Vu Lan này cắm hoa gì bền đẹp lại thành tâm? Mẹ đảm chia sẻ 14 mẫu hoa cắm bàn thờ đơn giản ai cũng làm được

Với bình hoa bàn thờ truyền thống, chị Hải Yến nhận thấy đa số các bình hoa đều có đặc điểm là miệng nhỏ, thuôn dài dáng trụ, rất khó cắm kiểu gác cành.

Hoa tươi là thứ không thể thiếu trên bàn thờ dịp lễ Vu Lan, Rằm tháng 7, nhưng không phải ai cũng biết nên cắm hoa gì, cắm thế nào để vừa bền đẹp lại thành tâm.

Chị Hải Yến (Hà Nội) là một người có niềm đam mê mãnh liệt với bộ môn cắm hoa, vì thế trong nhà chị lúc nào cũng có vài bình hoa để ngắm. Và dĩ nhiên, vào những dịp quan trọng như ngày Tết, lễ Vu Lan,… trên bàn thờ nhà chị không lúc nào thiếu vắng hương sắc của hoa tươi.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong bộ môn nghệ thuật này, mẹ đảm Hà Nội cho biết để có một bình hoa bền đẹp trong dịp lễ Vu Lan thì việc đầu tiên là cần mua được hoa tươi mới, khỏe khoắn. Khi mua hoa, nên quan sát kỹ cả phần thân và lá. “Hoa muốn đẹp thì gốc, thân và lá phải khỏe, lá xanh không sâu bệnh vàng úa. Một cành hoa tươi mới không bị ủ lạnh là cả hoa và lá vẫn còn phấn, tức là các sợi lông tơ siêu mảnh trên bề mặt hoa và lá. Dùng tay sẽ cảm nhận được điều này rất rõ ràng”, chị Hải Yến cho hay.

Chị Hải Yến là một người mê hoa, có nhiều năm kinh nghiệm trong việc cắm hoa.

Sau khi đã chọn được hoa khỏe và đẹp, bước tiếp theo cần làm là dưỡng hoa, bởi nếu không chăm dưỡng thì hoa có thể sẽ không nở đẹp, không nở căng cánh được. Cụ thể, hãy tỉa bớt lá. Chị Hải Yến thường chỉ để lại 2 – 3 lá, sau đó cắt vát gốc rồi cắm hoa vào xô nước vài tiếng hoặc qua ngày để hoa được nghỉ ngơi.

Khi cắm hoa, cần hiểu đặc tính của các loại hoa để biết cách cắt gốc vát hay gốc bằng và mực nước sao cho phù hợp. Với các loại thân gỗ, nên chẻ gốc, thân thảo bình thường thì cắt chéo, thân rỗng thì cắt bằng và cắm ít nước để tránh cành nhanh gẫy gục.

Còn về cách cắm, cần tùy theo kiểu dáng của bình để có cách cắm sao cho phù hợp, hài hòa nhất. Với bình hoa bàn thờ truyền thống, chị Hải Yến nhận thấy đa số các bình hoa đều có đặc điểm là miệng nhỏ, thuôn dài dáng trụ, rất khó cắm kiểu gác cành.

Mẹ đảm nhận thấy, trong 10 bình hoa bàn thờ thì có tới 8 bình có đặc điểm là miệng nhỏ, thuôn dài, dáng trụ rất khó cắm.

Với những chiếc bình có đặc điểm này, nếu dùng để cắm các loại hoa hay cắm bàn thờ như hoa cúc, hoa hồng, hoa huệ thì hoa thường có dáng đứng thẳng, khó bay bổng, thanh thoát nếu không dùng xốp cắm hoa.

Để giải quyết nhược điểm này mà không cần phải thay bình mới hoặc dùng xốp, chị Hải Yến khuyên khi cắm hoa nên chuẩn bị 3 loại hoa cơ bản gồm hoa hoặc lá mềm rủ, hoa điểm nhấn chính, hoa dẫn hướng. Cụ thể như sau:

Các loại hoa hoặc lá mềm rủ để tạo độ mềm mại. Đó có thể là các loại lá rủ như lá bạc nhỏ, lá bạc to, lá táo, lá trúc cỏ, dương xỉ Pháp, dương xỉ bạc. Các loại hoa lá bay như thúy châu, Scarbiosa, cỏ đồng tiền, cỏ suối. Các loại lá phụ này nên cắm ở miệng lọ trước để tạo 1 lớp lưới đệm, như vậy khi cắm các hoa khác vào sẽ chắc chắn hơn.

