Vụ bé 10 tuổi tử vong: Đừng đổ lỗi cho học online nhưng phải "lên dây cót" bảo vệ trẻ

Sự cố đáng tiếc của bé trai 10 tuổi tại Hà Nội tử vong vì điện giật khi học trực tuyến, trở thành hồi chuông cảnh tỉnh đến mỗi gia đình, nhà trường trong vai trò bảo vệ con trẻ.

Giữ trẻ an toàn khi học trực tuyến

Vừa qua, một sự cố đáng tiếc đã xảy ra với một bé trai 10 tuổi tại Hà Nội, khiến không ít người thương cảm, xót xa. Cụ thể, sáng ngày 10/9, một phụ huynh sau khi kết nối cho con học trực tuyến thì có việc phải đi ra ngoài, bé trai ở nhà dùng vật kim loại chọc vào ổ điện và bị điện giật tử vong.

die-n-gia-t-jpeg-6010-1631285520-1631377349.jpg
Một bé trai gặp sự cố bị điện giật, dẫn đến tử vong khi đang học trực tuyến tại nhà.

Trao đổi với PV Phụ nữ và Pháp luật, bà Phạm Thị Lệ Hằng (Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Sự việc đau lòng vừa xảy ra tại Hà Nội cũng là một bài học cho mỗi gia đình, phải lưu tâm hơn trong vấn đề dạy dỗ các con, đặc biệt, trong thời gian học trực tuyến như hiện nay, với những trẻ nhỏ, mong các phụ huynh có thể bố trí thời gian, đồng hành cùng con, để tránh những tình trạng đáng tiếc tương tự xảy ra.

Đối với học sinh tiểu học trên địa bàn, khi tổ chức học trực tuyến, chúng tôi đều khuyến cáo phụ huynh nên dành thời gian ngồi cùng con, theo sát con, không chỉ về vấn đề an toàn mà còn để đảm bảo hỗ trợ kịp thời khi các con cần giúp đỡ”.

anh-1-thuc-pham-1631377350.jpg
Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông mong mỗi gia đình lưu tâm hơn trong vấn đề dạy dỗ các con.

Nhìn nhận về giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh khi học online, bà Nguyễn Thị Bích Huyền (Hiệu trưởng trường tiểu học Ngọc Lâm - Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Với học sinh lớp 1 mà phụ huynh không đồng hành thì rất khó có hiệu quả. Phương châm của nhà trường là hạn chế cho trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử quá nhiều. Chúng tôi tổ chức dạy online cho các con không nhiều, chỉ từ 2-3 buổi/tuần, bởi học nhiều quá cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và thị lực của các con. Và chủ yếu tập trung vào hướng dẫn, giới thiệu kiến thức mới. Trung bình mỗi tiết học khoảng 40 phút thì nội dung bài giảng kiến thức mới của các cô có thời lượng từ 15-20 phút, như vậy vừa đảm bảo cho trẻ không bị nhàm chán mà dẫn đến ngáp ngủ, làm việc riêng, hoặc bỏ đi chỗ khác...

Đến phần thực hành, các cô sẽ sử dụng phần mềm khác giao bài cho học sinh, đồng thời, có sự phối hợp với phụ huynh để chủ động cho con làm bài tập, kiểm tra kiến thức. Phụ huynh sẽ làm thầy cô giáo thứ hai, khi các cô hướng dẫn, bố mẹ biết những phương pháp và quy chuẩn của thầy cô, mặc dù có thể không thuần thục như các cô nhưng sẽ đồng hành và hỗ trợ tốt nhất cho các con trong giai đoạn này.

Từ đó, thông qua bài tập, các cô sẽ thấy được những đơn vị kiến thức mà trẻ còn “vướng”, để tập trung vào giải đáp. Chỉ có như vậy mới có hiệu quả!”.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên (Cố vấn giáo dục cấp cao của tập đoàn Microsoft, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của bộ GD&ĐT) cũng chỉ ra: “Trước hết, an toàn của trẻ là vấn đề mà nhà trường cũng cần trao đổi với phụ huynh, để đảm bảo chỗ ngồi học của các con phù hợp, được ngồi cao ráo và giữ lưng thẳng chứ không phải ngồi bệt dưới đất, đảm bảo tư thế ngồi và không gian xung quanh yên tĩnh. Bên cạnh đó, về thiết bị, nếu có thể, gia đình cũng nên trang bị máy tính bảng hoặc laptop, hạn chế dùng điện thoại, bởi nhìn vào chữ nhỏ quá thì con dễ bị cận thị sớm, học xong mùa dịch này là ảnh hưởng rất nhiều đến mắt con.

