Bộ Y tế mở rộng thí điểm điều trị F0 tại nhà, sử dụng thuốc mới

Bộ Y tế sẽ triển khai chương trình điều trị F0 tại nhà, sử dụng thuốc Molnupiravir là một trong những thuốc được đánh giá là giảm nhanh nồng độ virus.

Theo báo Lao động, sáng 13/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì hội nghị tập huấn trực tuyến về quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, người bệnh COVID-19 theo phân tầng quản lý, điều trị và an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết trong thời gian qua, khối khám chữa bệnh, các viện, các trường, hệ thống y tế dự phòng và toàn thể ngành y tế đã cùng nhau nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch. Các cán bộ y tế luôn luôn sẵn sàng, nỗ lực hết mình để phục vụ công tác phòng chống dịch, giảm tỉ lệ tử vong tại những điểm nóng.

covid-19-benh-nhan-1628838173.jpg
Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, ngoài công tác y tế dự phòng, một trong những trọng tâm ưu tiên đối với tất cả địa phương trong công tác phòng, chống dịch là vấn đề về điều trị và làm thế nào để giảm tỉ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19.

Bộ trưởng bộ Y tế cho biết, Bộ đã sửa đổi các phác đồ về điều trị theo cách thức tiếp cận rộng rãi hơn với tất cả các loại thuốc.

Tới đây Bộ Y tế sẽ triển khai chương trình điều trị tại nhà thí điểm, sử dụng thuốc Molnupiravir là một trong những thuốc được đánh giá là giảm nồng độ virus thấp nhất.

“Tới đây, chúng tôi sẽ triển khai chương trình điều trị thí điểm tại nhà đối với TP.HCM và một số tỉnh, thành phố khác để đảm bảo vấn đề quản lý và điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tại nhà, ở các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu. Tầng điều trị này rất quan trọng để bệnh nhân được tiếp cận nhanh nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Hiện nay, các hội đồng Đạo đức, khoa học của bộ Y tế và chuyên gia đang tập hợp để sớm triển khai vấn đề này khi có thuốc Molnupiravir. Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở nhập thuốc, tăng vấn đề sản xuất thuốc này khi có điều kiện sẽ sử dụng.

Việt Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp có thể sản xuất thuốc này có thể trao đổi với các doanh nghiệp có bản quyền để chuyển giao công nghệ sản xuất. Đây là vấn đề rất quan trọng trong điều trị tại cộng đồng.

Ngoài ra, với những thuốc cho bệnh nhân nặng hiện nay, chúng ta kêu gọi cộng đồng hỗ trợ, chẳng hạn Remdesivir (đã về một ít) và một số thuốc kháng virus khác.

“Coi thuốc kháng virus là một trong các vũ khí để áp dụng cho bệnh nhân theo từng mức độ hướng dẫn chuyên môn, có thể áp dụng đại trà”, Bộ trưởng Long nói.

Trong diễn biến liên quan, báo Sức khỏe Đời sống thông tin, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin công tác phòng, chống COVID-19 trên địa bàn trưa 13/8, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết dự kiến chủ nhật TP.HCM công bố kế hoạch phòng chống COVID-19 trong 30 ngày tới, tinh thần sẽ tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16.

Theo ông Mãi, dịch trên địa bàn vẫn phức tạp, số ca dương còn cao, số ca cần điều trị, ca tử vong còn nhiều. Nhu cầu chữa trị quá tải so với năng lực tiếp nhận của các cơ sở y tế. Vì vậy, nhiệm vụ của thành phố trong thời gian tới phải cố gắng tập trung, ngăn chặn nguồn lây, giảm ca dương, giảm số ca chuyển nặng để điều trị thật tốt, giảm tử vong.

Từ sáng nay 13/8, TP,HCM tiến hành tiêm vaccine của Sinopharm tại các quận, huyện. Trước đó, HCDC cung cấp 1.000 vaccine Sinopharm cho quận 1, 3, 4; 2.000 liều cho quận 6, 8, 10; 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, huyện Nhà Bè; 3.000 liều cho quận 7, Bình Tân, huyện Bình Chánh; 4.000 liều cho huyện Củ Chi; 5.000 liều cho huyện Hóc Môn và 7.000 liều cho TP Thủ Đức.