Xét xử vụ ĐH Đông Đô cấp 431 bằng giả: Mua bằng để tiến thân, cuối cùng nhận "kết đắng"

Đường dây cấp văn bằng giả tại đại học Đông Đô có thể "vươn vòi" ra nhiều tỉnh thành do số lượng người có nhu cầu dùng bằng giả để tiến thân trong công việc không hề nhỏ.

Ngày 23/12, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án giả mạo trong công tác xảy ra tại trường Đại học (ĐH) Đông Đô.

10 bị cáo cùng bị truy tố về tội danh trên, trong đó có Dương Văn Hòa (cựu hiệu trưởng), Trần Kim Oanh và Lê Ngọc Hà (cùng là cựu phó hiệu trưởng), Trần Ngọc Quang (cựu phó trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên)…

Đáng chú ý, để phục vụ việc xét xử, tòa án triệu đại diện bộ GD&ĐT, đại diện Vụ Kế hoạch – Tài chính (bộ GD&ĐT), đại diện trường ĐH Đông Đô và hơn 200 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (chủ yếu là các học viên được cấp văn bằng giả)…

Tuy nhiên, theo thông báo, phần lớn những người được triệu tập đều không đến tòa. Trong đó, đại diện Bộ GD&ĐT có đơn xin xét xử vắng mặt.

Trong số các học viên được triệu tập, chỉ có hai người đến tòa. HĐXX cho biết đã quyết định thay đổi tư cách tham gia tố tụng phiên toà của hơn 200 người này từ nhân chứng sang người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Pháp luật TP.HCM thông tin, sau ít phút hội ý, HĐXX quyết định tiếp tục xét xử. Lý do, tòa đã triệu tập hợp lệ những người liên quan, dù họ vắng mặt nhưng đã có lời khai tại cơ quan điều tra, cùng đó là tình hình dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp, nếu tiếp tục hoãn thì chưa biết khi nào có thể mở lại phiên xử…

xet xu vu dh dong do cap 431 bang gia mua bang de tien than cuoi cung nhan ket dang

Các bị cáo tại tòa. (Ảnh: PLO)

Từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019, chủ tịch HĐQT trường khi đó và đồng phạm đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính hơn 7,1 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra đã làm rõ 210 trường hợp được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả và đã được sử dụng. Còn 221 trường hợp chưa xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác.

Trong số 210 trường hợp được cấp bằng và chứng chỉ giả của trường ĐH Đông Đô (công an làm rõ), 76 người đã sử dụng vào mục đích cá nhân, gồm: 67 người làm nghiên cứu sinh, 2 người học thạc sĩ, 4 người kê khai hồ sơ công chức và viên chức, 3 người thi công chức hoặc thi thăng hạng.

Theo Tuổi trẻ, trong số 67 trường hợp sử dụng làm nghiên cứu sinh, có 2 người đã bị cơ quan chủ quản miễn nhiệm chức vụ, 14 người bị cảnh cáo, khiển trách, kiểm điểm...

Đáng chú ý, các cơ sở đào tạo nghiên cứu sinh đã hủy kết quả và không công nhận kết quả nghiên cứu sinh đối với 31 người mua bằng giả của ĐH Đông Đô. 24 cá nhân tự nghỉ học và xin rút hồ sơ làm nghiên cứu sinh. Còn 7 trường hợp chưa có kết quả xử lý.

Ngoài ra, có 2 học viên được ĐH Đông Đô cấp bằng giả để học thạc sĩ cũng bị cơ quan chủ quản kỷ luật cảnh cáo. Trong đó, một người xin rút hồ sơ học thạc sĩ. Người còn lại bị cơ sở đào tạo thu hồi bằng thạc sĩ.

Một số trường hợp sử dụng bằng giả để thi công chức, thi thăng hạng viên chức cũng đã bị cơ quan chủ quản không công nhận kết quả thi.