Phụ huynh cũng chú ý nhắc các con không vừa sạc pin vừa dùng thiết bị, bố mẹ nên sạc đầy pin trước cho con, không để con tự sạc. Đồng thời, thầy cô khi đang giảng dạy, cũng phải là người quan sát, để ý đến các con xem các con đang học như thế nào, thường xuyên tương tác với con để nắm tình hình giúp bố mẹ. Tốt nhất, trong gia đình nên phân công một người để theo dõi con, để tránh tình trạng con không học mà ngồi làm việc riêng. Đặc biệt, với lứa tuổi của học sinh lớp 1, lớp 2, các con còn bé như vậy, chắc chắn phải có người thân bên cạnh...”.

Vị chuyên gia giáo dục cũng nhấn mạnh: “Một số địa phương không cho học sinh lớp 1, lớp 2 học online, vì các con còn quá nhỏ. Bởi, nếu chỉ cần để học sinh nghe giảng thì có rất nhiều cách để hỗ trợ.

dau-thau-giao-vien-1-1631377349.jpg
Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng, có rất nhiều cách cho trẻ tiếp cận bài giảng của giáo viên.

Chẳng hạn, các cô quay sẵn clip giảng bài, gửi cho các con nghe hoặc gửi bài tập để phụ huynh cho các con làm ở nhà. Có rất nhiều cách, phương pháp học tập hỗn hợp có thể giúp các con tiếp cận được với bài giảng. Để đỡ vất vả, các giáo viên cùng một khối lớp cũng có thể phân chia nội dung giảng dạy, mỗi người chuẩn bị và quay clip với nội dung của một tuần chẳng hạn, rồi chia sẻ đến phụ huynh theo một đường dẫn. Cô giáo chỉ cần lên một khung kế hoạch giảng dạy thật chi tiết, gửi cho phụ huynh, ngày này, tuần này cần học bài nào, yêu cầu cần đạt là gì... rồi phụ huynh có thời gian ngồi với con vào bất kỳ giờ nào trong ngày thì sẽ mở lên cho con, miễn sao, đảm bảo ngày hôm đó cho con học bài đó.

Tôi lấy ví dụ, với một bài đọc, cô sẽ đọc mẫu rồi để các con đọc theo đó cho bố mẹ nghe. Kiểu gì bố mẹ cũng sẽ có ít nhất 1 tiếng rảnh trong ngày dành cho con. Như vậy là đủ rồi, chứ không nhất thiết là phải học 4-5 tiếng/ngày. Đối với lớp 1, lớp 2, chỉ cần làm sao đảm bảo giữ tác phong học tập cho con thôi, chứ không nhất thiết buộc con phải học được đầy đủ các kiến thức mà con cần học, cần tiếp thu như khi học tập trung tại trường”.

Trang bị kỹ năng mềm, tạo thói quen nền nếp

Khẳng định sự việc đau lòng trên không thể đổ lỗi cho việc học online, mà đó là do kỹ năng mềm của học sinh được trang bị còn yếu, song, Hiệu trưởng trường tiểu học Ngọc Lâm cũng nhấn mạnh: “Dù vậy, những tai nạn thương tích xảy ra trong hay ngoài nhà trường với học sinh đều hết sức đáng tiếc và một lần nữa nhắc nhở mỗi gia đình, nhà trường cần hết sức lưu tâm trong việc phòng ngừa, bảo vệ con trẻ.

Trong chương trình giáo dục từ mầm non đến phổ thông, cũng đã có những nội dung kiến thức lồng ghép dạy cho học sinh các kỹ năng tự phòng ngừa tai nạn như nhận biết các thiết bị điện và các vật gây nguy hiểm, gây cháy nổ, đồng thời nghiêm cấm không được sờ vào những vật dụng đã cảnh báo, không tiếp cận với khu vực nguy hiểm…”.

