Trước những ý kiến thắc mắc của cộng đồng mạng liên quan đến một số trường hợp khi người phụ nữ bị xâm hại đủ dũng cảm để đứng lên nói ra sự thật thì thời gian cũng đã trôi rất xa, nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú (được biết đến là “anh Chánh Văn” của báo Hoa Học Trò một thời) cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, nếu theo dõi một số câu chuyện có thể nhận thấy, có những câu chuyện đã diễn ra từ rất lâu mới được lên tiếng, thậm chí, tính pháp lý của lá đơn tố cáo tại thời điểm này là rất yếu, đã quá hiệu lực thời gian truy cứu và cũng chẳng có bằng chứng, vật chứng nào ngoài những nhân chứng và lá đơn của nhiều năm về trước.
“Nhưng nó vẫn là một sự thật. Nó không thể được coi là một lời vu khống, đặt điều hay là sự “tưởng tượng” nào cả. Nó là một sự thật. Một sự thật đang phải đánh đổi bằng danh dự, nhân phẩm, uy tín của người lên tiếng tố cáo. Một sự thật được kết thành từ suốt những năm đã im tiếng, đã phải trải qua cùng cực của đớn đau.
Có những thứ, thời gian không sao chữa lành được như mọi người vẫn nói. Thời gian chỉ khiến cho nỗi đau đó ngày một đau đớn hơn. Bởi đằng đẵng suốt những năm qua, nó đã bị giam kín trong lòng. Và nó đã thực sự biến một cô gái đang ở độ tuổi trẻ trung, ngây thơ nào đó, buộc phải trở thành một con người khác mãi mãi”, anh nhấn mạnh.
Dưới đây là quan điểm của “anh Chánh Văn” về vấn đề nổi cộm đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận hiện nay:
Trong inbox gửi đến tôi có nhiều phụ nữ tổn thương như vậy. Đó có thể là một cô gái 23 tuổi bắt đầu đi làm, bị người sếp nhân danh người thầy đầu tiên nơi công sở đã quấy rối tình dục khiến cô phải nghỉ làm trong tội danh “không đủ năng lực làm việc” mà thực chất ra chỉ là đã không cho sếp luồn tay vào váy mình.
Đó lại có thể là một cô gái khác, bị anh trai của người bạn thân nửa đêm đè lên người khiến cô gái ấy phải bỏ chạy. Nhưng rồi khi lên tiếng, chính người bạn thân của cô đã bảo vệ anh trai mình bằng việc dựng chuyện “nó thích anh trai tôi nhưng bị anh tôi từ chối nên dựng chuyện”.
Và đó có thể lại là một cô gái khác bị trôi theo dòng đời, phó mặc những sàm sỡ của gã đồng nghiệp chỉ bởi lên tiếng tố cáo thì bị dọa cho nghỉ việc vì cơ quan không muốn ảnh hưởng tiêu cực.
Nhiều lắm những câu chuyện như thế, những cuộc dàn xếp để nạn nhân im lặng. Thậm chí trong số nạn nhân đó còn có cả giáo viên (vì uy tín của trường, giáo viên mà đứng lên tố cáo sẽ ảnh hưởng đến công việc, uy tín của bản thân, sau khó được đứng lớp, không phụ huynh nào muốn con em họ học của một cô giáo “tai tiếng” như vậy).
“Và đau lòng thay, kể cả khi tôi gửi tới họ những công cụ để họ có thể lên tiếng, họ cũng chọn cách im lặng. Thậm chí đề nghị tôi không được công bố câu chuyện của họ. Họ chọn cách im lặng vì nói ra sẽ gặp nhiều hệ lụy, vì lên tiếng tố cáo sẽ phiền phức, sẽ gây ảnh hưởng đến không chỉ họ mà còn gia đình, đồng nghiệp. Và mai này, đàn ông nào còn muốn cưới một người vợ bị cưỡng bức?
Đàn ông Việt nào sẵn sàng cưới một phụ nữ đã từng bị cưỡng bức và đã phải trải qua những ầm ĩ trên mặt báo? Đứa con nào sẽ chịu đựng nổi nếu nó phải chứng kiến câu chuyện mẹ nó bị người ta cưỡng bức hồi chưa sinh ra nó, chưa có gia đình? Gia đình nào, bố mẹ người thân nào chịu nổi những lời lẽ đàm tiếu từ xung quanh nếu như con họ lên tiếng? Rồi còn hàng tỷ những hệ lụy, định kiến khác khiến không một phụ nữ nào chịu đựng nổi. Nên họ đã chọn im lặng. Họ đã cầu mong phép màu của thời gian sẽ chữa lành họ.