Bước tiếp theo là cắm hoa điểm nhấn chính. Đó chính là những bông to rực rỡ như các loại hoa ly, hoa cúc, hoa mẫu đơn, hoa thược dược, cẩm tú cầu,…

Bước thứ 3 là cắm hoa dẫn hướng - những loại hoa có cành cao, cứng và thẳng như hoa lay ơn, hoa huệ, hoa mõm sói, hoa Delphinium, hoa phi yến,… Đến bước này, mọi việc đã đơn giản hơn, từng bông hoa dẫn hướng được cắm vào chắc chắn.

Cuối cùng, có thể điểm thêm các bông hoa bay vào để tăng độ mềm mại cho bình hoa. 

“Hi vọng những chia sẻ đơn giản của mình sẽ giúp các chị em có thêm nhiều bàn thờ vô cùng rực rỡ và thanh tâm, tố hảo trong dịp lễ Vu Lan, Rằm tháng 7. Ngoài bàn thờ, nếu trưng hoa trong nhà thì nên đặt bình hoa ở nơi thoáng mát, tránh để nơi nóng như sát tủ lạnh, lò nướng, lò vi sóng và đặc biệt tránh gió quạt trực tiếp để hoa tươi lâu, bền đẹp nhé”, chị Hải Yến chia sẻ.

Dưới đây là 14 mẫu bình hoa cắm bàn thờ nhà chị Yến, bạn có thể tham khảo và học hỏi để có những bình hoa vừa bền đẹp lại thành tâm trong mùa Vu Lan, Rằm tháng 7 này.

Bình này của chị Hải Yến gồm lá bạc to, cúc lưới tím hồng, dơn song sắc và cỏ đồng tiền. Độ bền của bình hoa này tầm 4 - 5 ngày. Hoa cúc sẽ bền hơn nên sau khi các hoa khác hỏng thì có thể dùng hoa cúc cắm riêng một lọ mới.

Bình hoa ly tím, dơn tím kết hợp với lá dương xỉ và hoa thúy châu. 

Bình này gồm cúc pháo hoa, dơn lúa, đồng tiền đỏ và lá dương xỉ Pháp. Độ bền 5 - 7 ngày.

Bình này gồm lá hoàng kim xanh, lá trầu bà thanh xuân và hoa thiên điểu. Set này bền 3 - 4 ngày, chơi hoa xong thì có thể chơi lá tiếp.

Chú công này của chị Hải Yến gồm có ly vàng ù và lan vũ nữ. Độ bền 5 - 7 ngày.

Bình hoa này gồm các loại cúc đại đoá hút màu, cúc tứ quý và lá bạc nhỏ. Độ bền 7 - 10 ngày.

Một bình tuyết mai (mùa này không có thì có thể dùng cành liễu thay thế) kết hợp với các loại hoa tông hồng là đồng tiền nhí, phăng chùm tím viền, thúy châu. Độ bền của bình hoa này được khoảng 4 - 5 ngày.

Đây là bình hoa sen quan âm gấp cánh, mix với các loại hoa phụ. Sen thì chỉ tươi được 2-3 ngày thôi.

Bình này gồm cúc tua vàng, cúc tứ quý và lá dương xỉ, bền khoảng 7 - 10 ngày. 

Bình hoa này gồm có cành liễu, thiên điểu, dơn lúa. Bền 4 - 5 ngày.

Đây là bình hoa cúc bánh bao và các loại lá phụ như lá cau, cỏ đồng tiền, bền 5 - 7 ngày.

Bình này là cúc mẫu đơn, cầu lông xanh, thiên điểu, thuỷ tiên, cúc bánh bao, phi yến. Độ bền tầm 4 - 5 ngày.

Một bình hoa gồm cúc mẫu đơn, thuỷ tiên, thiên điểu, lá chanh. Độ bền 4 - 5 ngày.

Bình này của mẹ đảm Hà Nội gồm hoa ly, cúc mẫu đơn, hoa hạnh phúc, phăng đỏ, độ bền 4 - 5 ngày. 

CẨM TÚ