Khi nhắc đến nếp nhà, nhiều người nghĩ đến những quy tắc, chuẩn mực được truyền qua nhiều thế hệ. Nhưng với chị Tăng Thị Diệu Hiền (sinh năm 1991, TP. Thủ Đức, TP.HCM), nếp nhà không gò bó trong những quy tắc ấy mà sống động qua từng luống rau xanh mướt, từng khu đất nhỏ được cải tạo tỉ mẩn, và trong cả quyết định dũng cảm bỏ lại sau lưng một công việc ổn định để về làm điều mình yêu.
Tốt nghiệp đại học và làm kế toán gần 10 năm, chị Hiền từng có mức lương hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Đủ sống, đủ trang trải cho gia đình nhưng tâm hồn chị thì không đủ đầy. "Lúc đó, mình bắt đầu thấy bản thân chỉ đang tồn tại, không thật sự sống. Mỗi ngày tan làm về nhà, chỉ mong có thể được chạm tay vào đất, trồng một luống rau, nhìn chúng lớn lên”, chị kể.
Thời gian đầu, chị lén “chia tay văn phòng” bằng việc tranh thủ cuối tuần và mỗi buổi chiều sau giờ làm để trồng rau, học hỏi kinh nghiệm từ các hội nhóm làm vườn. Chính trong những khoảnh khắc giản dị ấy, chị dần cảm nhận được mình đang dần tìm thấy một nếp nhà mới – nơi tâm hồn được an yên.
Sau 2 năm đắn đo, cuối cùng chị Hiền quyết định dừng lại guồng quay công sở và tập trung vào làm vườn.
Năm 2021, từ khoảng sân vườn nhỏ 100m² kế bên nhà, chị Hiền bắt đầu trồng rau sạch cho gia đình. Đất ban đầu chủ yếu là cát do trước đó được san lấp mặt bằng, nên chị tận dụng gạch tàu cũ để làm các luống trồng rau có phân chia rõ ràng, tiện chăm sóc, cải tạo đất.
9X nói: “Vườn trước đây đổ cát mặt bằng nên chủ yếu là cát, khi trộn phân để trồng thì sau một thời gian tưới, phân trôi hết chỉ còn lại cát. Sẵn nhà có gạch tàu không dùng nên mình tận dụng làm các luống rau để dễ cải tạo và quy hoạch cho gọn”.
Các loại rau thơm trong vườn nhà chị Hiền.
Càng làm càng mê, chị mở rộng thêm 200m², rồi đến nay, khu vườn của chị đã lên tới 500m², được phân chia thành 3 khu rõ ràng. Khu 1 đất tơi xốp, được chị ưu tiên trồng bông cải trắng, xanh, vàng, tím; cà rốt cầu vồng, củ cải Hàn Quốc, cải thảo các loại,...
Khu 2 đất kém tơi hơn, dùng để trồng rau cải, xà lách và luân canh theo mùa. Khu 3 đang cải tạo, trồng các loại cây dây leo như bí, bầu, mướp, bắp, đậu rồng,…
Các loại hoa đủ màu sắc.
Ngoài ra, chị còn có một nhà màng khoảng 15m² để ươm cây và trồng rau trong mùa mưa. Dù không tính toán chính xác tổng chi phí đầu tư, nhưng chị nói vui rằng tiền lương của chị phần lớn đều dành cho khu vườn.
“Không đầu tư một lần nên mình cũng không rõ tổng chi phí đầu tư là bao nhiêu, nhưng tiền lương văn phòng của mình (sau khi trừ các chi phí cố định) thì mình lại mua thêm vật tư nông nghiệp, hạt giống, đất ... cho khu vườn. Vì thế, chồng mình nói vui là mình có bao nhiêu tiền là đầu tư vô khu vườn hết”, chị nói.
Chị Hiền không một mình trong hành trình này. Ba mẹ chị, những người từng quen việc làm nông, nay lại trở thành những người bạn đồng hành thân thiết của con gái. Sáng sớm, ba cuốc đất, tưới cây; mẹ tranh thủ ra nhổ cỏ. Những ngày còn đi làm, chiều về chị lại ghé vườn, chăm rau rồi mới về nhà chồng. Cuối tuần, chị dành trọn cả ngày để thu hoạch, làm đất.
