Theo nghiên cứu về “Phụ nữ trong kinh doanh” do Grant Thornton thực hiện vào năm 2019, Việt Nam có tỷ lệ nữ giới tham gia trong ban lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp là 36%, đứng thứ hai châu Á.
Vai trò và vị thế của người phụ nữ Việt trong xã hội nói chung và trong kinh doanh nói riêng ngày càng được khẳng định. Đáng nói, không chỉ kinh doanh, lãnh đạo giỏi mà họ còn cân bằng được cả hai yếu tố công việc và gia đình. Đâu là bí quyết của các “nữ tướng”?
Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch FPT Retail
Bà Nguyễn Bạch Điệp là tên tuổi không còn xa lạ trong giới công nghệ, được biết đến với vai trò Chủ tịch HĐQT FPT Retail. Bà Điệp có công lớn trong việc phát triển, mở rộng FPT Retail từ 17 cửa hàng trở thành chuỗi điện thoại lớn thứ hai Việt Nam với hơn 500 địa điểm, hiện đã mở rộng sang cả dược phẩm và mỹ phẩm.
“Nữ tướng” của FPT Retail cũng nhiều lần lọt vào danh sách những nữ doanh nhân quyền lực, có ảnh hưởng tại Việt Nam và châu Á. Dù thường được giới kinh doanh gọi với cái tên “người đàn bà thép” nhưng đây cũng là người rất nữ tính, vui vẻ và có bí quyết cân bằng cuộc sống đáng học hỏi.
Chia sẻ tại một sự kiện của Forbes Việt Nam, bà cho rằng tùy thuộc vào quan điểm và thời điểm, việc nào làm cho bản thân thấy hạnh phúc và quan tâm hơn thì có thể hơi ưu tiên hơn một chút.
Ngoài ra, chủ tịch FPT Retail chia sẻ 3 bí quyết: “Thứ nhất, nếu được thì chọn chồng cùng công ty. Bởi khi chồng cùng công ty thì sẽ hiểu ngay công việc của mình khổ như thế nào, họ biết và thông cảm. Đó là bí quyết nho nhỏ, nếu được thì nên như thế.
Thứ hai, đã làm sếp ở công ty thì về nhà không làm sếp nữa. Về nhà mình để cho chồng quyết hết, không phản đối.
Thứ ba, do không có nhiều thời gian cho gia đình và con cái nên mình cố gắng biến sở thích của mình theo sở thích của con, để bất cứ lúc nào có thời gian rảnh là có thể đi theo và cũng thích thú với nó.”
Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air
Nhà sáng lập kiêm CEO hãng hàng không Vietjet Air là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam, được Business Insider đánh giá là có khả năng “làm những điều khác biệt”.
Lấn sân vào ngành kinh doanh vốn được chiếm lĩnh bởi nam giới, bà Thảo đã góp phần thay đổi thị trường hàng không nội địa. Ngoài Vietjet Air, nữ doanh nhân còn đứng sau và điều hành nhiều doanh nghiệp khác như Ngân hàng HDBank, công ty Sovico Holdings, công ty Chứng khoán Phú Gia hay Địa ốc Phú Long.
Bận rộn trăm công nghìn việc, nữ tỷ phú đi làm cả thứ bảy và cho con nhỏ đi theo. Đây là cách để bà vừa gần con, vừa tạo cho con thói quen làm việc. Ngoài ra, CEO Vietjet vẫn dành thời gian cho gia đình, xem phim với con lớn, tắm rồi bế ẵm con bé, làm nó với tất cả tinh thần của doanh nhân và người phụ nữ.
“Mình mang chất phụ nữ vào trong kinh doanh và ngược lại, mình mang công việc, những chuẩn mực doanh nghiệp, thực tiễn về điều hành nhân sự,... cái gì tốt nhất thì mình lại mang nó về nhà. Cân bằng đơn giản là như vậy.”
Ngoài ra, để vừa lãnh đạo giỏi, vừa chăm lo cho gia đình, bà Thảo cho rằng phụ nữ phải cố gắng hơn nam giới nhiều lần.
"Phụ nữ có lẽ có quỹ thời gian nhiều hơn vì nam giới phải ngoại giao nhiều hơn còn mình dành thời gian đó cho gia đình, cho công ty. Nhưng cũng vì trách nhiệm phụ nữ mà có lẽ chúng tôi phải cố gắng gấp đôi, gấp 3 nam giới. Lợi thế lớn nhất vẫn là giá trị và sự hi sinh cống hiến của bản thân."
Mai Kiều Liên - CEO Vinamilk
Bà Mai Kiều Liên sinh ra và lớn lên tại Pháp. Bà học ngành chế biến sữa ở Moscow (Liên Xô cũ) và trở về Việt Nam vào năm 1976. Sau đó, nữ doanh nhân gia nhập Công ty sữa và cà phê miền Nam, tiền thân của Vinamilk. Từ vị trí kỹ sư, bà Liên lên chức Trưởng ca, rồi Phó Giám đốc Kỹ thuật, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh tế và đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Vinamilk từ năm 1992 đến nay.
Bà Mai Kiều Liên có đóng góp lớn trong việc thay đổi bộ mặt ngành sữa Việt Nam, đồng thời đưa Vinamilk trở thành thương hiệu số 1 trong nước về thị phần. Bà cũng được vinh danh là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.
Lãnh đạo một doanh nghiệp có giá trị vốn hóa hơn 200.000 tỷ đồng nhưng bà Liên không có người giúp việc ở nhà. Bí quyết cân bằng công việc - gia đình được nữ doanh nhân chia sẻ trong một hội thảo của Forbes.
“Một ngày 8 tiếng làm việc ở công ty, 8 tiếng ở nhà và 8 tiếng để ngủ. Tôi nghĩ do gia đình, giữa vợ chồng phải thống nhất với nhau để cùng con cái làm việc nhà.
Mọi người cũng hỏi tôi vì sao không có người giúp việc. Thực sự nếu ai có điều kiện và đông con, hoặc quá bận thì có người giúp việc là tốt. Nhưng riêng hoàn cảnh gia đình mình, tôi không muốn có người giúp việc vì muốn con tôi không ỷ lại, không có khái niệm sai khiến người khác và không làm phiền người khác.
Với mong muốn đó, vợ chồng và con cái cùng nhau tìm cách để khắc phục.”