Nhưng rồi, sau bao năm, vết thương ấy vẫn chưa lành!
Hôm trước, trên chương trình phát thanh trực tiếp định kỳ tối thứ Sáu hàng tuần của mình trên tần số 98.9MHz: Tiệm May Vá Trái Tim, tôi và người dẫn cùng mình, nhà báo Vĩnh Quyên, có mời luật sư Đặng Văn Cường tham gia kết nối để cùng trò chuyện theo hướng pháp luật sẽ bảo vệ những nạn nhân của quấy rối tình dục, cưỡng bức tình dục như thế nào?
Nhưng rồi, lật ngược lật xuôi pháp luật của chúng ta sẽ thấy rằng con đường tố cáo một kẻ cưỡng bức mình không đơn giản một chút nào. Bởi pháp luật không chỉ bảo vệ người bị hại, pháp luật còn phải đảm bảo cả tính suy đoán vô tội nữa. Nên chúng ta không thể nói pháp luật Việt Nam “làm khó” người bị hại. Chỉ là con đường thu thập bằng chứng đủ sức mạnh là vô cùng gian khó. Và thứ đáng sợ hơn đó lại là định kiến của xã hội, từ những nhận thức, đánh giá của xã hội.
Bên cạnh những người ủng hộ còn là hàng trăm, hàng ngàn những chỉ trích, suy diễn, gán tội, thậm chí biến nạn nhân thành thủ phạm với những lý luận như “không có lửa làm sao có khói”, “chẳng đàn ông nào tự nhiên đi tấn công tình dục phụ nữ cả, cô gái ấy hẳn có vấn đề chứ”, hay “bản năng giống đực trỗi dậy vì những cô gái đó có những hành vi khiêu khích họ”… Rất nhiều những lý luận nhằm thẳng vào trái tim nạn nhân mà đâm vậy.
Và cả những người ủng hộ kia nữa, một ngày, hai ngày, một tuần, họ cũng sẽ lại lao vào những cuộc tranh cãi khác, họ quên bẵng nạn nhân mà họ nói “chị ủng hộ em lên tiếng, chị ôm em một cái nhé”. Họ quên bẵng. Thực sự là họ không còn đồng hành cùng nạn nhân nữa. Bởi họ cũng phải sống cuộc đời của họ, họ coi những câu chuyện ầm ĩ này như vô vàn những sự vụ khác xảy ra gần như dăm ngay một vụ. Dư luận dễ quên, chỉ nạn nhân là trơ trọi sau khi lên tiếng.
Bao nhiêu phụ nữ tại thời điểm bị xâm hại, bị tấn công tình dục đã chọn im lặng, nuốt ấm ức, ê chề, đau đớn vào trong?
Tôi tin chắc là rất nhiều. Là bởi hàng chục năm qua, quyền lực nằm ở trong tay đàn ông. Là bởi trong một xã hội mà nhận thức về việc mình đang bị quấy rối tình dục cũng mù mờ.
Như câu chuyện hồi nào “vỗ mông chỉ là cách đùa cợt vui vẻ của anh em với nhau”. Như nhiều phụ nữ kiếm được một công việc ổn định đã khó, giữ được nó càng khó hơn nên thôi, vờ như không biết, tự tìm cách hạn chế bị đụng chạm thể xác mà giữ lại công việc này. Như nhiều đàn ông “bắt tín hiệu nhầm” kiểu em gái nào ăn mặc hở hang một chút có nghĩa là dễ dãi, đàn bà phụ thuộc vào đàn ông, đổ lỗi cho bản năng giống đực, thà hôn em rồi bị cho ăn tát, còn hơn nhìn thằng khác hôn em…
Như chính nhiều chị em phụ nữ đánh giá chính phụ nữ khác về việc ăn mặc thế kia là khêu gợi, dụ dỗ đàn ông phạm tội, là lẳng lơ hiện rõ trên mặt… Là còn chưa kể những đòn roi núp ẩn dưới nick ảo chuyên tấn công những ai dám lên tiếng.
