Ngày 13/10, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết đơn vị này đang điều trị cho bé trai Đ.H (2 tuổi, ở Vĩnh Phúc) bị đuối nước do ngã xuống bể cá cảnh, theo báo Dân Trí. Trước đó, ngày 24/9, bệnh nhi đang chơi thì ngã xuống bể cá cảnh. Lúc gia đình phát hiện, bệnh nhi nằm ngửa tím tái.
Ngay khi đưa bệnh nhi ra khỏi bể cá, gia đình sơ cứu sai lầm theo cách dân gian là dốc ngược chạy, sau đó mới hô hấp nhân tạo rồi đưa đến bệnh viện tuyến huyện. Thời điểm đến viện, bệnh nhi đã trong tình trạng ngừng tuần hoàn, suy hô hấp, đươc bóp bóng qua nội khí quản, sử dụng thuốc vận mạch rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương ngay trong ngày.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi được thở máy, điều trị suy tuần hoàn, kiểm soát thân nhiệt chủ động, sử dụng thuốc kháng sinh điều trị viêm phổi một cách tích cực. Các bác sĩ chỉ định cận lâm sàng như X-quang tim phổi, điện não đồ… cũng được tiến hành. Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhi không khả quan, tiên lượng rất xấu.
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn lời PGS.TS Tạ Anh Tuấn – Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, trẻ bị đuối nước có thể ngạt thở, dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Phần lớn trẻ bị đuối nước tử vong hoặc có các biến chứng nặng như suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do thiếu oxy kéo dài là do không được cấp cứu hoặc cấp cứu không đúng cách.
Trong đó, sơ cứu bằng cách dốc ngược lên rồi chạy là một sai lầm nghiêm trọng. Việc này khiến các dịch dạ dày chảy ngược vào đường thở, dẫn đến tình trạng càng nghiêm trọng hơn, bỏ qua mất thời điểm vàng để cứu tim của trẻ.
Cấp cứu tại chỗ đúng cách có thể giúp trẻ đuối nước vượt qua nguy kịch. Khi trẻ gặp tai nạn đuối nước được đưa lên bờ, dù tỉnh hay bất tỉnh, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ ngay lập tức, cụ thể:
1. Đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng trong tư thế đầu thấp, cởi bỏ quần áo bị ướt và giữ ấm cho trẻ bằng chăn mền hoặc vải, áo quần khô để tránh trẻ bị hạ thân nhiệt. Tuyệt đối không bế dốc lên hoặc bế chạy ngược như truyền miệng.
2. Đảm bảo đường thở thông thoáng bằng việc lấy sạch đờm dãi và các dị vật ở miệng và mũi. Khi thực hiện, người cứu hộ cần hết sức bình tĩnh, không làm tổn thương thêm đường hô hấp của trẻ.
3. Đánh giá trẻ bằng cách nhìn nghe và cảm nhận: lay gọi, quan sát lồng ngực trẻ, nếu không thấy di động hoặc nếu trẻ bất tỉnh, cần tiến hành hồi sức tim phổi ngay lập tức.
4. Thực hiện hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt liên tục 2 lần cùng với xoa bóp tim ngoài lồng ngực: hai bàn tay chồng lên nhau và đặt giữa ngực trẻ, ấn mạnh xuống khoảng 2 – 3 cm với nhịp điệu 2 lần/giây.
5. Ngay sau khi hô hấp nhân tạo, cần kiểm tra mạch đập của trẻ tại một trong các vị trí như mạch quay ở cổ tay, mạch cảnh ở cổ và mạch bẹn hoặc sờ vào lồng ngực trái để cảm nhận xem tim còn đập không. Khi không bắt được mạch hoặc thấy tim ngừng đập, cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực kèm theo hô hấp nhân tạo.
6. Nếu trẻ còn tỉnh táo, cần đặt trẻ tư thế dẫn lưu nghiêng đầu trẻ sang bên, trẻ có thể tự thở trở lại.
7. Cần gọi hỗ trợ cấp cứu 115 hoặc các chuyên gia, bác sĩ quen biết.