Bảo hiểm Bưu Điện muốn tăng vốn điều lệ lên gấp đôi

Bảo hiểm Bưu Điện muốn tăng vốn điều lệ từ 804 tỷ đồng lên 1.608 tỷ đồng nhằm duy trì, tăng xếp hạng tín nhiệm và chỉ số an toàn vốn của công ty.

Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu Điện (HNX: PTI) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra vào ngày 30/6 sắp tới.

Theo đó, Ban lãnh đạo PTI lên kế hoạch đem về 5.730 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, giảm 8,6% so với thực hiện năm 2022. Đồng thời, công ty đặt mục tiêu lãi sau thuế 112 tỷ đồng, cách xa với khoản lỗ hơn 347 tỷ đồng ở năm ngoái. Năm 2023, PTI tiếp tục không chia cổ tức.

Để đạt được kết quả trên, công ty sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thị trường trên các kênh bán hàng đang triển khai và phát triển thêm năm lực tự bán của PTI trên cơ sở vận dụng nguồn lực từ các đối tác, các bên liên quan.

Đồng thời, duy trì và phát triển các mảng kinh doanh cốt lõi của công ty, phát triển và mở rộng thêm các sản phẩm mới, xử lý dứt điểm những tồn tại trong kinh doanh và đầu tư của các năm trước. Duy trì và phấn đấu nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc tế A.M. Best.

Trong năm nay, PTI cũng sẽ cơ cấu lại toàn bộ khoản đầu tư của Tổng Công ty, đảm bảo an toàn nguồn vốn và mang lại hiệu quả đầu tư cao.

Hiện vốn điều lệ của PTI là 804 tỷ đồng, lãnh đạo công ty đánh giá mức vốn này còn khá khiêm tốn so với các công ty bảo hiểm khác. Cụ thể, trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, PTI đứng thứ 3 về thị phần bảo hiểm nhưng chỉ đứng thứ 9 về vốn điều lệ.

Với quy mô vốn điều lệ nhỏ, PTI khó có cơ hội tham gia các hợp đồng bảo hiểm lớn do không đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư về mức vốn điều lệ tối thiểu. Bên cạnh đó, quy mô vốn nhỏ cũng dẫn đến việc hạn chế khả năng cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường.

Ngoài ra, PTI đã tính toán chỉ số BCAR dựa trên báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 và báo cáo tài chính quý I/2023, công ty nhận thấy chỉ số BCAR của năm 2022 và quý I/2023 lần lượt là 6.8% và 7.7%. Với số liệu BCAR này, xếp hạng rating của PTI vào cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức B hoặc B+ (giảm từ 1 đến 2 bậc so với hiện tại).

Theo quy định tại thông tư số 195 của Bộ Tài Chính, PTI có xếp hạng nhóm 2. Tuy nhiên, với biên khả năng thanh toán năm 2022 là 117% cũng nằm trong ngưỡng cảnh báo an toàn. Xếp hạng của PTI có nguy cơ xuống nhóm 3 khi có nguy cơ không đảm bảo biên khả năng thanh toán. Trong tình huống xuống hạng thuộc nhóm số 3 hoặc thậm chí nhóm số 4 thì PTI phải nằm trong diện kiểm soát đặc biệt của Bộ Tài Chính.

Do đó, việc tăng vốn điều lệ dự kiến sẽ giúp cho PTI tăng quy mô vốn chủ sở hữu, đồng thời chỉ số BCAR dự kiến tăng lên sau tăng vốn, giúp PTI duy trì/ tăng xếp hạng tín nhiệm ở các năm tiếp theo

Tại Đại hội sắp tới, HĐQT Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện sẽ trình cổ đông xem xét và biểu quyết thông qua việc chào bán cổ phiếu ra công chúng tại đại hội sắp tới.

Cụ thể, PTI sẽ phát hành gần 80,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 1:1. Giá chào bán là 10.000 đồng/cp. Nếu chào bán thành công, vốn điều lệ của PTI sẽ tăng gấp đôi lên 1.608 tỷ đồng.

Về việc phân bổ sử dụng vốn, PTI sẽ dùng 45% số tiền thu được từ đợt chào bán để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động đầu tư tài chính dài hạn và các giấy tờ có giá trên thị trường; 45% để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động đầu tư tiền gửi tại ngân hàng; 10% còn lại sẽ bổ sung nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng và hệ thống công nghệ thông tin.

Nguồn vốn phân bổ nêu trên có thể được luân chuyển linh động để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn của công ty trong từng thời kỳ và phù hợp với tình hình hoạt động kinh doanh. Theo Ban lãnh đạo PTI, việc tăng vốn sẽ giúp cải thiện được tỉ lệ an toàn vốn (BCAR) của công ty.