Theo đó, một số lượng lớn bệnh nhân COVID-19 đã mắc các bệnh lý thần kinh kéo dài như hội chứng "sương mù não", mất trí nhớ, thiếu tập trung, ảo giác, đau đầu và mất khứu giác hoặc vị giác.
Hơn một năm sau khi đại dịch xảy ra, các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm ra nguyên nhân của tình trạng bệnh lý thần kinh này. Trong khi kết quả một số khám nghiệm tử thi ban đầu đã phát hiện những dấu hiệu của lượng rất virus nhỏ tồn tại trong não người bệnh, những khám nghiệm tử thi khác lại không tìm thấy.
Ngay cả khi virus SARS-CoV-2 không hoặc hiếm khi xâm nhập trực tiếp vào não người, một số nhà khoa học cho rằng, sự hiện diện của virus trong cơ thể vẫn có thể gây ra những thay đổi nghiêm trọng ở khu vực não bộ.
Cuộc điều tra phân tử toàn diện nhất cho đến nay đã phát hiện ra tình trạng viêm và thoái hóa trên diện rộng trong não những người tử vong vì COVID-19, ngay cả khi họ không có bất kỳ triệu chứng bệnh thần kinh nào trong đời.
Các dấu hiệu này giống một cách kỳ lạ với những triệu chứng chúng ta đã thấy ở người mắc bệnh Alzheimer và Parkinson. Tuy nhiên, dù tìm kiếm kỹ lưỡng đến đâu, các nhà khoa học cũng không thể tìm thấy bất kỳ dấu vết thực sự nào của virus trong mô não.
Có thể virus đã được loại bỏ khi những bệnh nhân này chết, hoặc có thể là do SARS-CoV-2 kích hoạt triệu chứng bệnh thần kinh từ những khu vực khác trong cơ thể.
Nhà thần kinh học Tony Wyss-Coray từ Đại học Stanford cho biết: "Não của những bệnh nhân tử vong vì mắc COVID-19 nghiêm trọng cho thấy dấu hiệu phân tử của chứng viêm não, mặc dù những bệnh nhân này không có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng nào về chứng suy giảm thần kinh".
Nghiên cứu cho thấy, tổn thương thần kinh có thể xảy ra một cách phổ biến đối với những trường hợp mắc COVID-19 nghiêm trọng, ngay cả khi bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng suy giảm nhận thức nào.
Nghiên cứu đã so sánh mô não của 8 người tử vong vì COVID-19 với mô não của 14 người chết vì các nguyên nhân khác, bao gồm cả bệnh cúm. Sử dụng trình tự RNA đơn bào, các tác giả đã phân tích hơn 65.000 tế bào vỏ não, tế bào não trước và các gene tương ứng của chúng trong mỗi lớp của vỏ não. Trong mỗi loại tế bào não được kiểm tra, nhóm nghiên cứu nhận thấy một số gene nhất định được kích hoạt duy nhất ở bệnh nhân COVID-19 và nhiều gene trong số này có liên quan đến chứng viêm thần kinh.
Kết quả cho thấy, một lượng lớn tế bào T đi qua hàng rào máu não có thể thúc đẩy quá trình viêm thần kinh và suy giảm khả năng sửa chữa mô ở chuột, nghĩa là điều tương tự có thể xảy ra ở người.
Trong vỏ não trước, nơi chịu trách nhiệm đưa ra quyết định, ghi nhớ và lập luận toán học, ở những người chết vì COVID-19 có dấu hiệu suy nhược thần kinh nghiêm trọng. Lớp ngoài cùng trong phần này của não thể hiện những thay đổi phân tử khác nhau so với nhóm kiểm soát, bao gồm ức chế tế bào thần kinh tăng cao và kích hoạt tế bào thần kinh hạn chế.
Điều này tương tự như những gì diễn ra đối với bệnh Alzheimer và nó có thể là một phần nguyên nhân gây ra các triệu chứng thần kinh liên quan đến COVID-19.
Phát hiện cho thấy, ngay cả khi virus SARS-CoV-2 không xâm nhập vào não và không có triệu chứng thần kinh nào được báo cáo, virus vẫn có thể ảnh hưởng lâu dài đến chức năng nhận thức của người bệnh.
Theo vtv.vn