37 ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, người dân có biểu hiện lơ là các biện pháp phòng dịch

Sáng 9/10, ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết không có thêm ca mắc COVID-19 mới. Đến nay đã 37 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng. Hiện nay dễ thấy ở nơi công cộng, không ít người dân có biểu hiện xem thường các biện pháp phòng dịch.

Tính đến 6h ngày 9/10: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca tại 15 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng (389), Quảng Nam (96), Hải Dương (16), Hà Nội (11), TP.HCM (08), Quảng Trị (07), Bắc Giang (06), Quảng Ngãi (05), Lạng Sơn (04), Đắk Lắk (03), Đồng Nai (02), Thái Bình (01), Hà Nam (01), Thanh Hóa (01) và Khánh Hòa (01). Đến nay, các ổ dịch đã được kiểm soát ở tất cả các địa phương ghi nhận ca bệnh.

Tính từ 18h ngày 8/10 đến 6h ngày 9/10, Việt Nam có 0 ca mắc mới. Như vậy, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 37 không ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng.

Phó Giám đốc sở Y tế TP Hà Nội - Hoàng Đức Hạnh cho biết, tại Hà Nội từ ngày 17/8 đến nay đã trải qua 52 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng mà chỉ ghi nhận các ca bệnh từ nước ngoài trở về. Trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 1 trường hợp dương tính cách ly ngay khi nhập cảnh. Đến nay tất cả các trường hợp F1, F2 tại Hà Nội đã hoàn thành việc cách ly y tế.

Về số người cách ly, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 14.250.

Theo tiểu ban Điều trị, đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng. Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 5 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 8 ca, số ca âm tính lần 3 là 5 ca.

Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01). Đa phần các trường hợp tử vong đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng.

Trong diễn biến có liên quan, Giám đốc sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết hiện nay dễ thấy ở nơi công cộng, có không ít người dân không phải chủ quan mà hiện tại đã coi thường các biện pháp phòng dịch. Ở một số nơi việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay gần như không thực hiện.

“Các đơn vị cần thực hiện nghiệm khuyến cáo 5k của Bộ Y tế cũng như xử phạt nghiêm các trường hợp không thực hiện. Các nước phát triển hiện nay cũng phải siết chặt biện pháp phòng chống dịch”, ông Hiền nhấn mạnh.

Theo Phó Giám đốc sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, tới đây, mỗi 1 ngày có khoảng 4 chuyến bay thương mại với hơn 1.000 người nhập cảnh vào Hà Nội. Nhận định đây là nguy cơ cần chú ý không để dịch bệnh lây lan ông Hạnh nhấn mạnh cần thực hiện nghiêm việc cách ly những người nhập cảnh…

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý lưu ý, sắp tới quận Hoàn Kiếm sẽ có nhiều hoạt động như Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, Đại hội Đảng bộ TP, phố đi bộ… Vì thế, Phó chủ tịch Quý yêu cầu quận tiếp tục hạn chế các sự kiện đông người, trừ các sự kiện chính trị xã hội quan trọng.

“Ai đến khu công cộng như ở hồ Gươm phải đeo khẩu trang, xem xét đặt các điểm bán khẩu trang, tổ chức lực lượng nhắc nhở người dân phải đeo khẩu trang”, Phó Chủ tịch UBND TP nêu rõ.