Bản tin 30/7: Bộ GD&ĐT lên tiếng vụ hàng trăm giáo viên mất cơ hội tăng lương

Bộ GD&ĐT lên tiếng vụ hàng trăm giáo viên mất cơ hội tăng lương; Thương tâm cha dắt qua suối, con gái khiếm thị trượt chân bị lũ cuốn... là các tin nổi bật.

Bộ GD&ĐT lên tiếng vụ hàng trăm giáo viên mất cơ hội tăng lương

Xã hội - Bản tin 30/7: Bộ GD&ĐT lên tiếng vụ hàng trăm giáo viên mất cơ hội tăng lương

Ảnh minh họa.

Theo báo Đại Đoàn Kết, đại diện Bộ GD&ĐT lên tiếng trước thông tin hàng trăm giáo viên Hà Nội bức xúc với quy định về xét thăng hạng, tăng lương.

Cụ thể đầu năm 2021, loạt thông tư về bổ nhiệm, xếp hạng và lương giáo viên của Bộ GD&ĐT từng bị phản ứng gay gắt do quy định muốn lên hạng, giáo viên phải học thêm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp tốn vài triệu đồng.

Sau khi Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT sửa đổi các quy định liên quan, việc này đã được tháo gỡ.

Tuy nhiên, vừa qua, một nhóm hơn 300 giáo viên THCS ở Hà Nội bức xúc vì không đủ điều kiện nộp hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, đã nhận được đơn kiến nghị về vướng mắc trong triển khai thông tư 08 bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên.

"Hiện chúng tôi đang tập hợp ý kiến, làm việc với Vụ Pháp chế và lãnh đạo Bộ GD&ĐT để thống nhất phương án trao đổi với Bộ Nội vụ nhằm đưa ra hướng dẫn trên tinh thần đảm bảo quyền lợi cho giáo viên", ông Đức nói. Hy vọng tuần tới, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành văn bản để thầy cô yên tâm.

Cũng theo ông Đức, tại văn bản sắp sửa ban hành này, những ai trước đây đã đủ tiêu chuẩn sẽ tiếp tục được giữ nguyên chuẩn.

Theo các thông tư mới của Bộ GD&ĐT về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên công lập, giáo viên được chia thành ba hạng I, II, III. Tương ứng với từng hạng, giáo viên có mức lương khác nhau, hạng I cao nhất.

Trong đó, giáo viên tiểu học, THCS hạng II phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III từ 9 năm trở lên. Thời gian giữ hạng III được tính từ lúc giáo viên đạt trình độ chuẩn theo Luật Giáo dục 2019.

Thực tế trước đây ngành giáo dục chỉ yêu cầu giáo viên tiểu học tốt nghiệp trung cấp, giáo viên THCS tốt nghiệp cao đẳng trở lên. Khi Luật Giáo dục 2019 ra đời, nhiều giáo viên đã có hàng chục năm giảng dạy mới đi học thêm nâng bằng lên đại học để đạt chuẩn mới.

Thậm chí có những giáo viên vào biên chế gần 15 - 20 năm, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đã có bằng đại học... nhưng khi đăng ký xét thăng hạng II, hồ sơ bị trả về vì hiệu lực bằng đại học của giáo viên này mới được 4 năm (thiếu 5 năm theo quy định).

Do đó, hơn 300 giáo viên cùng làm đơn kiến nghị gửi Bộ GD&ĐT. Trong đơn, các giáo viên cho biết đã đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ, "chờ mòn mỏi để có cơ hội thăng hạng đợt này nhưng đành ngậm ngùi lỡ hẹn khi bằng đại học chưa đủ 9 năm".

Hiện lương giáo viên hạng III dao động 4,2-8,9 triệu đồng. Trong khi đó, lương giáo viên hạng II từ 7,2 đến 11,5 triệu đồng/tháng.

Hiện trường hàng loạt xe máy bị taxi đâm khi đang dừng đèn đỏ

Xã hội - Bản tin 30/7: Bộ GD&ĐT lên tiếng vụ hàng trăm giáo viên mất cơ hội tăng lương (Hình 2).

Hiện trường vụ tai nạn.

Thông tin trên Nhà báo & Công luận, sáng 29/7, Công an Tp.Đà Nẵng xác nhận, vào 18h30 ngày hôm qua (28/7), tại nút giao Vũ Lăng - Trường Chinh (phường An Khê, quận Thanh Khê, Tp.Đà Nẵng) vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) giữa xe taxi và loạt xe máy khiến nhiều người bị thương.

Theo đó, thời điểm này, xe taxi BKS 43E-020.83 chạy trên đường Vũ Lăng về hướng đường Trường Chinh.

Khi đến nút giao thông Vũ Lăng - Trường Chinh, xe taxi bất ngờ chạy sang phải, lao vào phần đường ngược chiều của đường Trường Chinh, tông trực diện 9 xe máy đang dừng chờ đèn đỏ khiến nhiều người bị thương.

Trong đó, hai người bị thương nặng là ông Nguyễn Văn T. (44 tuổi) và ông Nguyễn Văn Hồng P. (34 tuổi), các nạn nhân khác bị thương nhẹ.

Tại hiện trường, các xe máy đều hư hỏng nặng, có xe máy bị bánh sau của xe taxi cán qua. Nhiều mảnh vỡ của các phương tiện bị tông trúng, văng tung tóe trên đường. Các nạn nhân đều cho biết vô cùng sợ hãi và choáng váng.

Vụ việc xảy ra đã khiến nhiều người lúc đó đang có mặt tại hiện trường hoảng sợ, liên tục la hét. Nút giao thông bị ùn ứ tạm thời trong giờ cao điểm.

Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường phân luồng giao thông và điều tra vụ tai nạn.

Xác định ban đầu, người điều khiển xe taxi tên Nguyễn Thanh T. (37 tuổi). Qua kiểm tra nồng độ cồn và ma túy, ông T. không vi phạm.

Nguyên nhân cụ thể đang được điều tra, làm rõ.

Thương tâm cha dắt qua suối, con gái khiếm thị không may trượt chân bị lũ cuốn

Xã hội - Bản tin 30/7: Bộ GD&ĐT lên tiếng vụ hàng trăm giáo viên mất cơ hội tăng lương (Hình 3).

Ảnh minh họa.

Theo VOV, khoảng 8h sáng 28/7, ông Giàng A Páy (trú tại thôn Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn) dắt con gái là Giàng Thị N (sinh năm 2008) vốn bị mù bẩm sinh qua suối đi làm nương. Khi đến giữa suối N bất ngờ bị trượt chân trôi về phía hạ lưu.

Vị trí nạn nhân bị nước cuốn trôi mất tích cách đập thủy điện Nậm Xây Luông khoảng 500m.

Ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ tìm kiếm dọc suối xuôi về phía hồ thủy điện. Tuy nhiên, sau nhiều giờ vẫn chưa thấy tung tích nạn nhân.

Tổng hợp của Văn phòng Thường trực Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho thấy, đêm về sáng 28/7, một số địa bàn ở Lào Cai xảy ra mưa lớn gây lũ trên sông, suối; mưa lớn cục bộ cũng khiến 6 nhà dân và gần 90ha lúa, hoa màu tại 2 huyện Bảo Thắng, Văn Bàn bị nước dâng làm ngập úng.

Trúc Chi (t/h)