Bán máy thở oxy tại nhà: “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”

Nhiều người bán hàng cố tình quảng cáo máy tạo oxy gia dụng như máy thở oxy y tế hòng trục lợi, bất chấp những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra cho người bệnh.

Quảng cáo bất chấp

Trên một diễn đàn y tế, người dùng Cam Viên Thiện (ngụ tại phường 22, quận Bình Thạnh, Tp.HCM), chia sẻ về trường hợp người thân của anh mắc Covid- 19. Trước đó, gia đình có sắm một máy tạo oxy mini (xuất xứ từ Trung Quốc) nên chủ quan không đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại bệnh viện chỉ cho thở bằng chiếc máy trên. Đến khi nồng độ oxy trong máu (SpO2) của bệnh nhân xuống rất thấp, gia đình mới tá hỏa đưa vào bệnh viện cấp cứu thì tình trạng bệnh nhân đã trở nên nguy kịch. Phía dưới bài đăng, rất nhiều người cho biết, mình cũng là nạn nhân của những kẻ không có lương tâm.

Tiêu dùng & Dư luận - Bán máy thở oxy tại nhà: “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”

Rất nhiều người cũng đã trở thành nạn nhân của những lời quảng cáo sai sự thật.

Chị Linh (Bình Thạnh, Tp.HCM) phàn nàn, gia đình chị cũng đã mua một chiếc máy như trên, loại 7 lít với quảng cáo nồng độ oxy đạt chuẩn 93- 96% nhưng đến khi kiểm tra lại, nồng độ oxy chỉ khoảng 30% (tương đương 2,1 lít). Phải rất khó khăn, chị mới có thể trả lại được hàng.

Đó chỉ là hai trong số hàng chục ý kiến bày tỏ sự phẫn nộ đối với những người buôn bán thiếu lương tâm, quảng cáo sai sự thật về máy thở.

Kể từ khi dịch bệnh tại Việt Nam bùng phát trở lại, “máy thở oxy tại nhà” luôn là từ khóa được nhiều người tìm kiếm. Nhận thức chưa đầy đủ, cộng với tâm lý ham rẻ khiến nhiều người trở thành “miếng mồi ngon” cho những kẻ thiếu lương tâm nhưng thừa xảo trá. Chỉ 0,57s, công cụ tìm kiếm trên Internet trả về đến hơn 1,9 triệu kết quả với những lời quảng cáo “có cánh”. Thậm chí, tại các sàn thương mại điện tử cũng có nhiều cá nhân chào bán loại máy này.

Trang web tại địa chỉ hueminhkorea.com (Hà Đông, Hà Nội) chào bán chiếc máy thở oxy mang nhãn hiệu Queen Crown 7 lít (xuất xứ Trung Quốc) giá 8,5 triệu đồng với lời giới thiệu “bác sĩ cho mọi gia đình trong mùa dịch; tạo nguồn oxy tinh khiết lên đến 96%...”. Đây là chiếc máy tạo oxy gia dụng với nồng độ oxy rất loãng, thế nhưng, khi liên lạc với nhân viên bán hàng, phóng viên nhận lại những lời tư vấn chẳng khác gì…không tư vấn. Với một người không có chuyên môn, những lời giải thích như này rất dễ khiến họ lầm tưởng lượng oxy lúc nào cũng được duy trì ở mức 96%, từ đó hiểu sai về công dụng của chiếc máy.

Tiêu dùng & Dư luận - Bán máy thở oxy tại nhà: “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” (Hình 2).

Nhân viên tư vấn như...không tư vấn

Trước đây, những mặt hàng được trang web trên chào bán chỉ là đồ gia dụng, phụ kiện thời trang, thực phẩm…hoàn toàn không phải là một đơn vị kinh doanh thiết bị y tế chuyên nghiệp.

Tiêu dùng & Dư luận - Bán máy thở oxy tại nhà: “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” (Hình 3).

Máy thở Queen Crown mà Huệ Minh Korea chào bán

Công ty TNHH Kamita có địa chỉ tại phố Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội quảng cáo chiếc máy tạo oxy y tế Aurboic SYK-608 đang chào bán có các công dụng: “Hỗ trợ điều trị hầu hết các bệnh lý hô hấp như Covid- 19; viêm phổi, hen suyễn; tắc nghẽn phổi mãn tính; thiểu năng tuần hoàn não, suy tim, tai biến, đột quỵ”. Kèm theo đó là lời khẳng định chắc nịch “hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid- 19 vừa và nhẹ tại nhà khi các bệnh viện quá tải”.

