Bản tin 30/11: Thông tin mới nhất vụ 29 học sinh đau bụng, buồn nôn sau ăn kẹo "lạ" mua ở cổng trường

Thông tin mới vụ 9 học sinh đau bụng, buồn nôn sau ăn kẹo "lạ" mua ở cổng trường; Sản phụ sinh con tại nhà vào viện cấp cứu vì sốc nhiễm khuẩn... là tin nổi bật.

Thông tin mới nhất vụ 9 học sinh đau bụng, buồn nôn sau ăn kẹo "lạ" mua ở cổng trường

Xã hội - Bản tin 30/11: Thông tin mới nhất vụ 29 học sinh đau bụng, buồn nôn sau ăn kẹo 'lạ' mua ở cổng trường

Ảnh minh họa.

Sau khi ăn kẹo lạ mua ở cổng trường, 29 học sinh tại huyện Bình Liêu, Quảng Ninh có biểu hiện ngộ độc như đau bụng, buồn nôn.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với Vietnamnet vào ngày 29/11, ông Vi Tiến Vượng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Liêu, cho biết, vụ việc xảy ra 2 ngày trước tại Trường THCS & THPT Hoành Mô.

Theo đó vào chiều 27/11, các học sinh mua kẹo ở cổng trường để ăn, đến tối cùng ngày xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn. Tổng cộng có 29 học sinh có triệu chứng trên, trong đó, 27 em lớp 6 và 2 học sinh lớp 8.

Cũng theo ông Vượng, toàn bộ học sinh chỉ bị các triệu chứng nhẹ, không phải đi viện và sức khoẻ đã ổn định, hôm sau đi học bình thường. Loại kẹo học sinh mua không rõ nguồn gốc, có chữ nước ngoài.

"Phòng GD&ĐT huyện đã yêu cầu lực lượng chức năng kiểm tra loại kẹo và những quán ở cổng trường bán loại kẹo này để có phương án xử lý", ông Vượng thông tin.

Cục CSGT: Xe máy, ô tô cá nhân không bắt buộc lắp camera hành trình

Xã hội - Bản tin 30/11: Thông tin mới nhất vụ 29 học sinh đau bụng, buồn nôn sau ăn kẹo 'lạ' mua ở cổng trường (Hình 2).

Ảnh minh họa.

Thông tin trên báo Hà Nội Mới, lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), lực lượng chức năng khuyến khích người dân tự lắp camera hành trình trên xe cá nhân để tự bảo vệ mình trong các tình huống, chứ không bắt buộc.

Bộ Công an vừa hoàn tất dự thảo lần 4 Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ, đề xuất một số quy định mới.

Trong đó, tại Điều 33 quy định điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ, yêu cầu xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.

Trước đó, kể từ tháng 7, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe là yêu cầu bắt buộc đối với ô tô kinh doanh dịch vụ vận tải.

Không ít người dân thắc mắc, xe gắn máy, ô tô cá nhân có bắt buộc phải lắp camera hành trình không?

Không bắt buộc lắp camera hành trình cho xe cá nhân

Trao đổi với phóng viên, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), khẳng định lực lượng chức năng chỉ khuyến khích lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với ô tô cá nhân, xe gắn máy, chứ không bắt buộc.

Bởi theo luật, xe mô tô, xe gắn máy và ô tô cá nhân không yêu cầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

"Việc lắp thiết bị giám sát hành trình sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tham gia giao thông đường bộ và tăng cường sự quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông", Thiếu tướng Minh nói.

Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, việc lắp đặt camera hành trình sẽ hỗ trợ cho việc lái xe an toàn cũng như tránh được những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Ngoài ra, camera hành trình còn hỗ trợ giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh khi xảy ra va chạm, tai nạn giao thông; ghi lại hình ảnh, sự cố xảy ra trên đường; người điều khiển phương tiện có thể chứng minh được đúng hay sai trong các tình huống bất ngờ; lưu lại bằng chứng khi có kẻ gian xâm hại phương tiện của mình hoặc của người khác.

Tại sao bắt buộc lắp camera hành trình cho xe kinh doanh vận tải?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh cho biết, xe kinh doanh vận tải, nhất là vận tải hành khách, cần được xem là chủ thể đặc biệt trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Bởi nếu tai nạn giao thông xảy ra với các phương tiện này sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về sinh mạng con người.

Thiếu tướng Minh lấy dẫn chứng, qua thống kê của Bộ Công an, tai nạn giao thông liên quan đến xe kinh doanh vận tải chiếm gần 40% số vụ; nhiều vụ gây thương vong lớn.