#MetooVietNam đang trở thành từ khóa hashtag mà nhiều người văn minh đang muốn nó được nhiều người biết đến. Tôi cũng ủng hộ nó. Nhưng tôi cũng e ngại nó. Không phải tôi e ngại rằng nó sẽ khiến nhiều đàn ông bị vạch trần, nó tạo ra một làn sóng đấu tố.
Thứ tôi e ngại chính là sau những ồn ào đấu tố, ai sẽ tiếp tục bảo vệ những người lên tiếng đó? Giữa một xã hội vẫn còn đầy rẫy những định kiến thế này? Khi mà chính những người thân của nạn nhân cũng chưa sẵn sàng để bảo vệ con em mình. Khi mà mạng xã hội dù đã có Luật An ninh mạng nhưng giang hồ mạng vẫn nhiều như cỏ. Họ vẫn hành xử theo cách biến mọi nạn nhân thành mồi nhậu.
Sự thương cảm dành cho nạn nhân dù chúng ta thấy rất nhiều, rất đông, rất ầm ĩ nhưng được bao lâu? Huống gì là bảo vệ? Để rồi một ai đó lên tiếng nhận hàng ngàn ủng hộ trong lúc ấy nhưng sẽ lại cô đơn dằng dặc sau đó. Đúng kiểu trăm voi không bằng bát nước xáo. Ai sẽ tiếp tục đồng hành cùng họ sau đó?
Nói vậy không có nghĩa là chúng ta đừng lên tiếng mà hại thân. Mà là hãy chuẩn bị cho kỹ càng trước khi lên tiếng. Bằng luật pháp là đầu tiên. Hãy nói chuyện với luật sư trước nhất. Hãy để luật sư dùng hiểu biết pháp luật của họ bảo vệ bạn. Không chỉ tố cáo kẻ thủ ác mà còn là bảo vệ bạn trước những tấn công trên mạng xã hội sau khi bạn lên tiếng tố cáo.
Chúng ta đã có Luật An ninh mạng rồi, hãy dùng nó để bảo vệ cho mình thay vì chê bai pháp luật Việt Nam còn nhẹ quá. Là hãy cùng với người thân của mình chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến dai dẳng, trường kỳ.
Và trên hết, ngay từ hôm nay, kể cả khi bạn chưa từng là nạn nhân của tấn công tình dục, của quấy rối tình dục, của xâm hại, cưỡng bức, thì chính bạn cũng phải lên tiếng. Chỉ khi chúng ta tạo nên sức mạnh cộng đồng đủ lớn, chúng ta mới có thể ngăn chặn được những thứ xấu xa đã tồn tại nhiều chục năm qua.
Và cả những người đàn ông nữa, như chính bản thân tôi, sẽ phải cân nhắc với mỗi hành động của mình, câu đùa của mình.
Giờ đã là 2022 rồi, không còn là những năm tháng ơ kìa ngày nọ, khi mà chúng ta vẫn coi những câu đùa giới tính như thứ hài hước, duyên dáng nữa. Để cả những động chạm cơ thể phải dừng lại vì nó không phải là cách để thể hiện sự thân quen, tình anh em, chú cháu. Để quyền lực không được sử dụng cho những ham muốn tình dục. Để bản năng giống đực được gắn với văn minh con người: làm người ai làm thế.
Và để những kẻ xấu xa biết một điều: Dưới ánh nắng mặt trời, không gì giấu được.
Cuối cùng, bênh vực những nạn nhân bị xâm hại hôm nay chính là cách để chúng ta bảo vệ những đứa trẻ của chúng ta mai này. Không chỉ là các bé gái mà còn cả lũ con trai của chúng ta nữa. Để chúng ta không phải đến công an giải quyết việc con trai của chúng ta cố tình cưỡng bức một cô bạn chỉ vì cô ấy ăn mặc hở hang hay có tín hiệu mời mọc.
Thậm chí, cả những phụ nữ đã có chồng, đang có chồng cũng sẽ không còn bị chồng mình cưỡng hiếp chỉ vì anh ta là chồng, vì đã có đám cưới, hôn thú nên anh ta toàn quyền sử dụng vợ mình như một công cụ tình dục của anh ta.