Mới đây, bài viết với tựa đề “Vì chúng ta gọi nhau bằng hai tiếng: đồng bào” đang được chia sẻ chóng mặt và nhận được “bão tim” từ cư dân mạng. Câu chuyện kể về anh bán vé số ở TP.HCM không có ngón tay nên không thể làm chứng minh nhân dân và cũng không đủ tiền mua vé về chăm bố tai biến, nhưng nhờ sự giúp đỡ của nhân viên hàng không, anh đã kịp lên chuyến bay cuối ngày.
Cụ thể, anh Nguyễn Đoàn Trí, một trong những người giúp đỡ anh bán vé số, đã đăng tải về sự việc trên: “Bạn sẽ xử trí ra sao nếu gặp một hành khách khuyết tật, không có giấy tờ tuỳ thân, khuôn mặt khắc khổ, nài nỉ: “Cha em bị tai biến, em cần về Hải Dương gấp”. Bạn sẽ làm gì khi vé bay 900.000 đồng nhưng vị khách chỉ có 350.000 đồng vẫn gắng gượng: “Đợi em đi xe ôm về quận 7 vay bạn thêm tiền, rồi quay lại mua vé”.
Theo tìm hiểu, vị khách đặc biệt ấy là anh Nguyễn Quốc Phương. Anh cho biết mình đi xe đò vào TP.HCM cách đây 3 năm, bán vé số dạo để gửi tiền về quê. Nhận tin bố bị tai biến, anh vội vã ra sân bay Tân Sơn Nhất định hỏi chuyến bay sớm nhất về quê.
"Cha em bị tai biến, hôm nay ra sân bay mua vé về quê gấp, nhưng bị từ chối vì không có giấy tờ hợp lệ. Em là người khuyết tật, không có đôi bàn tay, nên không làm chứng minh nhân dân được. Anh chị thương giúp em với!”, anh Phương trình bày hoàn cảnh của mình.
Nghe anh Phương nói, chị Lương Thị Thu Thảo, nhân viên quầy vé của Bamboo Airways, mủi lòng nên sang hỏi trưởng ca và nhờ báo cáo với bộ phận an ninh cũng như cấp trên về trường hợp của chàng trai khuyết tật này.
Biết là khó, nhưng trưởng ca Nguyễn Đoàn Trí vẫn hy vọng giúp đỡ được anh Phương nên đã dẫn anh đến các cửa để xin "giải quyết linh động". Bất ngờ là mọi chuyện khá thuận lợi, cả hai nhận được câu trả lời "Được, em!" từ cấp trên.
Sau khi hoàn tất giấy tờ hỗ trợ bay, đến khi chị Thảo làm thủ tục xuất vé thì anh Phương khựng lại, hỏi: "Vé bây giờ nhiều tiền không?". Chị Thảo cho biết giá vé thấp nhất cho chuyến bay cuối cùng lúc 17h50 về sân bay Nội Bài, Hà Nội là 900.000 đồng. Khi đó anh Phương móc hết số tiền trong chiếc túi đựng vé số cũ cũng chỉ vừa tròn 350.000 đồng. Nhìn những tờ tiền lẻ xếp ngay ngắn, tờ tiền to nhất là 10.000 đồng, những người có mặt không khỏi xót xa.
Biết không đủ tiền, anh Phương nhờ chị Thảo giữ hộ 350.000 đồng và định bắt xe ôm về quận 7 vay tiền của bạn rồi quay lại mua vé. Nhưng làm như vậy chắc chắn anh sẽ lỡ chuyến bay cuối cùng về Hà Nội trong ngày.
Không để anh rời đi, chị Thảo và trưởng ca Nguyễn Đoàn Trí cùng kéo tay anh lại nói: "Anh cứ ở đây, tiền thiếu này tụi em sẽ bù cho anh". Ngay lập tức, tấm vé máy bay mang tên Nguyễn Quốc Phương được xuất.
"Biết thiếu nhưng ảnh không hề hỏi hay nhờ ai ủng hộ mà định quay về đi vay tiền. Tôi thấy rất đáng quý nên cùng mọi người quyết định giúp", Thu Thảo kể lại. Sau đó chị Thảo còn kêu gọi nhân viên của hãng, an ninh sân bay, mỗi người một chút, cùng nhau gom góp, nhét thêm vào túi để anh làm lộ phí về quê từ sân bay Nội Bài.
“Nhận vé rồi hướng dẫn anh lên phòng chờ, anh tần ngần một lúc rồi xin tên chúng tôi, bịn rịn nói lời cảm ơn. Sân bay Tân Sơn Nhất chiều nay vẫn chưa hết vắng vẻ, nhưng không cô quạnh. QH244 chiều nay đã chở một vị khách đặc biệt. Hạnh phúc của nghề nghiệp chúng tôi không chỉ nằm ở việc bạn đồng hành với hành khách mọi nơi, mọi lúc. Hạnh phúc còn là vì bạn nỗ lực không bỏ bất kì hành khách nào lại phía sau”, anh Trí xúc động viết.
Sau khi được đăng tải câu chuyện trên nhanh chóng nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng. Đa số ý kiến bày tỏ sự xúc động khi đọc được một câu chuyện ấm áp tình người giữa những ngày tràn ngập tin về dịch Covid-19. Dân mạng cũng không quên ca ngợi và gửi lời cảm ơn các nhân viên của hãng vì hành động tốt đẹp này.
Minh Hoa (t/h theo VnExpress, Thanh Niên) - Người Đưa Tin Pháp Luật