Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội đông y Hà Nội cho biết, bí đao (bí xanh) là loại quả được trồng nhiều ở Việt Nam và cho năng suất rất cao, vì thế giá thành loại quả này khá rẻ.
Thông thường, bí đao được các gia đình dùng làm thực phẩm chế biến thành nhiều món ăn trên mâm cơm hàng ngày, như luộc, xào, nấu canh, làm nộm, trà bí đao… Đặc biệt, nếu biết sử dụng đúng cách thì bí đao còn có tác dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh.
Lương y Đắc Sáng cho biết, trong đông y, bí đao có tính mát, vị ngọt, không độc, giúp thanh nhiệt giải độc, kiện tỳ, ích khí trừ phiền, chỉ khát lợi tiểu, tiêu thũng. Các nghiên cứu của y học hiện đại cũng chỉ ra rằng, ngoài thành phần chủ yếu là nước, bí đao còn chứa một số vitamin và khoáng chất như protid, glucid, canxi, photpho và nhiều loại vitamin như B1, B2, B3, C...
Ngoài ra, do hàm lượng chất béo và natri trong bí đao rất thấp, vì thế đây cũng là loại quả rất tốt cho người mắc bệnh cao huyết áp, bệnh thận, tim mạch như xơ cứng động mạch, động mạch vành…
Bí đao chỉ cần luộc, ăn cả cái và nước cũng có thể giải độc gan, làm sạch đường ruột rất tốt. (Ảnh minh họa)
Theo vị lương y này, quả bí đao còn cực tốt cho việc dưỡng gan. Gan là cơ quan lọc các chất độc cho cơ thể, do vậy các chất độc sẽ tích tụ nhiều ở gan. Khi ăn bí đao đúng cách sẽ giúp giải độc cho gan, nhất là những người bị gan nhiễm mỡ thì rất hiệu quả. Ngoài gan, bí đao cũng có thể quét sạch nội tạng, giúp hệ thống tiêu hóa vận hành trơn tru hơn.
Cách sử dụng bí đao để giúp dưỡng gan, làm sạch hệ tiêu hóa cũng rất đơn giản, chỉ cần dùng 500g bí đao đem gọt vỏ, rửa sạch, thái nhỏ, sau đó đổ 1 lít nước vào luộc chín, rồi ăn hết cả nước và cái thay cơm là được. Chỉ nên sử dụng ngày một lần và không nên ăn thay cơm liên tục trong thời gian dài, nhất là người hay bị hạ huyết áp, như vậy cơ thể sẽ bị nguy hiểm.
Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết thêm, ngoài dùng bí đao để thải độc, cung cấp chất xơ thì loại quả này còn giúp chị em dưỡng nhan rất tốt, bằng cách chế biến thành trà bí đao để sử dụng. Ông Sáng cho rằng, trà bí đao có thể dùng hàng ngày, tuy nhiên cần bảo quản cẩn thận để tránh bị lên men, vi khuẩn xâm nhập. Tốt nhất dùng đến đâu chế biến đến đó, tránh chế biến thừa vừa lãng phí, vừa dễ bị hư hỏng.
Trà bí đao giúp chị em dưỡng nhan nhưng không nên cho nhiều đường và sử dụng quá mức. (Ảnh minh họa)
Dù là loại quả tốt cho sức khỏe, nhưng ông Sáng cũng đặc biệt lưu ý cách sử dụng bí đao để tránh gây hại. Theo đó, người có cơ địa lạnh không nên sử dụng nhiều bí đao, chỉ dùng từ từ ít một. Người có tì vị hư hàn, hay bị chướng bụng, tiêu chảy không nên dùng nhiều nước bí đao.
Người bị huyết áp thấp không nên giảm cân bằng cách ăn bí đao luộc, uống nước bí đao vì loại quả này rất ít calo, sẽ làm hạ huyết áp. Hãy coi bí đao như một loại rau, một loại thức uống phụ sau mỗi bữa cơm.
Ngoài ra, lương y Bùi Đắc Sáng cũng khuyến cáo, mọi người không nên ăn bí đao sống hoặc xay bí đao sống lấy nước uống rất dễ gây bệnh cho đường ruột, nhẹ thì tiêu chảy, nặng có thể ngộ độc cấp cứu.