Hướng dẫn nhận biết sớm cúm A và chủ động dự phòng hiệu quả của Bệnh viện Nhi Trung ương.
Gần đây, nhiều cơ sở y tế trên cả nước đều tăng số ca nhập viện vì cúm A, trong đó không ít trường hợp nặng, thậm chí phải thở máy. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân mắc cúm A tăng nhanh, với số đang điều trị nội trú là 30, trong đó có gần 10 ca thở máy.
Từ cuối tháng 12/2023, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cảnh báo số ca mắc cúm A tăng, nhiều ca suy hô hấp nặng. Còn tại Bệnh viện đa khoa 115 Nghệ An, trung bình mỗi ngày tiếp nhận gần 20 trẻ nhiễm cúm A, đa phần là trẻ nhỏ.
Tình trạng tương tự cũng ghi nhận tại khoa hô hấp Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) từ đầu tháng 12/2023 đến nay.
Biểu hiện của cúm A rất dễ nhầm lẫn với bệnh cúm thông thường nên mọi người cần chú ý. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, cúm A lây qua đường hô hấp, phổ biến nhất là qua giọt bắn, vì thế dễ lan thành dịch. Virus cúm A có nhiều trong trong dịch tiết nước bọt, nước mũi. Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, giọt bắn sẽ chạm vào miệng, mũi của người đối diện làm lây bệnh, hoặc cũng có thể nhiễm khi chạm vào đồ dùng có dính virus rồi đưa lên mũi, miệng.
Cúm A có biểu hiện giống như các loại cúm thông thương nhưng có biến chứng nguy hiểu hơn, tiến triển nhanh hơn nếu không được điều trị kịp thời. Bác sĩ Phúc cảnh báo, hai đối tượng có nguy cơ cao bệnh sẽ chuyển nặng là trẻ nhỏ và người có bệnh lý nền, nhất là người cao tuổi khi sức đề kháng, hệ miễn dịch đã giảm. Những người có các bệnh tim mạch như cao huyết áp, bệnh mạch vành… hay các bệnh phổi như viêm phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính... cần lưu ý.
Những người mắc bệnh lý nền, nhất là trẻ nhỏ và người cao tuổi dễ bị chuyển nặng khi mắc cúm A. Ảnh minh họa.
TS. BS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ở trẻ nhỏ, nhất là những trẻ có bệnh mãn tính, cơ địa béo phì khi nhiễm virus cúm A rất dễ gặp biến chứng như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí có thể viêm não, tử vong. Do vậy, việc phát hiện sớm, theo dõi những dấu hiệu chuyển nặng để đưa bệnh nhân đi khám, điều trị tại bệnh viện rất quan trọng.
Bác sĩ Nam tư vấn, khi mắc cúm A, ban đầu thường xuất hiện triệu chứng như ho, sốt, viêm họng, chảy nước mũi, đau mỏi cơ thể, ớn lạnh... Khi chuyển nặng, người bệnh thường khó thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, tím môi, li bì hoặc kích thích vật bã, bỏ ăn, nôn nhiều… và cần được đưa ngay đến viện để khám, điều trị. Bác sĩ Nam cũng cảnh báo, phụ huynh tuyệt đối không tự ý cho con dùng thuốc kháng virus, kháng sinh khi trẻ bị cúm A. Thuốc này chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
Để phòng ngừa cúm A, ngành y tế cảnh báo: - Tiêm vắc xin cúm hàng năm, đặc biệt những người có yếu tố nguy cơ: Người trên 65 tuổi, người có bệnh mạn tính, phụ nữ có thai... Thời điểm nên tiêm: Tháng 7-9 hàng năm. - Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi. - Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc. - Lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường. - Tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt ho đau họng và được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang. - Ngoài ra, tăng cường miễn dịch, uống đủ nước, giữ gìn vệ sinh đặc biệt vệ sinh bàn tay và không gian sinh sống, tránh tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh, đeo khẩu trang... cũng là các biện pháp hiệu quả phòng chống bệnh cúm. |