Vietnam Airlines chính thức được 'bơm' 4.000 tỷ đồng

Sáng ngày 7/7, Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại trị giá 4.000 tỷ đồng nhằm giải quyết khó khăn do dịch Covid-19.
vietnamairline-2-1625656794.jpg

Theo Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), hãng đã ký kết hợp đồng tín dụng với ba ngân hàng thương mại là Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với tổng số tiền vay 4.000 tỷ đồng.

Số tiền vay trên là một phần trong gói tài chính trị giá 12.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020 để hỗ trợ Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng về tài chính do dịch Covid-19. Hiện cổ đông nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối tại hãng hàng không này với 86,19% cổ phần.

Hiện, Vietnam Airlines đang tiếp tục triển khai phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng để có thể hoàn tất thủ tục phát hành vào cuối quý 3/2021.

Bên cạnh những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, Vietnam Airlines đã triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp nhằm cắt giảm chi phí như tái cơ cấu doanh nghiệp, thu hẹp sản xuất kinh doanh theo quy mô thị trường, tối ưu hóa hoạt động bảo dưỡng máy bay, đàm phán với các nhà cung ứng giãn, hoãn thanh toán và áp dụng chính sách tiền lương trong giai đoạn dịch bệnh.

Trước đó, Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) cũng dự đoán khoản lỗ 6 tháng đầu năm của Vietnam Airlines có thể lên đến 10.000 tỷ đồng. Đặc biệt, số nợ phải trả quá hạn của hãng bay này đạt tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.

vietnam-airline-1-1625656805.png

Tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines liên tục thua lỗ từ khi dịch Covid-19 bùng phát

Ngoài ra, thông tin từ  Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cũng cho biết doanh thu năm 2020 của ba hãng hàng không Việt bao gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways giảm trên 60% (khoảng 100.000 tỷ đồng). Ba doanh nghiệp này ghi nhận nợ ngắn hạn và đến hạn phải trả tổng cộng 36.000 tỷ đồng, riêng Vietnam Airlines nợ ngắn hạn 20.000 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý I/2021 cũng cho thấy kết quả kinh doanh bết bát của doanh nghiệp này. Theo đó, ba tháng đầu năm 2021, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần 7.460 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ 2020. Doanh thu giảm mạnh trong khi chi phí không thể tiết giảm tương xứng đã khiến hãng hàng không quốc gia ghi nhận lỗ 4.900 tỷ đồng thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đây là mức lỗ quý lớn nhất của Vietnam Airlines kể từ khi hãng bay này niêm yết trên sàn chứng khoán. Khoản lỗ kỷ lục này đã nâng lỗ lũy kế của Vietnam Airlines tăng lên 14.219 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ.

Phương Ly - Người Đưa Tin Pháp Luật