Phóng viên đã chuyển thông số và hình ảnh chiếc máy của Công ty Kamita cho nhiều chuyên gia tư vấn thì họ đều khẳng định, chiếc máy trên quá yếu, chỉ đạt nồng độ oxy 93% ở lưu lượng 1 lít. Khi lên các nấc cao hơn, lượng oxy sẽ loãng dần vì vậy không thể có công dụng như Công ty Kamita giới thiệu.

Tiêu dùng & Dư luận - Bán máy thở oxy tại nhà: “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” (Hình 4).

Công ty Kamita mập mờ trong quảng cáo công dụng của chiếc máy tạo oxy Aurboic SYK-608

Những lời quảng cáo lấp lửng của các đơn vị trên dễ khiến nhiều người lầm tưởng về công dụng của chiếc máy thở trong hỗ trợ điều trị bệnh nhân nhiễm Covid- 19.

Không ít người đã bỏ ra số tiền hàng chục triệu đồng để mang về chiếc máy chẳng khác máy lọc không khí là bao.

Chỉ có 2 loại thiết bị tạo oxy

Ông Nguyễn Vĩnh Chinh (Trung tâm Y khoa Medic), người từng có thâm niên hàng chục năm công tác trong lĩnh vực thiết bị y tế cho biết, thị trường hiện nay có 2 loại thiết bị tạo oxy là bình oxy mini và máy tạo oxy tại nhà.

Bình mini chứa oxy y tế, có kích thước nhỏ gọn và chỉ có tác dụng trong khoảng thời gian từ 5 phút đến 10 phút. Trong khi đó, bệnh nhân mắc Covid- 19 dẫn đến suy hô hấp cần thở lượng lớn oxy trong thời gian dài nhiều ngày. Vì vậy, loại bình này không thích hợp trong công tác điều trị y tế, chỉ được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp như cấp cứu hoả hoạn, chấn thương, ngất xỉu. Những người bị mệt mỏi, stress, căng thẳng khi làm việc quá lâu hoặc khó thở sau khi vận động mạnh cũng có thể được chỉ định sử dụng bình oxy mini cầm tay.

Tiêu dùng & Dư luận - Bán máy thở oxy tại nhà: “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” (Hình 5).

Bình oxy mini cầm tay (ảnh minh họa)

Máy tạo oxy tại nhà là thiết bị hay bị các con buôn lập lờ về công dụng nhiều nhất. Chiếc máy này có 2 loại, loại gia dụng và loại tạo oxy dành cho điều trị y tế.

Loại gia dụng chỉ tạo lượng oxy loãng khoảng 30%, 1 lít oxy 90% trong 1 phút, thích hợp sử dụng cho người bình thường muốn phục hồi sức khoẻ sau khi tập thể dục hoặc lao động mệt nhọc. Công suất loại máy này chỉ khoảng 100W, trọng lượng nhẹ khoảng 6kg và hay bị quảng cáo tạo đến 6 hoặc 7 lít oxy. Người tiêu dùng không có kiến thức chuyên môn rất dễ nhầm lẫn về công dụng và bị người bán qua mặt.

Tiêu dùng & Dư luận - Bán máy thở oxy tại nhà: “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” (Hình 6).

Máy tạo oxy gia dụng thường bị quảng cáo như thiết bị điều trị

Loại máy có thể tạo được ít nhất là 5 lít oxy 90% trong vòng 1 phút, nồng độ oxy tinh khiết phải được duy trì trên toàn dải hoạt động mới là loại máy chính thức được dùng trong công tác điều trị ban đầu cho bệnh nhân có hiện tượng suy hô hấp. Cách phân biệt những loại máy này là chúng thường có công suất khoảng 300W (hoặc 400VA), trọng lượng của máy nặng đến 15- 20kg.

Tiêu dùng & Dư luận - Bán máy thở oxy tại nhà: “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” (Hình 7).

Thông số của chiếc máy tạo oxy y tế có thể dùng trong công tác điều trị bệnh nhân suy hô hấp

“Loại máy tạo oxy có thông số 2A: 9L, thường được người bán quảng cáo nồng độ oxy 93% (dung sai 3%), thực chất oxy 93% chỉ có khi máy hoạt động ở lưu lượng 1 hoặc 2 lít. Nếu điều chỉnh lưu lượng lên 9 lít thì 7 lít còn lại sẽ là không khí trộn thêm vào, nồng độ oxy chỉ còn 30%. Như vậy thì chẳng có tác dụng điều trị”, ông Chinh ví dụ thêm.

