Vụ Vạn Thịnh Phát: 5 cựu lãnh đạo SCB giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan là ai?

Liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan, trong số 86 bị cáo thì có 5 cựu cán bộ cấp cao tại SCB bị cáo buộc giúp sức cho Trương Mỹ Lan, gây thiệt hại đặc biệt lớn.

5 cựu lãnh đạo SCB giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan gây thiệt hại đặc biệt lớn

Ngày 5/3, TAND TP.HCM sẽ xét xử vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan.  Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 2 tháng, từ ngày 5/3 đến 29/4.

Bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị truy tố về các tội “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Bà Lan bị xác định có vai trò chính, gây thiệt hại cũng như chiếm đoạt hàng trăm nghìn tỷ đồng của Ngân hàng SCB thông qua hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Trong 86 bị cáo, có 5 cựu cán bộ cấp cao tại SCB bị cáo buộc giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB, gây thiệt hại đặc biệt lớn. Hiện, cả 5 người này đang bỏ trốn và bị truy nã.

5 cựu cán bộ này gồm: Ông Nguyễn Lâm Anh Vũ (55 tuổi), cựu Phó giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Bến Thành; Trầm Thích Tồn (63 tuổi, cựu thành viên HĐQT SCB); Chiêm Minh Dũng (51 tuổi, cựu Phó tổng giám đốc SCB); Nguyễn Thị Thu Sương (50 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT SCB) và Đinh Văn Thành (53 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT SCB).

vu-van-thinh-phat-5-cuu-lanh-dao-scb-giup-suc-cho-ba-truong-my-lan-la-ai-3-1709258492.jpg

5 cựu cán bộ cấp cao tại SCB bị cáo buộc giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB. (Ảnh: Báo Tiền phong)

Báo Tiền phong dẫn cáo trạng cho hay, bị cáo Nguyễn Lâm Anh Vũ bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Theo đó, từ ngày 13/8/2014 đến ngày 31/8/2015, bị cáo Nguyễn Lâm Anh Vũ với vai trò là cựu Phó giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Bến Thành đã ký 112 tờ trình thẩm định, 36 hợp đồng tín dụng/hợp đồng thế chấp tài sản đồng ý cho 112 khách hàng là các cá nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vay 112 khoản tại SCB. Hành vi của ông Nguyễn Lâm Anh Vũ đã giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 3.700 tỷ đồng. 

Với bị cáo Trầm Thích Tồn, ông này làm việc tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát từ năm 2004 với nhiều chức vụ lãnh đạo tại Công ty An Đông, Công ty CP đầu tư Vạn Thịnh Phát, Công ty Đại Trường Sơn.

Kết quả điều tra xác định, từ ngày 25/7/2012 đến ngày 24/5/2013, Trầm Thích Tồn với vai trò là thành viên HĐQT SCB đã ký 4 biên bản họp/phiếu biểu quyết của HĐQT cho 80 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay 80 khoản vay tại SCB. Hành vi của ông Trầm Thích Tồn đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB, gây thiệt hại cho SCB hơn 7.100 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Thị Thu Sương trước khi làm việc cho Trương Mỹ Lan, công tác tại Ban thi đua khen thưởng TP.HCM. Căn cứ kết quả xác định, từ ngày 25/7/2012 đến ngày 30/7/2013, Nguyễn Thị Thu Sương với vai trò là Chủ tịch HĐQT SCB đã ký 4 biên bản họp/phiếu biểu quyết của HĐQT, 2 Nghị quyết đồng ý cho 79 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, với 79 khoản vay tại SCB. Hành vi của Nguyễn Thị Thu Sương giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB, gây hậu quả thiệt hại cho SCB gần 7.000 tỷ đồng.

Đối với bị cáo Chiêm Minh Dũng, từ ngày 20/11/2012 đến ngày 4/4/2019, ký hợp thức 362 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB gần 141.000 tỷ đồng.

Bị cáo Đinh Văn Thành, từ ngày 28/6/2012 đến ngày 19/10/2017, ký hợp thức hồ sơ 174 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB hơn 42.700 tỷ đồng; từ ngày 9/2/2018 đến ngày 6/12/2020, ký hợp thức hồ sơ 305 khoản vay, giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của SCB hơn 189.000 tỷ đồng và gây thiệt hại hơn 99.600 tỷ đồng.

Bà trùm và "vòi bạch tuộc" Vạn Thịnh Phát

vu-van-thinh-phat-5-cuu-lanh-dao-scb-giup-suc-cho-ba-truong-my-lan-la-ai-4-1709259311.jpeg
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị buộc tội tham ô 304 nghìn tỷ đồng của Ngân hàng SCB và sẽ bị xét xử vào ngày 5/3. (Ảnh: VietnamNet)

Trong 86 bị cáo, có 13 người bị truy tố ở khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Cũng theo cáo trạng, mặc dù không giữ chức vụ gì trong Ngân hàng SCB, nhưng do nắm 91,5% cổ phần SCB (cho cá nhân, pháp nhân khác đứng tên) nên thực tế, bị cáo Trương Mỹ Lan có "quyền lực" chi phối, chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB. 

Báo VietnamNet thông tin thêm, Trương Mỹ Lan là chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và chủ các công ty trong hệ sinh thái này, nên bà Lan bằng nhiều thủ đoạn như: tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt tại SCB; thành lập các đơn vị thuộc SCB chỉ để cho vay, giải ngân theo yêu cầu; thành lập các công ty "ma", tạo lập hồ sơ vay khống; cấu kết với các công ty liên quan tạo lập khoản vay, chiếm đoạt tiền của SCB; thông đồng, câu kết với các công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản đảm bảo; lập phương án rút tiền, cắt đứt dòng tiền sau khi giải ngân; mua chuộc cán bộ, lãnh đạo cơ quan chức năng để bưng bít, che giấu sai phạm tại SCB...

Đến ngày 17/10/2022, còn 1.284 hồ sơ vay, tương đương dư nợ 677.286 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi (nợ gốc 483.971 tỷ đồng, lãi/phí 193.315 tỷ đồng). Nợ gốc của Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ tại SCB.

Sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo các khoản vay, từ ngày 1/1/2018-7/10/2022, bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô tài sản hơn 304.000 tỷ đồng nợ gốc, và hơn 129.000 tỷ đồng lãi suất phát sinh từ nợ gốc, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

Như vậy, Trương Mỹ Lan và các đồng phạm liên quan giúp sức cho bị cáo đã gây thiệt hại cho SCB tổng cộng gần 498.000 tỷ đồng.