin A (gấp đôi nhu cầu hàng ngày), có lợi cho mắt. Vitamin A cũng là một chất chống oxy hóa có khả năng chống lại sự tấn công gốc tự do vào giác mạc của mắt.
Tốt cho người mắc tiểu đường
Một số nghiên cứu cho thấy, một số chất dinh dưỡng trong rau muống có thể hấp thụ lượng đường trong máu dư thừa.
Ngoài ra, sử dụng rau muống thường xuyên có thể giúp cơ thể phòng bệnh tiểu đường do những căng thẳng từ quá trình oxy hóa gây ra.
Có lợi cho gan
Một số nghiên cứu chứng minh rằng, rau muống có tiềm năng ngăn ngừa các tổn thương gan. Một số hợp chất hóa học trong rau muống góp phần điều chế các enzyme giải độc.
Ngừa ung thư
Rau muống chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp loại bỏ các gốc tự do ra khỏi cơ thể, hạn chế tình trạng viêm và sản sinh các tế bào ung thư.
Những người mắc các bệnh về thận, gout nên hạn chế ăn rau muống. (Ảnh minh họa)
Một số lưu ý khi ăn rau muống
- Rau muống được coi là một trong những loại rau dễ bị phun thuốc trừ sâu. Vì rau sinh trưởng trong bùn đất nên khi bị phun sẽ dễ tích tụ dư lượng thuốc từ rễ tới thân, lá. Vì thế, bạn chỉ nên mua rau biết rõ nguồn gốc và không có màu xanh lạ. Trước khi nấu nên ngâm, rửa dưới nước sạch nhiều lần.
- Tránh ăn rau muống sống, chưa nấu chín kỹ: Thường được trồng nơi nước nông, rau muống dễ nhiễm giun sán., vì thế cần nấu chín hẳn trước khi ăn, tránh các món nộm, gỏi hay chần qua nước lẩu.
- Nếu đang dùng thuốc chống đông máu, cần tránh ăn rau muống vì có thể gây tương tác thuốc.