Thị trường lương thực toàn cầu và phản ứng trước việc thêm 2 quốc gia cấm xuất khẩu gạo

Sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga và UAE cũng đưa ra các tuyên bố tương tự.

Sau Ấn Độ, thêm Nga và UAE cấm xuất khẩu gạo

Thông tin trên báo Chính phủ mới đây, Nga và UAE đã thông báo ngừng bán gạo ra nước ngoài, chỉ một tuần sau lệnh cấm của Ấn Độ. Điều này có thể gây ra những xáo trộn trong việc mua bán ở nhiều quốc gia và đẩy giá gạo tăng cao.

Theo RT, Nga đã tạm dừng xuất khẩu gạo cho đến cuối năm nay để hỗ trợ thị trường nội địa.

"Chính phủ đã tạm thời cấm xuất khẩu gạo thô và gạo đã qua chế biến. Hạn chế sẽ có hiệu lực cho đến ngày 31/12/2023," trang Telegram của Chính phủ Nga đăng tuyên bố cho biết. "Quyết định được đưa ra để duy trì sự ổn định trên thị trường nội địa".

Lệnh cấm trên không áp dụng cho các thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu (gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) hoặc Nam Ossetia và Abkhazia.

Hơn nữa, gạo vẫn có thể được vận chuyển ra nước ngoài để viện trợ nhân đạo hoặc quá cảnh qua lãnh thổ Nga.

Nga vốn là nước nổi tiếng với lúa mì, nhưng gạo vẫn được trồng, chủ yếu ở các vùng phía tây nam nước này, gần biên giới với Azerbaijan, Georgia và Kazakhstan. Ngoài ra, có một phần sản lượng nhỏ ở miền đông nước Nga dọc biên giới với Trung Quốc và Triều Tiên. Khoảng 73% sản lượng gạo của Nga được trồng ở vùng Krasnodar.

Loại gạo chính được trồng ở Nga là gạo Nhật Japonica, một loại hạt tròn có thể dùng để làm sushi và có chất lượng tương đương với gạo hạt tròn của Ai Cập. Các giống khác được trồng ở Nga còn có gạo Osman, một loại ngũ cốc trung bình tương tự như Osmancik và Calrose của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo cập nhật từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng lúa gạo của Nga năm 2022 đạt 846.000 tấn, giảm 21% so với năm trước đó.

Cụ thể vào ngày 28/7, Bộ Kinh tế UAE thông báo dừng xuất khẩu gạo trong 4 tháng. Quy định này có hiệu lực ngay lập tức, áp dụng với tất cả loại gạo, bao gồm gạo lứt, gạo xay xát hoàn toàn hoặc một phần và gạo tấm.

Sau khi thông báo này được đưa ra, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo sẽ phải xin giấy phép xuất khẩu của Bộ Kinh tế. Nếu được thông qua, giấy phép của họ sẽ có hiệu lực trong 30 ngày.

Quyết định của UAE và Nga được đưa ra chỉ một tuần sau khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, cấm bán ra quốc tế các loại gạo để bình ổn giá trong nước.

UAE phải nhập khẩu gần 90% lượng lương thực tiêu thụ trong nước. Các siêu thị và nhà cung cấp gạo tại UAE dự báo quyết định trên sẽ khiến giá tăng lên, dù chỉ là tạm thời. Năm ngoái, giá lương thực tăng cao đã gây sức ép lên UAE và các nước khác tại Vùng Vịnh.

Trước đó, Ấn Độ, quốc gia chiếm tới 40% nguồn cung gạo toàn cầu, sau khi cấm xuất khẩu gạo trắng các loại trừ gạo Basmati, loại gạo phổ biến tại Nam Á, thì mới đây cũng dừng xuất khẩu thêm cả cám gạo đã tách dầu.

Chia sẻ với Reuters, ông Pierre-Olivier Gourinchas, chuyên gia kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đánh giá việc Ấn Độ cấm xuất khẩu một số loại gạo có thể làm trầm trọng thêm lạm phát giá lương thực.

"Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo có thể sẽ gây ra tác động tương tự như việc thỏa thuận ngũ cốc biển Đen bị đình chỉ, khiến giá gạo ở các nước khác tăng cao. Giá ngũ cốc toàn cầu có thể tăng 10-15% trong năm nay", ông Gourinchas nói.

Kinh tế vĩ mô - Thị trường lương thực toàn cầu và phản ứng trước việc thêm 2 quốc gia cấm xuất khẩu gạo

Ảnh minh họa.

Nhu cầu gạo đang ngày càng tăng

Gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người trên thế giới và nhu cầu gạo cũng đang ngày càng tăng. Bên cạnh đó, gần 90% loại cây lương thực trồng sử dụng nhiều nước này được sản xuất ở châu Á, nơi hiện tượng khí hậu El Nino gây khô hạn có thể hạn chế nguồn cung.

Thông tin trên VTV, khác với Ấn Độ, các chuyên gia đánh giá việc tạm ngừng xuất khẩu của UAE và Nga chủ yếu có tác động dây chuyền về mặt tâm lý, ít ảnh hưởng đến thị trường gạo thế giới nói chung. Tuy nhiên, những hành động trên cũng cho thấy thực tế trên phạm vi toàn cầu, nguồn cung và giá gạo đang có nhiều biến động.

Việc thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan tăng lên mức cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.

Pierre-Olivier Gourinchas, chuyên gia kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề tăng giá lương thực trên toàn cầu và kêu gọi nước này nối lại hoạt động xuất khẩu.

"Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo có thể sẽ gây ra tác động tương tự như việc thỏa thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen vừa bị đình chỉ, khiến giá gạo ở các nước khác tăng cao. Giá ngũ cốc toàn cầu có thể tăng 10 - 15% trong năm nay", ông Gourinchas nhận định.

Hiện giá gạo trên thị trường quốc tế đang ở mức cao kỷ lục sau khi Ấn Độ đột ngột cấm xuất khẩu toàn bộ các loại gạo tẻ (vốn chiếm 80% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước này). Chính phủ Ấn Độ cho biết động thái này nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi giá bán lẻ gạo tại nước này tăng cao và nguồn cung có thể suy giảm vì điều kiện thời tiết kém thuận lợi.

Thêm 2 nước cấm xuất khẩu gạo, liệu gạo Việt Nam có hưởng lợi?

Theo số liệu trên báo Thanh Niên, tại thị trường Thái Lan và Việt Nam, tuần qua, giá gạo tăng mạnh, bình quân từ 30 - 50 USD/tấn. Gạo tiêu chuẩn 5% tấm đã chạm mốc lịch sử hơn một thập kỷ, lên 600 USD/tấn. Các tính toán cho thấy, nguồn cung gạo năm nay thiếu hụt từ 7 - 9 triệu tấn, dẫn đến diễn biến giá gạo sắp tới sẽ rất khó lường.

Thái Lan được xem là nước hưởng lợi nhiều nhất từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ vì hiện tại nước này còn lượng gạo có khả năng xuất khẩu lớn nhất với khoảng 4 - 5 triệu tấn, trong khi đó, Việt Nam chỉ còn khoảng 2 - 2,5 triệu tấn gạo để xuất khẩu.

Thông tin thêm trên báo Dân Việt, giá gạo Việt Nam đã tăng từng ngày kể từ khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường (phi Basmati).

Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ngày 28/7 đã đạt 563 USD/tấn, trong khi trước đó 1 ngày, giá gạo 5% xuất khẩu của Việt Nam đạt 558 USD/tấn và giá gạo 5% tấm của Việt Nam ngày 26/7 là 548 USD/tấn.

Đối với gạo 25% tấm, nếu như ngày 26/7, giá gạo của Việt Nam đạt 528 USD/tấn thì bước sang ngày 27/7, giá gạo 25% tấm của Việt Nam đã đạt 538 USD/tấn và ngày 28/7 là 543 USD/tấn.

Thời gian gần đâ, sau những diễn biến mới trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chính thức lập kỷ lục "mỗi ngày tăng một giá".

Trong khi đó, tại thị trường nội địa, giá nhiều loại lúa, gạo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng thêm từ 100-200 đồng/kg so với cách nay khoảng 1 tuần.

Trúc Chi (t/h)