Dấu hiệu chênh lệch tiền tỷ
Thời gian qua, rất nhiều vụ án nâng khống giá thiết bị trong công tác đấu thầu đã cho thấy sự yếu kém, không đủ tin cậy của các chứng thư thẩm định giá.
Để hoạt động đấu thầu được minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước cũng đặt ra vai trò, trách nhiệm giám sát, hậu kiểm của chủ đầu tư với các đơn vị thẩm định là rất quan trọng.
Quá trình nghiên cứu về gói thầu số 1: “Mua sắm hệ thống thiết bị thí nghiệm năm 2021” được ông Giang Mạnh Khôi - Phó Viện trưởng Viện ứng dụng công nghệ (thuộc bộ Khoa học và Công nghệ) phê duyệt cho thấy, nhiều sản phẩm được mua sắm có giá cao bất thường.
Cụ thể, hệ thống quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (FT-IR) Nicolet iS20 của hãng Thermo Scientific (Mỹ) có đơn giá trong gói thầu là 2.819.500.000 đồng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, phóng viên nhận được giá nhập khẩu của hệ thống này khi đã bao gồm thuế nhập khẩu có giá là 1.301.380.998 đồng, tức thấp hơn 1.518.119.502 đồng so với giá trúng thầu.
Hệ thống phân tích tổng cacbon hữu cơ và tổng nitơ (TOC/TN) Multi N/C 2100S duo của hãng Analytik Jena (Đức) giá nhập khẩu là 1.962.085.644 đồng. Nhưng được phê duyệt trong gói thầu là 2.790.000.000 đồng, thấp hơn giá gói thầu là 827.914.356 đồng.
Tiếp đến, hệ thiết bị đánh giá khả năng phân hủy sinh học hiếu khí của vật chất liệu dẻo Moda 9 của hãng SaidaFDC (Nhật Bản) có đơn giá trong gói thầu là 3.519.000.000 đồng. Thông tin nhập khẩu cho thấy, giá hệ thống này thấp hơn hơn ở gói thầu 366.851.337 đồng.
Qua tìm hiểu 5/6 loại hàng hóa được mua sắm, gói thầu có dấu hiệu đội giá cao hơn giá nhập khẩu khoảng 3,2 tỷ đồng. Cần lưu ý rằng, nhà thầu khi bàn giao cho chủ đầu tư còn phải chịu thêm một số chi phí liên quan và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Được biết, đơn vị trúng thầu là công ty Cổ phần xây dựng và kỹ thuật Toàn Thịnh với giá 14.658.000.000 đồng. So với giá dự toán 15.015.350.000 đồng thì số tiền tiết kiệm sau đấu thầu là 357.350.000 đồng, đạt tỉ lệ 2,37%.
Công tác giám sát đã hiệu quả?
Trước những thông tin nêu trên, ông Đỗ Trọng Tấn – chánh văn phòng Viện ứng dụng công nghệ cho biết: Khi lập hồ sơ mời thầu, Viện đã thuê đơn vị thẩm định theo đúng quy định, căn cứ dựa vào chứng thư thẩm định giá để lập hồ sơ mời thầu và lựa chọn đơn vị trúng thầu.
“Chúng tôi không có kinh nghiệm trong tổ chức đấu thầu nên đã thuê tư vấn độc lập có đủ tư cách pháp nhân, chuyên môn, năng lực để thực hiện. Và họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những việc mình làm”, ông Tấn nói.
Ông Tấn cho biết thêm: Giá cả sản phẩm ngoài máy chính còn có vật tư, phụ kiện, chế độ bảo dưỡng, bảo hành đi kèm. Các phụ kiện, chi phí đều được thẩm định giá và thể hiện đầy đủ trong hồ sơ. Trừ khi chứng thư thẩm định giá có vấn đề thì Viện không nắm được.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về trách nhiệm giám sát, rà soát đối với công tác thẩm định được thể hiện thế nào? Ông Tấn nói: Về lý thuyết là như thế nhưng mình rà soát được thì mình thuê người ta làm gì!?.
Để làm rõ thêm công tác hậu kiểm của chủ đầu tư, phóng viên mong muốn được trao đổi tư liệu liên quan đến chứng thư thẩm định giá thì ông Tấn cho biết: Vấn đề này sẽ báo cáo lãnh đạo Viện. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên hệ, đơn vị này không có thông tin phản hồi.
Thẩm định giá phải công tâm Đánh giá về hoạt động thẩm định giá, luật sư luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối cho rằng, là tài liệu rất quan trọng nên chứng thư thẩm định giá phải được xây dựng bởi đội ngũ thẩm định viên chuyên nghiệp, công tâm, khách quan với những tài liệu chính xác, bám sát giá thị trường. Về căn cứ xây dựng giá gói thầu, luật sư Hùng cho hay, việc tính giá thầu hiện được xác định trên quy trình chặt chẽ, rõ ràng bởi đơn vị thẩm định giá tài sản. Trường hợp có căn cứ xác định giá đấu thầu cao hơn thực tế thì cần xem xét lại đơn vị thẩm định giá có đúng hay không? Việc thẩm định giá cũng cần có tài liệu so sánh, đánh giá như: giá các gói thầu tương tự, giá các đơn vị cung cấp, giá thị trường. Nếu có căn cứ cho rằng, giá đấu thầu cao hơn thực tế, trong trường hợp này cần mời bên kiểm toán, đơn vị thẩm định giá khác thẩm định lại để đảm bảo tính khách quan. Tuy nhiên, nếu hành vi xác định giá thầu quá cao giá thị trường, gây thiệt hại cho nhà nước từ 100 triệu đồng trở lên hoặc bị xử lý hành chính về lĩnh vực này nhưng vẫn vi phạm thì có thể khởi tố hình sự về tội Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 222, bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). |
Đặng Thủy