Trong cuộc sống hiện đại, nhiều bà mẹ đang phải đối mặt với một thực trạng đầy trăn trở, họ khao khát muốn dành trọn vẹn thời gian cho con nhưng lại bị cuốn vào guồng quay công việc và áp lực tài chính. Cảm giác bất lực xuất hiện khi họ nhận ra mình không thể vừa nuôi dưỡng con cái, vừa lo toan cho cuộc sống hàng ngày. Kết quả là, không ít bà mẹ buộc phải gửi con cho ông bà hoặc người thân chăm sóc.
Tiểu Quách 22 tuổi (Trung Quốc) lấy chồng sớm và có một cậu con trai 2 tuổi. Vì gia cảnh khó khăn nên sau khi ở nhà khoảng thời gian dài để chăm con thì chị quyết định quay trở lại với công việc, và gửi đứa trẻ về quê nhờ bà nội chăm sóc. Người bà đã gần 70 tuổi nhưng vẫn cố gắng hỗ trợ các con chăm cháu trai. Để tiết kiệm chị phí, một năm vợ chồng Tiểu Quách chỉ về thăm con 1 hoặc nhiều nhất là 2 lần.
Vì Tết năm nay quyết định sẽ ở lại thành phố làm để kiếm thêm thu nhập, nên vợ chồng chị đã nhanh chóng đặt vé tàu về thăm con sớm trong thời điểm trước Tết. Lúc về đến quê, do nhà gần ga tàu nên bà nội đã đưa cháu trai ra bến đón bố mẹ. Khi nhìn thấy con trai, vợ chồng Tiểu Quách vui mừng khôn siết. Thế nhưng, có một hành động mà bà nội đã làm với cháu trai, khiến cho bố mẹ nhóc tỳ không khỏi bàng hoàng. Thậm chí, nhiều hành khách xung quanh chứng kiến cảnh tượng này cũng cực kỳ khó hiểu.
Thay vì dắt cháu đi như bình thường hoặc bế bé lên, bà nội lại để đứa trẻ bò dưới đất, hơn thế nữa còn buộc một sợi dây vào tay cháu, hình ảnh thực sự khá "nhạy cảm". Thấy thế, chị Tiểu Quách đã chạy ngay đến chỗ 2 bà cháu và bế con trai lên, vì không giữ được bình tĩnh nên chị đã nói những lời trách mắng mẹ chồng.
Tuy nhiên, vì đang ở nơi công cộng nên bà nội đứa trẻ chọn cách im lặng và không nói gì. Mãi cho đến khi về nhà, bà mới nói sự thật với các con rằng thời gian này sức khoẻ dần trở nên yếu hơn, xương khớp không còn linh hoạt như trước nên không thể bế bồng cháu được nhiều. Trong khi đó ở độ tuổi này, đứa trẻ lại không chịu ngồi yên một chỗ mà lúc nào cũng chạy nhảy, đùa nghịch. Bà nội sợ cháu trai gặp sự cố không mong muốn rồi bị thương, hoặc đi lạc nên mới thường dùng dây buộc đứa trẻ để bé có thể ở trong tầm kiểm soát của mình.
Nghe mẹ chồng nói ra hết sự thật, lúc này Tiểu Quách mới cảm thấy rất đau lòng và hối hận vì đã hiểu lầm bà. Cuối cùng sau khi bàn bạc kỹ với chồng, Tiểu Quách đã quyết định đón cả mẹ chồng và con trai lên thành phố, rồi thuê một phòng trọ rộng hơn để cả gia đình sống cùng nhau. Như vậy thì vợ chồng chị vừa có thể chăm con, vừa có thể chăm sóc mẹ chồng. Cả nhà cùng bổ trợ nhau qua lại, để tránh những tình huống xót xa như trên xảy ra thêm một lần nữa. Mặc dù có thể kinh tế sẽ khó khăn hơn, nhưng vợ chồng Tiểu Quách cho rằng đây đã là lựa chọn tốt nhất.
Qua trường hợp của gia đình Tiểu Quách, hẳn nhiều bậc phụ huynh cũng sẽ nhận ra, việc nhờ ông bà phụ chăm cháu mang lại nhiều lợi ích nhưng bên cạnh đó cũng có những mặt hạn chế đáng lưu ý. Một trong những điểm mạnh lớn nhất là sự chăm sóc ấm áp và yêu thương từ ông bà, những người thường có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi dạy trẻ. Sự tương tác này không chỉ giúp trẻ cảm thấy an toàn mà còn củng cố mối quan hệ gia đình, tạo ra những kỷ niệm đẹp giữa các thế hệ. Thêm vào đó, việc này giúp tiết kiệm chi phí so với việc thuê bảo mẫu hoặc gửi trẻ ở các cơ sở giữ trẻ.
Tuy nhiên, cũng cần nhận diện những thách thức có thể phát sinh. Sự khác biệt trong phương pháp nuôi dạy giữa ông bà và cha mẹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển toàn diện cho trẻ, đặc biệt khi các quy tắc và cách ứng xử không thống nhất. Hơn nữa, sức khỏe và năng lực của ông bà có thể hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc. Cha mẹ cũng có thể cảm thấy áp lực khi phải phụ thuộc vào ông bà, lo ngại về việc trẻ sẽ không được nuôi dạy theo những giá trị mà họ muốn truyền đạt. Do đó, việc giao tiếp rõ ràng và thấu hiểu giữa các thế hệ là rất quan trọng để tạo ra một môi trường nuôi dưỡng tốt nhất cho trẻ.