Bé gái 3 tuổi bị ông bà nội đánh liên tiếp, mẹ bất lực còn bố thờ ơ

Nhiều người phẫn nộ trước hành động của gia đình với đứa trẻ.

Nhà có trẻ nhỏ, nhiều ông bà bố mẹ sẽ quen thuộc với việc các bé nghịch ngợm, đó là sự phát triển tự nhiên của lứa tuổi. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng tinh tế, biết cách phản ứng phù hợp trước những trò nghịch của con trẻ để từ đó có thể giáo dục bé đúng đắn. Không ít người còn dùng đến đòn roi, thậm chí là bạo lực để dạy con và đó là phương pháp tuyệt đối không được khuyến khích.

Cách đây không lâu, một đoạn video được chia sẻ bởi một người mẹ về việc con gái 3 tuổi bị chính ông bà nội của mình “bạo hành” khiến cõi mạng xứ Trung dậy sóng. Cụ thể trong diễn biến video, cô cháu gái chỉ vì nghịch ngợm xé cuốn sách mà bà nội bé đã nỡ lòng nào đánh cháu trong suốt 10 phút. 

Anh trai nhóc tỳ, dù còn nhỏ nhưng đã cố gắng chạy đến bảo vệ em gái mình nhưng kết quả cũng bị đẩy ra và ăn đòn. Thật đáng buồn, ông nội sau khi chứng kiến tình huống, không chỉ không ngăn cản mà còn tham gia vào quá trình đánh đập cháu gái. 

Theo tiết lộ, đứa trẻ đã bị tát tới 30 lần trong vòng vài phút, cả lưng lẫn lòng bàn tay của bé đều sưng đỏ. Người mẹ của bé, vì phải đi làm xa, đã gửi con cho ông bà chăm sóc mà không ngờ rằng con lại bị đối xử như vậy. 

Sau khi vô tình xem đoạn video giám sát, cô lập tức quay về, bế con đi và quyết định không để ông bà chăm sóc bé nữa. Tuy nhiên, khi người mẹ phẫn nộ và trách bố mẹ chồng về sự việc, bà nội không tỏ ra hối hận, ngược lại còn cho rằng cháu hư thì phải dạy như vậy đứa trẻ mới biết sợ và sẽ không tái phạm lần sau. Ngay cả thái độ thờ ơ của bố bé sau khi biết chuyện cũng khiến người mẹ thất vọng, đau đớn đến mức muốn đề nghị ly hôn.

Thực tế, những vụ việc tương tự như vậy không phải là hiếm gặp. Trong xã hội ngày nay, vẫn còn một số bậc phụ huynh áp dụng giáo dục bạo lực đối với con. Họ tin rằng việc đánh đòn và la mắng sẽ mang lại hiệu quả cao, có thể khiến con cái ngay lập tức trở nên ngoan ngoãn, răm rắp vâng lời bố mẹ. 

Chính vì lẽ đó mà không ít ông bố bà mẹ phớt lờ cảm xúc và nhu cầu của trẻ, phớt lờ tính cách và đặc điểm của trẻ, phớt lờ sự trưởng thành và phát triển của trẻ. Họ không biết, hoặc cố tình không quan tâm đến việc giáo dục bạo lực không những không đạt được kết quả như mong muốn, mà còn gây ra những tổn hại không thể khắc phục được đối với quá trình hình thành nhân cách và tâm lý của trẻ. 

Vậy việc bố mẹ sử dụng bạo lực để giáo dục con cái sẽ mang lại những hậu quả ra sao?

- Tác động tâm lý: Bạo lực trong giáo dục có thể gây ra sự sợ hãi, lo lắng và căng thẳng ở trẻ em. Chúng có thể phát triển những tác động tâm lý tiêu cực như sự tự ti, tức giận, giảm tự tin, cảm giác bị coi thường hoặc bị bắt nạt.

- Hình thành mô hình sai lệch: Trẻ em học từ những tình huống xung đột và bạo lực mà con chứng kiến. Sử dụng bạo lực trong giáo dục có thể làm cho trẻ hiểu lầm rằng bạo lực là cách giải quyết vấn đề, và lập mô hình sai lệch này cho tương lai.

- Làm căng thẳng mối quan hệ gia đình: Việc sử dụng bạo lực có thể tạo ra một môi trường gia đình căng thẳng và không an toàn đối với trẻ. Điều này có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái, gây xao lạc trong tình yêu thương và gây ra sự xa cách cho tất cả các thành viên.

- Tương lai xã hội: Việc sử dụng bạo lực trong giáo dục không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân và gia đình, mà còn gây hậu quả tiêu cực cho xã hội. Trẻ em trưởng thành trong một môi trường bạo lực có thể có xu hướng trở thành người sử dụng bạo lực trong quan hệ và gây ra vấn đề về an ninh, hòa bình và quyền con người sau khi lớn.

Làm thế nào để tránh sử dụng giáo dục bạo lực, và bố mẹ có thể cho con cái mình một môi trường phát triển lành mạnh nhất?

- Trước hết, bố mẹ phải xây dựng quan niệm giáo dục đúng đắn, tôn trọng và hiểu con, giáo dục con bằng tình yêu thương và trí tuệ. Bố mẹ nên thiết lập giao tiếp và tương tác tốt với con, hiểu suy nghĩ và cảm xúc của con, chú ý đến điểm mạnh và sở thích của con, đồng thời khuyến khích và hỗ trợ tinh thần ham khám phá, đổi mới của con.

- Thứ hai, xã hội phải tăng cường bảo vệ cũng như duy trì quyền và lợi ích của trẻ em, xây dựng và hoàn thiện luật pháp, quy định và cơ chế, thể chế có liên quan, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền và lợi ích của trẻ em. Xã hội nên quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề của trẻ em và tăng cường đầu tư, hỗ trợ cho phúc lợi của trẻ em.

- Cuối cùng, các tổ chức chuyên môn cần tích cực cung cấp dịch vụ và hỗ trợ cho bố mẹ và trẻ em, cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý và giáo dục chuyên nghiệp, cá nhân hóa, đa dạng và toàn diện, giúp bố mẹ và trẻ em giải quyết những khó khăn và vấn đề họ gặp phải, đồng thời nâng cao chất lượng quan hệ của bố mẹ và con cái. Các tổ chức chuyên môn cần phát hiện và can thiệp kịp thời những tình huống trẻ em phải chịu sự giáo dục bạo lực, cung cấp sự bảo vệ và điều trị cần thiết cho trẻ em là nạn nhân, đồng thời cung cấp giáo dục và điều chỉnh cần thiết cho các bậc bố mẹ có xu hướng bạo lực.

Tóm lại, giáo dục bạo lực là một cách giáo dục cực kỳ sai lầm và có hại, không chỉ xâm phạm các quyền và nhân phẩm cơ bản của trẻ, mà còn gây tổn hại đến sức khỏe thể chất, tinh thần và sự thích nghi với xã hội của bé. Các bậc phụ huynh phải kiên quyết phản đối và chấm dứt giáo dục bạo lực, sử dụng các phương pháp giáo dục khoa học, dân chủ, nhân văn để giáo dục con cái, để trẻ em được lớn lên trong môi trường gia đình ấm áp, hạnh phúc và lành mạnh.

KIỀU TRANG