Bệnh nhân 21 tuổi tử vong do mắc cúm A/H5N1: Bộ Y tế thông tin cụ thể

Bộ Y tế thông tin cụ thể về trường hợp bệnh nhân 21 tuổi ở Khánh Hòa tử vong do mắc cúm A/H5N1. 

Liên quan đến ca tử vong do mắc cúm A/H5N1, mới đây, Bộ Y tế đã có thông tin cụ thể về trường hợp này. Theo đó, ngày 11/3, bệnh nhân sốt, ho và tự điều trị nhưng không thuyên giảm. Bệnh nhân đến khám, điều trị tại Trung tâm Y tế Ninh Hòa vào ngày 16 và 17/3. Sau đó, tiếp tục đến Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa điều trị với chẩn đoán viêm phổi.

Ngày 19/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân dương tính với cúm A/H5N1. Đây cũng là kết quả khẳng định của Viện Pasteur Nha Trang ngày 22/3 . Do bệnh tình diễn tiến nặng, bệnh nhân đã tử vong vào ngày 23/3.

Theo kết quả điều tra dịch tễ, vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán 2024, bệnh nhân có đi bẫy chim hoang dã ở khu vực gần nhà. Xung quanh khu vực gia đình sinh sống, không có hiện tượng gia cầm ốm, chết. Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân được lập danh sách và theo dõi sức khỏe hằng ngày, đến nay chưa phát hiện thêm ca mắc mới.

Theo thông tin từ Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương. Từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 6 ổ dịch cúm gia cầm tại 6 tỉnh, TP, gồm: Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang.

Được biết, bệnh nhân tên B.T.Đ. (21 tuổi, trú xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa), hiện đang là sinh viên Trường đại học Nha Trang, tạm trú ở ký túc xá của trường.

benh-nhan-mac-cum-ah5n1-tu-vong-1-1711332290.jpg
Nơi điều trị cho nam sinh viên mắc cúm A/H5N1. Ảnh Thanh Niên

Ngày 11/3, bệnh nhân về nhà ở xã Ninh Trung thì xuất hiện triệu chứng sốt, ho nhẹ. Sau đó, người này tự mua thuốc về uống và điều trị ở cơ sở y tế địa phương. 

Sau đó, ngày 17/3, bệnh nhân chuyển biến nặng được gia đình đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, được điều trị tại khoa nội tổng hợp - thần kinh, sau đó bệnh nặng hơn nên được chuyển sang khoa hồi sức tích cực - chống độc.

Ngày 19/3, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa lấy mẫu bệnh phẩm gởi Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm, sau đó kết quả cho ra bệnh nhân nhiễm cúm A/H5. Sau đó bệnh nhân diễn biến nặng, đang chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa. Trưa 23/3, ông Tôn Thất Toàn - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa - cho hay bệnh nhân đã tử vong vào khoảng 8h sáng 23/3.

H5N1 là một loại virus cúm A có khả năng gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia cầm, chính vì thế mà H5N1 còn có tên là cúm gia cầm. Cúm A H5N1 có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người. Khi bị nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 60%.

Đặc điểm của cúm H5N1

Có tính biến dị nhanh, sinh bệnh cao – có thể gây bệnh nặng ở người

Có chứa các gen của nhiều loại virus lây nhiễm từ nhiều loại động vật khác

Do theo các đàn chim cư trú nên có độ lan truyền cao

Có khả năng lây nhiễm trực tiếp từ gia cầm (chim, gà) sang người

Khả năng tồn tại: Sống ít nhất 35 ngày ở nhiệt độ 4 độ C, ở 37 độ C có thể sống tới 6 ngày trong phân gia cầm, sống trong nhiều năm nếu ở môi trường đóng băng.

benh-nhan-mac-cum-ah5n1-tu-vong-2-1711332290.jpg
Cúm H5N1có thể gây bệnh nặng ở người. Ảnh minh họa

Triệu chứng cúm A H5N1 ở người

Khi bị nhiễm cúm A H5N1, các triệu chứng thường gặp nhất bao gồm sốt cao trên 38 độ, ho, đau rát họng, đau cơ… Ở một số người còn có thể xuất hiện triệu chứng ban đầu như đau bụng, đau ngực, nôn ói hoặc tiêu chảy.

Tình trạng nhiễm trùng virus có nguy cơ cao tiến triển nhanh thành các bệnh hô hấp nguy hiểm (như Hội chứng rối loạn hô hấp cấp tính – bị khó thở, thở gấp, viêm phổi) hay có những tác động thần kinh (co giật, xuất hiện các trạng thái tâm thần bất thường,…).

Cúm A H5N1 lây qua đường nào?

Virus H5N1 có thể lây nhiễm và phát bệnh ở người khi chúng ta có tiếp xúc với gia cầm mang bệnh mà không có biện pháp bảo vệ. Đường lây nhiễm từ người sang người là rất hiếm. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Hoa Kỳ, có một số việc làm có thể khiến chúng ta nhiễm bệnh như:

Tiếp xúc, đụng chạm vào gia cầm bị bệnh

Chạm hoặc hít phải các chất tiết gia cầm bị bệnh

Tiếp xúc (giết mổ, chế biến với nguồn thịt bị nhiễm bệnh

Ăn thịt gia cầm hoặc trứng không nấu chín

Các giai đoạn phát triển của bệnh cúm A H5N1

Bệnh cúm A H5N1 có 3 giai đoạn phát triển:

Đầu tiên là thời gian ủ bệnh, không có dấu hiệu. Virus cúm có thể ẩn giấu trong cơ thể từ 2-8 ngày, tuy nhiên cũng có thể kéo dài tới 17 ngày sau khi người bệnh tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh.

Tiếp theo là giai đoạn bệnh khởi phát. Lúc này người nhiễm bệnh dần xuất hiện các triệu chứng như sốt cao,ho khan, nhức mỏi cơ thể, chán ăn,…

Cuối cùng là thời điểm bệnh bước vào giai đoạn toàn phát. Các triệu chứng cúm A H5N1 dần trở nên rõ ràng và ở mức độ nặng hơn. Người bệnh có thể rơi vào trạng thái hôn mê, mất ý thức, đau đầu, đau hốc mắt hay đau dữ dội vùng thắt lưng. Nếu không được chăm sóc y tế đúng cách sớm sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên khó kiểm soát hơn.

Xem thêm: Kobayashi thu hồi nhiều sản phẩm nguy cơ tổn thương thận, có loại được bán trên thị trường Việt Nam

Minh Khuê (t/h)