Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân

Bộ Xây dựng vừa kiến nghị được hỗ trợ gói tín dụng 65.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp.

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và bộ KH&ĐT đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023.

bo xay dung de xuat goi tin dung 65000 ty dong lam nha o xa hoi nha o cho cong nhan dspl

Bộ Xây dựng đề xuất khoản tín dụng chia làm 2 gói, một gói 15.000 tỷ đồng và một gói 50.000 tỷ đồng để làm nhà ở xã hội. Ảnh minh họa

Theo văn bản này, bộ Xây dựng đề xuất khoản tín dụng chia làm 2 gói, một gói 15.000 tỷ đồng và một gói 50.000 tỷ đồng.

Với gói 15.000 tỷ đồng, Bộ này kiến nghị được bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, trong đó cấp vốn 14.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay nhằm mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định của Luật nhà ở.

Với 1.000 tỷ đồng còn lại để cấp bù lãi suất nhằm để các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định.

Với gói tín dụng 50.000 tỷ đồng, bộ Xây dựng kiến nghị bổ sung theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các đối tượng được vay ưu đãi như: Công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi từ Chương trình để mua, thuê mua nhà ở xã hội; chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê; chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định của Luật Nhà ở.

Hình thức cho vay tín dụng là Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại (các ngân hàng thương mại được chỉ định) cho vay hỗ trợ các đối tượng thuộc chương trình.

Theo Thứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, thời gian vừa qua, đặc biệt là từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đến nay, các khu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp là những khu vực chịu tác động lớn nhất của đại dịch do tập trung đông lao động.

Các tỉnh thành phía Nam (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...) là các địa phương có nhiều khu công nghiệp, đã chịu ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe người dân, về kinh tế... dẫn tới nhiều khó khăn trong việc đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch và ổn định đời sống, việc làm của người lao động.

"Do đó, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế" - Người Lao Động dẫn lời Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh.

Bạch Hiền (t/h) - Người Đưa Tin