Trăn trở của phụ huynh có con vào lớp 1 qua... màn hình điện thoại

Những lo âu, băn khoăn của phụ huynh trước việc một đứa trẻ chưa biết đọc, biết viết phải học trực tuyến là hoàn toàn có cơ sở. Nhiều phụ huynh gặp khó khi nhà thiếu thiết bị đáp ứng nhu cầu học tập của con.

Vừa học vừa lo ảnh hưởng sức khỏe

Bộ GD&ĐT chủ trương có thể cho học sinh lớp 1 tựu trường sớm 2 tuần so với các lớp khác, nhằm tạo thuận lợi để “bù đắp những khoảng trống”, khi trẻ từ bậc mầm non chuyển sang bậc học mới sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ. Tuy nhiên, điều này tùy thuộc kế hoạch sắp xếp của các địa phương.

Hiện tại, một số địa phương vẫn phải cho học sinh tựu trường và học tập theo hình thức trực tuyến để đảm bảo sức khỏe. Phải bước vào một năm học mới qua màn hình các thiết bị điện tử là một điều thiệt thòi và xa lạ đối với các bạn học sinh lớp 1, đặc biệt, để trẻ làm quen thầy cô, bạn bè và “bắt nhịp” với kiến thức mới sẽ là điều không dễ dàng đối với cả cô và trò.

Chia sẻ với PV Phụ nữ và Pháp luật về những khó khăn tương tự, chị Nguyễn Thị Hải Hà (nhân viên văn phòng), phụ huynh có con vào lớp 1 tại Hà Nội cho biết: “Tôi cho rằng, thời điểm này, lo lắng và băn khoăn cũng là tâm lý chung của rất nhiều phụ huynh khi có con vào lớp 1 phải học trực tuyến. Như tại gia đình tôi, trước kia, con chỉ được phép sử dụng thiết bị điện tử trong giới hạn 30 phút, sau đó trả lại bố mẹ, nhưng bây giờ học trực tuyến con, phải tiếp xúc thiết bị điện tử trong nhiều giờ, điều này cũng khiến tôi không khỏi lo lắng về vấn đề sức khỏe thị lực của con.

anh-1-1-1631201015.jpg
Chị Nguyễn Thị Hải Hà lo con trai học trực tuyến sẽ ảnh hưởng xấu đến thị lực. 

Chưa kể, trong quá trình học tập, con chưa thực sự chú ý và tập trung, chưa có nền nếp học tập trong những buổi học trực tuyến, mặc dù cả cô và trò cũng đã rất cố gắng trong từng tiết học”.

Cùng chung nỗi niềm, phụ huynh Vũ Thị Đáng (Hải Dương) tâm sự: “Tôi là một công nhân, bận rộn cả ngày làm việc ở công ty nên khi nghe tin các con học trực tuyến, tôi cảm thấy rất lo lắng. Một phần vì con chưa thể tập trung học, nếu ở trường con tập trung được 8-9 phần thì ở nhà chỉ được khoảng 5 phần thôi; Chưa kể, không có người lớn ở nhà giám sát mà chỉ có anh chị hỗ trợ con, rất khó đảm bảo con sẽ ngồi học tử tế được nguyên một buổi.

Dịch bệnh ở địa phương đã tạm thời ổn định nhưng tôi vẫn mong nhà trường có thể đảm bảo được sức khỏe và môi trường học tập khi các con đến trường. Điều này giúp những người làm cha mẹ như tôi có thể an tâm làm việc phát triển kinh tế”.

Đáp ứng không đủ điều kiện cho con học trực tuyến

Tuân thủ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng với phụ huynh có con vào lớp 1 khó khăn tiếp nối khó khăn khi không đáp ứng đủ điều kiện học tập cho con.

Việc đầu tư trang thiết bị cho con học trực tuyến cũng là nỗi khổ tâm của không ít gia đình. Anh Lê Văn Hùng (Xuân Lộc, Đồng Nai) cũng xoay xở vì những khó khăn riêng”: “Nhà trường đều khuyến cáo học sinh cần được học trên màn hình đủ lớn để dễ quan sát, tương tác tốt và giảm vấn đề về mắt cho trẻ. Tuy nhiên, trong gia đình tôi, bố mẹ chỉ là công nhân, nhà chỉ có duy nhất chiếc điện thoại “cùi bắp làm phương tiện liên lạc, lấy đâu ra máy tính cho con học tập. Chưa kể, thiết bị điện tử là mặt hàng không thiết yếu trong thời gian giãn cách, cho dù gia đình tôi có tiền thì mua cũng không dễ dàng”.

Bên cạnh đó, những yếu tố khách quan như mạng Internet, điện nếu không đáp ứng đủ cho con thì việc hoàn thành buổi học với con là điều không hề đơn giản.

