Các thương nhân xuất khẩu gạo được đề nghị báo cáo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trước ngày 3/8 về tình hình lượng lúa, gạo tồn kho; tình hình ký hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo.
Phải báo cáo gấp trước ngày 3/8
Trong bối cảnh thương mại gạo toàn cầu diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân vừa có văn bản gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các thương nhân xuất khẩu gạo, đề nghị báo cáo tình hình lượng lúa, gạo tồn kho; tình hình ký hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định 107/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo đó, các thương nhân được yêu cầu chủ động theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo toàn cầu và trao đổi với VFA, nhằm kịp thời báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn liên quan hoạt động xuất khẩu gạo, đồng thời đề xuất giải pháp phù hợp.
Văn bản cũng nhắc lại yêu cầu trước đó đối với các thương nhân xuất khẩu gạo là thực hiện nghiêm túc nội dung duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định 107/2018, báo Người lao động đưa tin.
Doanh nghiệp hạn chế bán, tăng mua dự trữ
Văn bản chỉ đạo mới của Bộ Công Thương trước bối cảnh thương mại gạo toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Cụ thể, mới đây, Ấn Độ, Nga và UAE đã thông báo cấm xuất khẩu một số loại gạo. Báo Công Thương dẫn lời ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA đánh giá, động thái cấm xuất khẩu của các quốc gia trên thế giới đang có tác động lớn tới giá gạo Việt Nam.
Cụ thể là các nước nhập khẩu khi nghe thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu đã trực tiếp liên hệ với doanh nghiệp Việt Nam và đưa ra giá cao hơn để mua. Từ đó tác động đến thị trường gạo trong nước và đẩy giá lúa, giá gạo ở nội địa lên cao trong những ngày qua.
ông Đỗ Hà Nam cho rằng, việc tăng giá đột ngột như hiện nay đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam thận trọng hơn trong ký kết hợp đồng bởi họ chưa xác định được giá sẽ tăng ở mức độ nào.
“Theo chúng tôi dự báo thì thị trường lúa gạo toàn cầu ở trong trạng thái cung không đủ cầu. Dù vậy đây là thời điểm giá gạo khó đoán định, chính vì vậy doanh nghiệp phải thận trọng hơn trong các hợp đồng mới. Hạn chế bán, tập trung mua hàng để đảm bảo lượng tồn kho cũng như tránh rủi ro và hỗ trợ cho người nông dân”, ông Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hiện tượng Elnino ảnh hưởng sản lượng lương thực nhiều nước…
Chia sẻ về định hướng hoạt động xuất khẩu gạo trong bối cảnh nhiều biến động, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, trong thời điểm giá gạo toàn cầu đang có xu hướng “nhảy múa” như hiện nay các doanh nghiệp rất thận trọng trong việc ký kết hợp đồng mới.
Cũng theo ông Bình, hiện Trung An chưa ký kết thêm hợp đồng mới mà chủ yếu đang tập trung vào các hợp đồng cũ đã được ký kết trước đó, đồng thời tập trung thu mua lúa theo cam kết với người nông dân.
Đồng quan điểm, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice nói rằng, công ty này cũng chưa vội ký kết hợp đồng mới vì lo ngại rủi ro bởi giá lúa trong nước hiện ở mức cao.
Vân Anh (T/h)