Xuất hiện ý kiến về chiếc bao tay dùng nhiều lần, người sáng chế 'vũ khí' chống nắng, ngừa Covid-19 cho bác sĩ lên tiếng

Theo kiến trúc sư Khiếu Hữu Nghĩa, hiện anh cùng mọi người vẫn đang tích cực chế tạo, tìm các giải pháp tối ưu cho buồng lấy mẫu chống nóng, đặc biệt là các giải pháp tự động khử khuẩn cho đội ngũ y tế và bao tay lấy mẫu.

Trước nhu cầu thực tế phòng chống dịch Covid-19 trong điều kiện thời tiết nắng nóng tại Miền Bắc, kiến trúc sư Khiếu Hữu Nghĩa và nhóm cộng sự đã nghiên cứu thành công giải pháp buồng lấy mẫu xét nghiệm chống nóng trong thời gian 4 ngày tại huyện Thạch Thất (TP. Hà Nội).

saostar-sj3mqf33gexf1ato-1623144714.jpg
Sau 4 ngày kiến trúc sư Khiếu Hữu Nghĩa và nhóm cộng sự đã nghiên cứu thành công giải pháp buồng lấy mẫu xét nghiệm chống nóng.

Theo anh Khiếu Hữu Nghĩa, người trực tiếp lên kế hoạch, đưa ra các bản vẽ cho biết, ngay sau khi đưa ra ý tưởng, anh đã thực hiện ngay trong đêm, đến 4h sáng, bản vẽ sơ bộ cùng thiết kế 3D đã được đưa ra. Ngay sau đó, anh đã gọi anh em cộng sự lập tức đến triển khai.

Theo đó, mỗi buồng có kích thước 1,2 m x 2,4 m x 2,65 m, 4 y bác sĩ có thể ngồi bên trong với hệ thống điều hoà làm mát, lọc khí khử khuẩn. Buồng có 6 bánh xe dưới mặt đất, chịu được tải trọng 700 kg, đảm bảo cân bằng cả trong trường hợp sàn bị trũng, buồng có cân nặng khoảng 230kg. Khung buồng làm bằng thép ống, thành vách là các vật liệu nhẹ, cách nhiệt ép nhiều lớp.

Đèn trong buồng xét nghiệm sử dụng đèn UVC không sinh ozon có tác dụng diệt khuẩn, đảm bảo an toàn cho y bác sĩ bên trong. Toàn bộ việc giao tiếp sẽ qua bộ đàm và hệ thống điều khiển trên thiết bị smartphone.

saostar-xqugn9g5zd0ujy32-1623144771.jpg
Anh Nghĩa và nhóm cộng sự đang tiếp tục chế tạo, thực hiện các giải pháp xịt khử khuẩn tự động khu vực cửa, mặt trước buồng và găng tay.

Cũng theo chia sẻ của anh Nghĩa, buồng cầu tạo giúp tối đa 4 nhân viên y tế thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm qua 4 đôi găng tay cao su cùng một thời điểm, vị trí được tính toán để phù hợp với chiều cao của mỗi người. Các khe gắn, mép nối được thiết kế gioăng cao su cộng với lớp vải kháng khuẩn dùng trong sản xuất khẩu trang y tế, đảm bảo vi khuẩn không thể lọt từ bên ngoài vào bên trong.

Khoảng 18h ngày 5/6, toàn bộ phần thi công lắp ráp và vận hành thử đã hoàn tất, buồng xét nghiệm đã được vận chuyển lên xe đưa tới tâm dịch Bắc Giang.

Tại Bắc Giang, Trung tâm y tế huyện Tân Yên được chọn làm nơi thí điểm sử dụng buồng xét nghiệm chống nóng đầu tiên.

saostar-rv9keas0k91u4avq-1623144853.jpg
Hiện buồng lấy mẫu chống nóng vẫn đang trong thời gian thử nghiệm và đang tiếp tục được anh Nghĩa cùng nhóm hoàn thiện.

Vừa qua, sau khi được đưa vào thử nghiệm, một số người bày tỏ băn khoăn về việc mặt trước của buồng khử khuẩn và đôi găng tay tiến hành lấy mẫu cho nhiều người liệu có đảm bảo an toàn?

Phản hồi về vấn đề này, anh Nghĩa cho biết, hiện buồng vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, chờ đợi kết quả thẩm định độ an toàn.

“Hiện tại, trước cửa chúng tôi chưa thể làm được một hệ thống tự động hoá để xịt khử khuẩn cho đội ngũ y bác sĩ được. Trước mắt, chúng tôi cũng đang đưa ra bài toán cho đôi găng tay và hiện chưa thể đưa ra thông tin cụ thể hơn" - anh Nghĩa nói.

Cũng theo chia sẻ của anh, găng tay y tế chuyên dụng để dùng trong vùng lấy mẫu, khử khuẩn trong ngành y tế thì giá trị rất lớn, nhóm của anh không đủ kinh tế làm việc đó.

"Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục chế tạo, đưa ra các giải pháp, hệ thống phun khử khuẩn tự động ở mặt trước và đôi găng tay lấy mẫu. Hiện tại đang trong thời gian thử nghiệm, đến thứ 4 (9/6) chúng tôi sẽ đưa ra kết quả sau cùng”, anh Nghĩa thông tin.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Vũ Đậu (T/h)