Khi nghỉ việc, thời gian của chị dành trọn cho khu vườn. Buổi sáng sớm và chiều mát là thời điểm chị bón phân, tưới rau, ươm cây, theo dõi từng mầm sống vươn lên. Mùa đông xuân, có hôm chị làm xuyên đêm để kịp trồng rau và hoa đẹp nhất đón Tết, vì “Tết là lúc mình muốn nhà mình, vườn mình rực rỡ nhất”.
Clip: Chị Hiền thu hoạch cà rốt trong vườn nhà
Đối với chị Hiền, yếu tố quan trọng nhất để có vườn rau khỏe mạnh là đất. Từ ngày đầu, chị đã học cách trộn đất, ủ phân bò, dê lấy từ nhà ba mẹ để cải tạo đất vườn.
Chị cho hay: “Khi đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng thì cây mới sống khỏe. Trước khi trồng, mình sẽ cuốc rồi xới đều đất với phân và giá thể làm tơi xốp đã ủ trước đó để đất tơi xốp giàu dinh dưỡng. Với loại đất đá, các loại rau ngắn ngày như cải và xà lách… có thể chỉ cần tưới nước từ khi trồng đến khi thu hoạch. Nhưng với các loại cây dài ngày thì vẫn nên bón lót và bón định kỳ để cây có đủ dinh dưỡng phát triển”.
Kỹ thuật phủ đất bằng rơm khô cũng giúp giảm thất thoát nước mùa nắng, tránh đất bị nén chặt và hạn chế cỏ mọc mùa mưa. Chị Hiền cho biết thêm, rơm khô cũng có thể được thay thế bằng xơ dừa đã qua xử lý, vỏ đậu, vỏ thông,…
Ngoài rau củ quả, 9X còn trồng xen kẽ các loại hoa như vạn thọ, cúc, hướng dương,… vừa làm đẹp khu vườn, vừa thu hút côn trùng có lợi, kiểm soát sâu bệnh. Tưới rau vào sáng sớm hoặc chiều mát và trồng cây ở nơi đủ nắng, có khoảng cách hợp lý để hạn chế sâu bệnh, cũng là những nguyên tắc chị luôn duy trì để có khu vườn xanh mát, ít sâu bệnh.
“Khi trồng rau, nên trồng ở nơi đủ nắng và có khoảng cách hợp lý, không nên trồng dày quá thì sâu bệnh dễ ẩn nấp và dễ lây lan. Khi tưới rau, lưu ý tưới sáng sớm đừng để nắng mạnh rồi mới tưới, buổi chiều thì tưới sớm không nên tưới tối”, chị Hiền chia sẻ.
Dưới bàn tay người phụ nữ ấy, mỗi luống rau không chỉ là thực phẩm sạch, mà là kết tinh của thời gian, công sức và tình yêu dành cho từng mét đất. Vườn rau không đơn thuần là nơi làm nông, mà là nếp nhà - nơi nếp sống xanh, sạch, ngăn nắp và yên bình được ươm trồng mỗi ngày.
Hiện tại, khu vườn không chỉ cung cấp rau sạch cho gia đình chị Hiền, mà còn là nguồn thu nhập từ việc bán hạt giống, bán rau và cả kênh YouTube chị tạo ra để lưu giữ hành trình lao động của mình. Nhiều người xem video thấy thích, đặt chị ươm sẵn cây giống. Cứ thế, từ đam mê thuần túy, vườn đã dần trở thành một nguồn sống vững vàng cả về tinh thần lẫn vật chất.
“Không còn mức lương tháng 10 triệu, nhưng mình hài lòng và vui mỗi ngày. Có nhiều thời gian bên gia đình, thấy bữa cơm nhà xanh mướt rau sạch, thấy bản thân đang sống đúng với điều mình tin yêu, thế là đủ đầy rồi”, chị bộc bạch.
Nếp nhà của chị Hiền không nằm trong một cuốn gia phả hay những lời răn dạy nghiêm khắc. Nó nằm ở từng luống đất được chăm bẵm, từng bữa cơm có rau tự trồng, và những buổi chiều ngập nắng, nơi gia đình chị cùng nhau vun đắp một cuộc sống an nhiên, tự chủ.
Trong khu vườn 500m² ấy, không chỉ có rau xanh mà còn có cả một nếp sống, một tinh thần sống đẹp đang lớn lên từng ngày.
Clip: Chị Hiền thu hoạch xà lách