Bầu cử Mỹ: Thực hư chuyện gian lận vì bỏ phiếu qua thư

Các bang ở Mỹ có quy định chặt chẽ về việc bỏ phiếu bằng thư, song đã xuất hiện một số trường hợp có dấu hiệu gian lận phiếu bầu gửi qua đường bưu điện.
Ảnh minh họa - Một bì đựng phiếu bầu qua thư ở bang Utah. Ảnh: GETTY

Bỏ phiếu bầu qua đường bưu điện là một vấn đề gây tranh cãi trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Vậy, thực hư nguy cơ gian lận phiếu bầu từ hình thức bầu cử này ra sao?

Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump - người đang cạnh tranh với ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ - nhiều lần cáo buộc bỏ phiếu bằng thư là hình thức dễ dẫn tới gian lận phiếu bầu.

Đảng Dân chủ và truyền thông Mỹ liên tục bác bỏ cáo buộc của ông Trump và tuyên bố rằng gian lận là điều rất khó xảy ra trong bầu cử Mỹ, kể cả khi phiếu bầu được gửi qua đường bưu điện.

Luật pháp của Mỹ và các tiểu bang đã đưa ra nhiều điều khoản để ngăn chặn các lỗ hổng có thể dẫn tới tình trạng gian lận phiếu bầu gửi qua đường bưu điện.

Ảnh minh họa - Một bì đựng phiếu bầu qua thư ở bang Pennsylvania. Ảnh: AP

Về việc đăng ký bầu phiếu qua thư, phần lớn cử tri đã đăng ký bầu cử vắng mặt mới được nhận phiếu bầu qua thư.

Ở các bang như Mississippi hay Missouri, phải là người nhiễm hoặc có nguy cơ cao đã bị nhiễm COVID-19 mới được phép bỏ phiếu qua thư, theo tổ chức nghiên cứu chính sách Hội nghị quốc gia về cơ quan lập pháp của các tiểu bang (NCSL - Mỹ).

Tuy nhiên, tại năm bang Colorado, Hawaii, Oregon, Utah và Washington, tất cả người dân đủ tư cách bầu cử đều nhận được phiếu bầu qua thư. Năm nay, bốn bang California, Nevada, New Jersey và Vermont cũng đưa ra quy định tương tự để giảm nguy cơ từ đại dịch COVID-19.

Về tính hợp lệ của phiếu bầu, các bang ở Mỹ có những quy định riêng để xác định đâu là phiếu bầu qua thư "hợp lệ". Hầu hết các bang sẽ đối chiếu chữ ký của cử tri trong phiếu bầu gửi về cơ quan bầu cử với chữ ký mà người này đã dùng khi đăng ký nhận phiếu bầu, theo NCSL.

Các tiểu bang có thể đưa ra một số yêu cầu khác đối với phiếu bầu gửi qua đường bưu điện, bao gồm việc đính kèm bản sao căn cước công dân và/hoặc chữ ký chứng thực trên bì thư đựng phiếu bầu. Một số bang còn quy định rõ khoản phạt cho hành vi gian lận phiếu bầu.

Chỉ có hai bang yêu cầu cử tri phải đính kèm bản sao căn cước công dân trong phiếu bầu gửi qua đường bưu điện, đó là Alabama và Arkansas. Ba bang Kansas, South Dakota và Wisconsin chỉ yêu cầu cử tri gửi bản sao căn cước khi đăng ký nhận phiếu bầu qua thư.

Các bang còn lại không có quy định về bản sao căn cước công dân khi cử tri bầu cử qua đường bưu điện.

Trong khi đó, 11 bang yêu cầu phiếu bầu qua đường bưu điện phải được ký tên chứng thực, đó là các bang: Alabama, Alaska, Louisiana, Mississippi, Missouri, North Carolina, Oklahoma, Rhode Island, South Carolina, Virginia và Wisconsin.

Tùy quy định tại từng bang trong nhóm trên, người ký tên chứng thực có thể chỉ cần là một hoặc hai công dân hơn 18 tuổi, cũng có thể phải là công chứng viên hoặc nhân viên bầu cử địa phương.

Phiếu bầu có thể phải được gửi về cơ quan kiểm phiếu trước ngày 3-11 (bang Louisiana) hoặc có dấu bưu điện trước ngày 3-11, tùy quy định của từng bang. Cá biệt, tại bang California, phiếu bầu có thể được công nhận nếu được chuyển đến cơ quan bầu cử không muộn hơn ngày 20-11.

Hình phạt cho sự gian lận cũng là một cách để hạn chế tới mức tối thiếu sự thiếu công bằng có thể xảy ra trong quá trình bầu cử.

Chính quyền liên bang đưa ra mức án lên tới năm năm tù và 10.000 USD tiền phạt cho những ai cố tình gian lận phiếu bầu. Mỗi tiểu bang còn có thể áp đặt các hình phạt bổ sung, theo tờ The Conversation.

Dù đã có những quy định rõ ràng, kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 đã chứng kiến một số vụ việc có dấu hiệu gian lận.

Theo đài CNN và tờ The New York Post, bang New York và Florida đã nhận được một số phiếu bầu ghi tên người đã mất vài năm trước. Sau quá trình xác minh, các phiếu này đã bị loại bỏ.

Cơ quan chức năng Mỹ vẫn đang điều tra để xác định động cơ của người gửi những lá phiếu "kỳ lạ" này.

Ngày 4-11, khi quá trình kiểm phiếu chưa kết thúc, đội ngũ tranh cử của ông Trump đã cáo buộc đã xảy ra gian lận phiếu bầu nhưng không đưa ra bằng chứng xác đáng nào.

Trong trường hợp có tranh cãi về phiếu bầu, nhất là tại các bang chiến địa, vụ kiện có thể được chuyển tới Tóa án Tối cao Mỹ. Truyền thông quốc tế cho rằng việc bà Amy Coney Barrett được bổ nhiệm làm thẩm phán Tòa án Tối cao ngay sát ngày bầu cử có thể củng cố lợi thế cho ông Trump nếu vụ kiện xảy ra.