“Cho dù bố mẹ có sát sao, nhưng hãy thử tưởng tượng, một đứa trẻ đang trong tuổi đáng lẽ được tự do nô đùa, lại “bị nhốt” trong nhà, với 4 bức tường suốt nhiều tháng qua do dịch Covid-19, rất khó tránh việc trẻ hiếu động, hiếu kỳ và nghịch ngợm. Tôi dám chắc, cả thầy cô và gia đình có dạy những kỹ năng đó, nhưng trong một giây phút nào đó, đứa trẻ mải chơi mà quên đi, nên xảy ra rủi ro như vậy.

Tuy nhiên, đây cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh rất lớn, để các thầy cô giáo và tất cả các gia đình buộc phải quan tâm hơn đến việc học của con khi con tham gia học trực tuyến. Đó là điều chắc chắn!

Trước đây, một số gia đình có thể chủ quan, cứ đinh ninh rằng, thầy cô đã dạy như thế, các con đều biết hết rồi, mà thiếu sự quan tâm, nhắc nhở, đôn đốc và giám sát. Như vậy, sẽ rất khó để trẻ nhớ được.

anh-2-co-huyen-9727-1631377349.jpg
Theo HIệu trưởng trường tiểu học Ngọc Lâm, đây là một hồi chuông cảnh tỉnh để các thầy cô giáo và các gia đình buộc phải quan tâm hơn đến việc học của con khi con tham gia học trực tuyến.

Đặc thù tâm lý của trẻ tiểu học là nhớ rất nhanh nhưng quên cũng thật mau, có những điều chỉ cần nói một lần là trẻ nhớ ngay, nhưng cũng có những điều có thể quên ngay lập tức. Chính vì vậy, đối với việc trang bị những kỹ năng cho trẻ tiểu học, phải tạo thành thói quen, rèn luyện thường xuyên, liên tục và hằng ngày, mới thành nền nếp. Chính vì thế, người ta mới nói, cấp tiểu học là cấp xây dựng nền móng đầu tiên và rèn nền nếp cho các con”, bà Nguyễn Thị Bích Huyền phân tích.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm tại trường tiểu học Ngọc Lâm, vị Hiệu trưởng cho biết: “Trong quá trình học, bao giờ các cô giáo cũng phải nhắc lại những nội dung đảm bảo an toàn cho trẻ. Ngay như hiện tại, đối với học online, chúng tôi cũng có những nội quy quy định rõ ràng tác phong học tập của các con để đảm bảo an toàn và sức khỏe”.

Ngay khi nghe thông tin về vụ việc đau lòng trên, nhà trường cũng phải “lên dây cót” lại với các cô, chia sẻ đến phụ huynh về sự việc trên và nhắc lại nội quy phòng học Zoom để trao đổi với phụ huynh phải thực sự sát sao, quan tâm, đảm bảo an toàn cho các con khi con thực hiện học trực tuyến. Cũng không chỉ là vấn đề an toàn trong lúc học trực tuyến, mà còn là về an toàn trong mùa dịch: điện, nước sôi, lan can, cầu thang, đồ dùng có thể gây nguy hiểm,... những vấn đề an toàn của trẻ khi ở một mình... Tất cả đều cần được quan tâm một cách tỉ mỉ hơn!”.

Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cũng bổ sung: “Trang bị cho trẻ kỹ năng mềm cần thiết là một trong những nhiệm vụ quan trọng từ phía gia đình và các nhà trường. Tuy nhiên, điều đó cũng có thể là điều khó khăn cho một số nhà trường và các bậc phụ huynh, nên cần phát huy vai trò từ các tổ chức xã hội, các dự án cộng đồng. Chúng tôi cũng đang ấp ủ 8 dự án phát triển kỹ năng cho học sinh (mỗi bậc học là 2 dự án), dạy dựa trên cơ sở tất cả những gì có trong gia đình, được thực hành tại nhà và hình thành kỹ năng luôn cho các con. Khác với những hướng dẫn khôn khan, chỉ đơn thuần là lời chỉ dẫn làm việc này như thế nào, chúng ta cần dạy theo quy trình nghiên cứu khoa học để trẻ có thể tiếp cận và hình thành kỹ năng cho bản thân”.