Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Bị bắt vì “dùng chùa” hơn 7.000 kWh điện

Phát hiện dòng điện bất thường trong 1 nhà dân, cảnh sát vào cuộc điều tra, tóm gọn đối tượng "trộm" hơn 7.000 kWh điện.

Án Nước ngoài:

Bí mật trong ngôi nhà sử dụng điện vô cùng “hào phóng”

Theo Sina, anh Zhen sống ở làng Binh Hòa, thị trấn Quan Độ, Tp.Lưu Dương, Hồ Nam, Trung Quốc, rất "hào phóng" trong việc sử dụng điện. Các thiết bị gia dụng trong gia đình của người đàn ông này như bình nóng lạnh, điều hòa không khí… luôn được bật ngay cả khi không sử dụng. Tuy nhiên, sự lãng phí này không phải đến từ việc anh Zhen giàu có mà là do anh ta có cách để sử dụng điện mà không tốn tiền.

Đến năm 2017, người đàn ông này cuối cùng cũng phải trả giá cho hành vi sai phạm của mình. Cụ thể, vào ngày 2/5/2017, Trạm cấp điện thị trấn Quan Độ nhận thấy lượng điện tiêu thụ ghi nhận được ở làng Binh Hòa ít hơn so với lượng điện tiêu thụ thực tế. Nghi ngờ có người trộm điện, họ đã đã cử nhân viên tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống lưới điện của các hộ gia đình tại thị trấn này. Khi kiểm tra đến nhà của anh Zhen, họ quả thực đã phát hiện ra dòng điện bất thường trong gia đình này.

Nhân viên điện lực sau đó đã chụp ảnh lại để làm bằng chứng chứng minh người đàn ông này có hành vi sử dụng điện trái phép và báo cáo sự việc cho cấp trên. Đồng thời, nhân viên này cũng đã yêu cầu anh Zhen ngừng hành vi sai phạm trên. Tuy nhiên, thay vì tỏ ra ăn năn, hối lỗi cho hành vi sai phạm đã gây ra, người đàn ông này lại có thái độ ngạo mạn, thách thức các nhân viên điện lực.

Vì lý do này, nhân viên điện lực đã quyết định trình báo vụ việc với cảnh sát Trung Quốc. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, người đàn ông này cuối cùng cũng phải cúi đầu nhận tội.

Theo lời khai, anh Zhen cho biết vì thấy hóa đơn tiền điện tháng nào cũng cao ngất ngưởng nên anh đã nảy ra ý định gian lận số lượng điện tiêu thụ. Là người có hiểu biết về điện, anh Zhen đã sửa đổi đường dây điện khiến dòng điện dùng trong nhà không đi qua công tơ điện. Từ đó giúp gia đình anh tiết kiệm được một khoản tiền điện.

Pháp luật - Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Bị bắt vì “dùng chùa” hơn 7.000 kWh điện

Ảnh minh họa

Vì thực hiện hành vi này nhiều lần nhưng vẫn trót lọt, người đàn ông này cứ thế “ăn trộm điện” từ tháng 7/2016 cho đến khi bị nhân viên điện lực phát hiện. Theo tính toán của cơ quan điện lực, anh Zhen đã “ trộm” hơn 7.000 kWh điện trong gần 1 năm, tương ứng với số tiền hơn 4.000 NDT (hơn 14 triệu đồng). Với hành vi phạm tội này, anh Zhen cũng đã phải chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật.

Luật Việt Nam:

Câu trộm điện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo khoản 15 Điều 3 Luật Điện lực 2004 thì trộm cắp điện là hành vi lấy điện trái phép không qua công tơ, tác động nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của công tơ và các thiết bị điện khác có liên quan đến đo đếm điện, cố ý hoặc thông đồng ghi sai chỉ số công tơ và các hành vi lấy điện gian lận khác.

Một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện chính là trộm cắp điện (Điều 7 Luật Điện lực 2004).

Căn cứ tính chất, mức độ mà hành vi trộm cắp điện sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo khoản 8, khoản 9, khoản 10 và khoản 11 Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP) thì hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt với mức phạt như sau: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp dưới 1.000.000 đồng; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng.

Lưu ý mức phạt trên áp dụng với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi (Theo điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 134/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP))

Ngoài ra, người vi phạm còn bị xử phạt bổ sung và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau: Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm; Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính (bao gồm cả mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra) để hoàn trả cho cá nhân, tổ chức bị chiếm đoạt đối với hành vi vi phạm.

Trường hợp không xác định được cá nhân, tổ chức để hoàn trả thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP).

Khi phát hiện hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 2.000.000 đồng trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự ra một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 62, Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính để xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt tiền quy định tại điểm b khoản 8 Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP).

Nếu hành vi trộm cắp điện đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) về tội Trộm cắp tài sản.

Trong vụ việc trên, anh Zhen đã “trộm” hơn 7.000 kWh điện trong gần 1 năm, tương ứng với số tiền hơn 4.000 NDT (hơn 14 triệu đồng). Hành vi này có đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội Trộm cắp tài sản. Về hình phạt, nếu áp dụng khoản 1 Điều 173, anh này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm (Trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng).

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Hành vi câu mắc, lấy cắp điện không chỉ vi phạm pháp luật mà còn dễ dẫn đến các tai nạn gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của các đối tượng thực hiện hành vi.

Bên cạnh đó người dân cần thận trọng và cảnh giác đối với những đối tượng mời chào bán các thiết bị giúp sử dụng điện tiết kiệm hơn, được giới thiệu làm đồng hồ đo đếm điện “chạy chậm” hơn không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc cháo bán các công cụ, thiết bị để thực hiện hành vi trộm cắp điện và có hành vi lôi kéo, dụ dỗ trộm cắp điện...