6 tháng đầu năm 2023 cả nước ghi nhận gần 13.000 ca mắc tay chân miệng

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 6, cả nước có 3.334 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 5.383 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.

Tổng cục Thống kê ngày 29/6 thông tin, theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 19/5-18/6/2023, cả nước có 3.334 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 5.383 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 31 trường hợp sốt phát ban nghi sởi; 56 trường hợp mắc viêm não virus; 2 trường hợp mắc bạch hầu; 3 trường hợp mắc viêm màng não do mô cầu.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có hơn 34.900 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 182 trường hợp mắc bệnh viêm não virus; 12.600 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 119 trường hợp sốt phát ban nghi sởi; 2 trường hợp mắc bạch hầu; 8 trường hợp mắc viêm màng não do mô cầu.

Sức khỏe - 6 tháng đầu năm 2023 cả nước ghi nhận gần 13.000 ca mắc tay chân miệng

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 12.600 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.

Về dịch bệnh Covid-19, trên thế giới, tính từ cuối tháng 12/2019 đến ngày 28/6/2023 có 690,9 triệu trường hợp mắc Covid-19 trong đó có 6.895,1 nghìn trường hợp tử vong Mỹ là quốc gia có số ca mắc và tử vong cao nhất trên thế giới.

Tại Việt Nam, trong tháng (từ ngày 21/5-21/6), số ca mắc mới là 16.850 trường hợp và số tử vong là 3 trường hợp. Kể từ ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 23/01/2020 đến ngày 28/6/2023, Việt Nam có hơn 11,6 triệu trường hợp mắc, trong đó 10,6 triệu trường hợp đã được chữa khỏi và 43.200 trường hợp tử vong.

Công tác tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19 tiếp tục được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế đảm bảo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Từ ngày 08/3/2021 đến ngày 19/6/2023, tổng số liều vắc-xin phòng Covid-19 đã được tiêm là 266,5 triệu liều, trong đó tiêm mũi 1 là 90,3 triệu liều; tiêm mũi 2 là 86 triệu liều; mũi bổ sung là 14,3 triệu liều; mũi nhắc lại lần 1 là 58 triệu liều; mũi nhắc lại lần 2 là 17,9 triệu liều.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết thêm, tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/6/2023 là 228,5 nghìn người và số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 113,3 nghìn người.

Về ngộ độc thực phẩm, trong tháng 6 xảy ra 17 vụ với 158 người bị ngộ độc (2 trường hợp tử vong). Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 51 vụ với 771 người bị ngộ độc, 11 người tử vong.

Dấu hiệu cảnh báo tình trạng tay chân miệng chuyển nặng

Trước tình trạng bệnh tay chân miệng tăng mạnh, chia sẻ với Người Đưa Tin, BS. Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) đưa ra các dấu hiệu cảnh báo tình trạng tay chân miệng chuyển nặng.

Theo BS. Hoàng, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do nhiều loại virus gây ra và năm nay chủ yếu là virus Coxsackie A16 và virus entero 71(hay còn gọi là EV 71).

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay có khoảng 500 trẻ bị nhập viện do tay chân miệng và trong đó 30% là do virus EV71.

BS.Hoàng cho biết, khi bị tay chân miệng do virus EV71 thì bệnh thường diễn biến nặng với các biến chứng như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi thậm chí suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể dẫn đến tử vong.

Từ đó, BS. Hoàng đưa ra ba dấu hiệu cảnh báo tình trạng tay chân miệng chuyển nặng đó là:

Thứ nhất, trẻ sốt cao trên 38,5 độ C kéo dài trên 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt; thứ hai, thường xuyên giật mình, mỗi giờ đồng hồ trên 4 lần; thứ ba, quấy khóc dai dẳng và kéo dài.

“Nếu phụ huynh thấy con mình có một trong ba dấu hiệu trên thì cần cho trẻ nhập viện ngay để được điều trị một cách kịp thời”, BS. Hoàng nhấn mạnh.

PV