Mặc dù gia đình nằm trong khu vực “vùng xanh” của tỉnh Bình Phước, nhưng việc con lên lớp 1 phải học trực tuyến vẫn trở nên khó khăn với gia đình chị Hồ Thị Quỳnh (công nhân), khi: “Nhiều ngày bị mất điện, bố mẹ muốn lắp mạng cho con học cũng khó. Thậm chí, tôi cũng đã đăng ký mạng 3G, 4G nhưng cũng chập chờn không đảm bảo chất lượng cho con học tập”.

anh-2-1631201015.jpg
Muốn cho con làm quen với học trực tuyến, song chỉ được một lúc là lại ngồi “quay ngang quay dọc”.

Nhận được thông báo học sinh lớp 1 phải học trực tuyến, chị Quỳnh muốn cho con tập làm quen với hình thức này, nên cho con nghe bài giảng “Dạy học trực tuyến lớp 1” của Đài truyền hình Việt Nam - VTV7 trên điện thoại. Do nhà mất điện triền miên nên không mở được ti vi thường xuyên, gia đình chị phải sử dụng bình ắc-quy để dùng một số thiết bị điện chiếu sáng, phục vụ việc học tập của con. Thế nhưng, cũng chỉ tập trung được một lúc là cô bé lại ngồi “quay ngang quay dọc”, cầm điện thoại với nhiều tư thế khác nhau.

“Nhiều lúc nhìn con ngồi học như vậy, tôi cũng cảm thấy đau đầu và bất lực. Đã có lúc hai vợ chồng “trộm nghĩ”, hay là cho con nghỉ học. Nhưng nếu làm như vậy, con sẽ thiệt thòi khi không được đi học theo đúng độ tuổi của mình, nên hai vợ chồng cố gắng chạy vạy mua cho con thiết bị điện tử đáp ứng nhu cầu học của con”.

Giáo viên tiểu học nói gì?

Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc dạy và học trực tuyến là lẽ đương nhiên, nhưng với học sinh lớp 1, lớp 2 vẫn còn quá nhiều thách thức.

Trước đó, nhiều thầy cô giáo dạy tiểu học cũng chia sẻ những khó khăn đối với việc cho học sinh lớp 1 học online. Cô Điêu Thị Thanh Phương (giáo viên lớp 1 trường tiểu học Tân Phú - Phú Thọ) bày tỏ: “Đối với học sinh lớp 1 thì dường như là “bất khả thi”. Bởi, trẻ từ mẫu giáo lên lớp 1, chúng tôi biết dạy thế nào khi cô trò còn chưa biết mặt, mà học sinh ở lứa tuổi này là vừa dạy vừa dỗ, các cô phải dành khoảng thời gian đầu để rèn nền nếp, dạy kỹ năng trước khi truyền kiến thức. Học sinh ở thời điểm này còn chưa biết chữ!

Nếu diễn biến dịch căng thẳng mà học sinh phải học online từ đầu năm học thì với học sinh lớp 1 là rất khó, bắt buộc phải chờ đến khi có thể học tập trung được tại trường. Bởi, để học được trực tuyến thì phải đòi hỏi các con biết đọc, biết viết, chứ như hiện nay thì bảo cầm bút có khi các con còn chưa biết cầm”.

Cô Đỗ Thu Huyền (giáo viên trường tiểu học thị trấn Trạm Trôi - Hoài Đức - Hà Nội) cũng cho rằng: “Với cương vị là một giáo viên nhiều năm chủ nhiệm lớp 1, bản thân tôi cũng lo lắng cho chất lượng học tập của các con, bởi, với lứa tuổi vừa bước vào năm học đầu tiên của bậc tiểu học, cầm tay nắn nót từng chữ từng nét là rất quan trọng, mà bây giờ các con chủ yếu chỉ được nhìn và bắt chước qua màn ảnh, thật sự là khó khăn cho cả cô và trò.

133359661-2302452149898397-1405717881338006590-n-1631203068.jpg
Cô Huyền bày tỏ nỗi lo lắng cho học sinh lớp 1 khi không được trực tiếp cần ta nắn chữ.

Tất nhiên, tôi cũng đã chuẩn bị các phương án để tìm ra phương pháp dạy học hiệu quả nhất giúp học sinh, nhưng chắc chắn chất lượng cũng sẽ bị hạn chế”.

Chiều ngày 8/9, bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc bàn giải pháp đẩy mạnh dạy học trực tuyến, trên truyền hình và các phương thức giáo dục khác trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Theo khảo sát nhanh của bộ GD&ĐT, việc tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới 2021-2022 gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều nơi tổ chức dạy học trực tuyến chưa hiệu quả, do hệ thống đường truyền Internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học miễn phí chất lượng không tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập... Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, dạy học trực tuyến là phương thức chính, dạy học trên truyền hình là phương thức bổ trợ quan trọng nhất, “lớp 1, lớp 2 thì dạy học trên truyền hình sẽ là trọng tâm”. Trước mắt giáo viên không thực hiện kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học trực tuyến hoặc trên truyền hình đối với học sinh lớp 1, lớp 2.