VIMC mang gần 8.000 tỷ đồng đi gửi ngân hàng lấy lãi

Cuối quý I/2023, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam có gần 8.000 tỷ đồng gửi có kỳ hạn tại ngân hàng. Số tiền gửi này đã mang về cho công ty hơn 93 tỷ đồng tiền lãi.

Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC - UPCoM: MVN) công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với doanh thu và lợi nhuận đều đi lùi so với cùng kỳ năm 2022.

Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, VIMC ghi nhận doanh thu đạt hơn 2.849 tỷ đồng, giảm hơn 12% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động vận tải với 1.076 tỷ đồng (giảm 12% so với cùng kỳ, chiếm 38% doanh thu thuần) và hoạt động khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải với gần 1.451 tỷ đồng (giảm 22% so với cùng kỳ, chiếm 51% doanh thu thuần).

Trong kỳ, giá vốn hàng bán cũng theo chiều giảm nhưng ở mức ít hơn, đạt mức gần 2.199 tỷ đồng khiến cho lợi nhuận gộp giảm mạnh đến 27% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 650 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hoạt động tài chính của VIMC có khởi sắc với doanh thu tăng 31%, đạt 114 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay. Chi phí tài chính lại giảm đến 22% ở mức 95 tỷ đồng, được hưởng lợi từ chi phí lãi vay.

Mức lãi trong công ty liên kết, liên doanh của VIMC trong kỳ chỉ đạt trên 20 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lại tăng nhẹ, đạt mức trên 271 tỷ đồng. Trong quý I, doanh nghiệp này phát sinh hơn 141 tỷ đồng thu nhập khác là thu nhập từ bồi hoàn bảo hiểm và trên 75 tỷ đồng chi phí khác.

Khấu trừ các phi phí, trong 3 tháng đầu năm, VIMC có lợi nhuận trước thuế đạt 485 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 396 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ.

Trong năm 2023, do đánh giá thị trường sẽ có nhiều khó khăn hơn, VIMC chỉ đặt mục tiêu doanh thu 13.354 tỷ đồng, chỉ bằng bằng 87% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 2.330 tỷ đồng, bằng 76% so với năm 2022. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, VIMC đều đã thực hiện được 21% hai mục tiêu trên.

Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt 26.978 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong đó, khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng lên tới 7.949 tỷ đồng, chiếm 30% tổng tài sản. Quý I/2023, công ty thu về 93,2 tỷ đồng lãi tiền gửi, tiền cho vay.

Nợ phải trả của VIMC cũng giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ, duy trì ở mức 12.506 tỷ đồng, chiếm 46% trong cơ cấu nguồn vốn. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 63% với 7.877 tỷ đồng, nợ dài hạn chiếm 37% với 4.629 tỷ đồng. 

Vốn chủ sở hữu ở doanh nghiệp đạt 14.472 tỷ đồng, tăng gần 3% so với thời điểm đầu năm. Đến hết quý I/2023, VIMC vẫn còn lỗ lũy kế hơn 393 tỷ đồng, song con số này đã cải thiện so với mức lỗ 653 tỷ đồng ngày đầu năm..