"Chúng ta không thể thờ ơ, vô cảm trước thực trạng hết sức thương tâm này", Thiếu tướng Minh nhấn mạnh.

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn này, hơn 70% liên quan đến vi phạm về tốc độ.

Chính phủ và các ngành đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tai nạn liên quan đến xe khách. Trong đó, một giải pháp quan trọng là các phương tiện này bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình để giám sát các hành vi vi phạm của lái xe, của hành khách và các vi phạm về vận tải đường bộ.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là dữ liệu giám sát hành trình chưa được sử dụng hiệu quả do có sự chia cắt, không kết nối liên thông với lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Vì vậy còn tình trạng nhiều nhà xe trong thời gian ngắn vi phạm rất nhiều lần, đặc biệt về tốc độ có trường hợp vi phạm hơn 300 lần/tháng, nhưng không bị xử lý, ngăn chặn kịp thời.

"Nếu có sự giám sát phương tiện kinh doanh vận tải theo thời gian thực, chúng tôi cho rằng đã có thể ngăn chặn được nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến xe khách như vừa qua.

Do đó, tôi thống nhất cao về sự cần thiết quy định phương tiện kinh doanh vận tải phải bảo đảm điều kiện có thiết bị giám sát hành trình, như quy định trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ", lãnh đạo Cục CSGT nói thêm.

Sản phụ sinh con tại nhà vào viện cấp cứu vì sốc nhiễm khuẩn

Xã hội - Bản tin 30/11: Thông tin mới nhất vụ 29 học sinh đau bụng, buồn nôn sau ăn kẹo 'lạ' mua ở cổng trường (Hình 3).

Bệnh nhân đang được điều trị tại viện. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống.

Theo Sức khỏe & Đời sống, sản phụ H.T.D, trú tại xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa, Điện Biên sinh con đầu tại nhà được 3 ngày, sau đẻ chảy nhiều máu, kèm theo sốt, mệt nhiều, đau đầu, buồn nôn, gia đình đưa vào bệnh viện.

Người nhà đưa sản phụ sau đẻ thường ở nhà đến TTYT Tủa Chùa cấp cứu, sau đó được chuyển đến BVĐK tỉnh Điện Biên điều trị tiếp. Ngay khi tiếp nhận, người bệnh đã rơi vào tình trạng sốc, huyếp áp: 80/40mmHg, SpO2: 90%, có dịch máu âm đạo, tiên lượng rất nặng

Qua đánh giá ban đầu các bác sĩ chẩn đoán người bệnh sốc nhiễm khuẩn hậu sản, chỉ định hổi sức tích cực khẩn cấp kết hợp nhiều phương pháp thở máy, lọc máu, an thần, kháng sinh phối hợp, dinh dưỡng tĩnh mạch cho người bệnh.

Sau hội chẩn cùng Khoa Phụ sản, bác sĩ phát hiện có vết mò đốt bên ngực trái người bệnh chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn Ricketsia (sốt mò), hậu sản đẻ thường tại nhà.

BS Hồ Duy Khánh, Khoa Hồi sức tích cực & Chống độc, BVĐK tỉnh Điện Biên cho biết: "Sản phụ vào viện trong tình trạng sốc nặng, suy tim, gan, phổi đều bị tổn thương, hậu sản đẻ thường tại nhà, nhiễm trùng tử cung.

Đây là ca khó. Khó trong cả việc chẩn đoán nguyên nhân và điều trị bệnh. Ban đầu, bác sĩ nhận định, nghĩ sốc do nhiễm khuẩn hậu sản do đẻ thường tại nhà, nhưng khi thăm khám có vết mò đốt ở ngực trái, các kết quả xét nghiệm và hội chẩn đa chuyên khoa (Khoa Sản, Thận Nhân Tạo), xác định được nguyên nhân là sốt mò, tử cung bị nhiễm trùng.

Bệnh nhân còn rất trẻ nên chúng tôi cố gắng kết hợp nhiều phương pháp kĩ thuật cao như: lọc máu liên tục, thở máy, sử dụng các thuộc vận mạch để điều trị cho người bệnh."

Bác sĩ Khánh khuyến cáo người dân không nên đẻ tại nhà vì có nhiều tình huống nguy hiểm xảy ra, khi sản phụ trở dạ nên được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Qua 19 ngày hồi sức tích cực, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo bệnh viện và sự tận tình chăm sóc điều trị của điều dưỡng bác sĩ trong khoa, người bệnh đã thoát cơn nguy hiểm, các chức năng gan, thận, tim, phổi hồi phục trở về bình thường. Đây là một trong những nỗ lực rất lớn của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên.

Trúc Chi (t/h)