Bão số 6 đã tiến vào biển Đông, diễn biến khó đoán

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết bão số 6 đã đi vào khu vực biển Đông và có diễn biến phức tạp.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, vào lúc 4h ngày 19/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 111,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117km/giờ), giật cấp 13, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 10-15km/h.

Tuy nhiên, khác với cơn bão trước đây, thường giảm cường độ khi vượt qua khu vực phía Bắc của đảo Luzon (Philippines), bão số 6 không chịu ảnh hưởng từ ma sát địa hình do di chuyển qua vùng biển thoáng. Bởi vậy, khi vào biển Đông, cường độ bão gần như giữ nguyên, mạnh cấp 11, quỹ đạo khó đoán.

bao so 6 Bản đồ dự báo quỹ đạo và cường độ bão số 6 trên biển Đông vào lúc 5h ngày 19/10. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia 

Bên cạnh đó, hiện không khí lạnh hoạt động mạnh và liên tục được tăng cường nên sự tương tác của không khí lạnh với hoàn lưu bão trên Biển Đông sẽ quyết định đến quỹ đạo và cường độ của cơn bão số 6.

Dự đoán trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 6 có xu thế giảm cường độ. Đến 4h ngày 20/10, cơn bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, với tốc độ 10-15 km/h; ở vị trí cách Quảng Bình - Thừa Thiên Huế khoảng 120km về phía Đông; mạnh cấp 8, giật cấp 10. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3 tại vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông; khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi.

Đến 4h ngày 21/10, cơn bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, với tốc độ 10-15 km/h; ở vị trên đất liền Thanh Hóa - Quảng Bình. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3 tại vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông; khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi.

Dự đoán mức độ ảnh hưởng của bão số 6 đến vùng biển ven bờ và đất liền có thể xảy ra theo 2 kịch bản, do sự tương tác với không khí lạnh trên đất liền. Trong đó, kịch bản 1 có xác suất khoảng 60-69%, bão tương tác với không khí lạnh, suy yếu trước khi vào vùng biển Trung bộ và yếu thành vùng áp thấp hoặc áp thấp nhiệt đới trước khi vào đất liền. Còn theo kịch bản 2, xác suất 30-40%, bão di chuyển tới khu vực phía Nam của đảo Hải Nam, tương tác mạnh với không khí lạnh rất mạnh, cường độ yếu đi nhanh, sẽ tan trước khi đi vào đất liền, trên đất liền mưa và gió không đáng kể.