Chị Ngân một người kinh doanh thiết bị y tế lâu năm bày tỏ sự bức xúc:

“Tôi cực lực lên án những người đang buôn bán máy tạo oxy mini gia đình (nồng độ 30%) nhưng lại quảng cáo là máy tạo oxy y tế (nồng độ 93%). Đây là một hành vi lừa đảo đối với khách hàng thiếu kiến thức. Các bệnh nhân Covid nếu chỉ tin tưởng loại máy trên sẽ có nguy cơ cao dẫn đến tử vong. Oxy chỉ tạo ra 30%, làm sao người ta lại thất đức tư vấn dùng cho bệnh nhân Covid như vậy được!”.

Về nồng độ SpO2 trong máu, bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung (Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương) cho biết, độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi (SpO2) ở người khỏe mạnh là 97 - 99%, 94 - 96% là chỉ số trung bình, dưới 90% cần can thiệp y tế ngay. Bởi khi chỉ số SpO2 hạ nghiêm trọng sẽ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực cho các cơ quan khác như não, gan...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Lương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết TW cũng cho biết, máy thở được dùng để điều trị cho bệnh nhân có diễn biến suy hô hấp nặng phân biệt ở 2 loại chính là máy thở xâm lấn cố định và máy thở không xâm lấn (máy thở oxy dòng cao), các loại máy tạo oxy chỉ được gọi là thiết bị Home Care.

Khi tiến hành cho bệnh nhân dùng máy thở xâm lấn cố định, cần phải đặt nội khí quản, một chiếc ống gắn với máy thở sẽ được luồn qua miệng vào trong khí quản, nhân viên y tế có thể điều chỉnh tốc độ đẩy không khí và oxy vào phổi, cũng như điều chỉnh sự pha trộn oxy.

Đối với máy thở oxy dòng cao chỉ sử dụng ở giai đoạn đầu, hạn chế tránh tiến triển đến suy hô hấp với điều kiện oxy nồng độ cao được duy trì ở mọi lưu lượng trong suốt quá trình bệnh nhân sử dụng.

Tuy nhiên, việc sử dụng máy thở cũng phải cực kỳ thận trọng, chỉ cung cấp đối với những trường hợp thực sự cần thiết, nguy cơ tử vong cao. Bởi máy thở vẫn có thể gây ra một loạt các tác dụng phụ và biến chứng không mong muốn, khiến quá trình phục hồi của bệnh nhân trở nên khó khăn và lâu dài.

Trước đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng đã khuyến cáo người tiêu dùng không tự ý mua, tích trữ máy thở, máy tạo oxy tại nhà.

Tiêu dùng & Dư luận - Bán máy thở oxy tại nhà: “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” (Hình 8).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Lương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết TW.

Luật sư Trần Bích Liên (đoàn Luật sư Hà Nam) cho biết, nếu xác định được người bán hàng che giấu thông tin hoặc cố tình không giải thích rõ ràng khiến khách hàng hiểu lầm về công dụng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì đã xuất hiện dấu hiệu tội phạm, cụ thể là tội Lừa dối khách hàng, được quy định tại điều 198, Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Tùy theo tính chất và mức độ mà người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 5 năm.

Kinh doanh thiết bị y tế là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, được Bộ Y tế kiểm nghiệm và cấp phép qua một quá trình rà soát kỹ lưỡng. Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân trong tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều đối tượng không có chuyên môn, không đủ điều kiện kinh doanh cũng đã gia nhập thị trường này để kiếm lời bất chính. Vô lương tâm nhất là việc quảng cáo có công năng điều trị bệnh nhân mắc Covid- 19 cho những chiếc máy tạo oxy gia dụng. Điều này là cực kỳ nguy hiểm bởi nó dẫn đến hiểu lầm tai hại cho người sử dụng, gây ra những hậu quả khôn lường. Nhiều chuyên gia y tế cũng đã lên tiếng cảnh báo về việc sử dụng máy thở sai cách, không có sự hướng dẫn của nhân viên y tế có thể dẫn đến tử vong.

Phần lớn những chiếc máy tạo oxy đang được chào bán tràn lan trên thị trường đều có giá thành rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người sử dụng. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, các lực lượng như Quản lý thị trường, Công an kinh tế cần phát huy hơn nữa vai trò để chấm dứt ngay tình trạng “tiền mất tật mang” cho người dân.

Lê Tuấn - Người Đưa Tin