Lời khuyên sức khỏe dành cho F0 khi tự chăm sóc tại nhà

Dưới đây là một số lời khuyên về sức khỏe của các chuyên gia y tế dành cho bệnh nhân COVID-19 ( F0) khi cách ly và tự chăm sóc tại nhà.
loi-khuyen-suc-khoe-danh-cho-f0-tu-cham-soc-tai-nha-1628155323.jpg

Đối với các F0 cách ly và tự chăm sóc tại nhà, tâm lý chung sẽ là buồn, lo lắng, hoang mang. Tuy nhiên chúng ta cần biết cách chăm sóc bản thân và giữ cho sức khỏe thể chất và tinh thần khỏe khoắn để hỗ trợ tăng đề kháng, giúp cơ thể mau khỏi bệnh.

Sau đây là một số lời khuyên của TS.BS Đào Thị Yến Phi chia sẻ trên báo VOV dành cho F0 khi tự chăm sóc tại nhà:

-Nằm đầu cao 45 độ (lót từ mông trở lên chứ không phải chỉ kê ngay cổ), ở nơi càng thoáng khí càng tốt như gần cửa sổ, lan can.

-Thở nhẹ và sâu: Hít nhẹ, chậm, không gồng cơ, không cố hít thật nhanh cho nhiều không khí vào phổi; thở ra cũng chậm nhất và nhẹ nhất có thể. Lưu ý không phải thở kiểu tập thể dục mà thở kiểu nhẹ nhàng chậm chạp, không gồng cơ. Chú ý cảm nhận lúc hít thở có bị đau hay khó khăn không.

-Làm sạch mũi họng bằng nước muối sinh lý 0,9% để làm đường thở thông thoáng nhất có thể, không có nhầy đàm gây cản trở không khí vào ra. Nằm nghỉ nơi ấm áp cũng làm giảm phù niêm mạc, giúp đường thở thông hơn.

-Uống nước ấm nhiều lần trong ngày, uống vài ngụm mỗi 10 phút sẽ tốt hơn uống một lúc nhiều nước. Ngày tối thiểu 2 lít nước, nếu sốt thì cứ tăng 1 độ cộng thêm 500ml. Nhiệt độ nước tốt nhất là khoảng 35 độ C (2 sôi 1 nguội).

- Hạ sốt bằng thuốc, đắp khăn ấm hay tắm bằng nước ấm. Không cần hạ đến dưới 37 độ, dưới 38 độ C là đạt yêu cầu.

-Ăn cháo loãng, không cần bổ dưỡng thịt cá gì hết, nấu 500ml cháo chỉ cần thêm 1 nắm đậu xanh hay 1 quả trứng gà, cho thêm hành củ vào là được. Ăn nhiều lần, mỗi 1-2 giờ cho húp nửa chén cháo nóng tốt hơn ăn 3 bữa/ngày. Khuấy ly bột ngũ cốc nóng uống cũng được.

- Ngủ càng nhiều càng tốt.

-Theo dõi: Thở nhẹ hay nặng, thở có đau ở đâu không, sốt bao nhiêu độ là quan trọng nhất. Chú ý thêm môi có tím, tay chân có bị lạnh hay trắng bệch không, có bị nhức đầu nặng không. Mất vị giác, khứu giác, đừng quá lo về chuyện đó. Mắt có phù phù đỏ đỏ một chút cũng không sao.

- Gọi cho 115 đến đón nếu có giường. Nếu không được thì nên kiên nhẫn nằm nhà chờ, không tức giận hay hoảng sợ.

- Gọi cho một bác sĩ quen biết qua video call để bác sĩ nhìn được bệnh nhân và tư vấn dùng thuốc nếu cần.

-Không được tự ý dùng thuốc, ngoại trừ thuốc hạ sốt và giảm ho nếu ho nhiều gây mệt.

Bên cạnh đó, bác sĩ chuyên khoa 2 Lâm Hiếu Minh, Đơn vị Tâm lý Lâm Sàng Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cũng đưa ra một số lời khuyên giúp các F0, F1 có sức khỏe tinh thần khỏe khoắn, suy nghĩ tích cực, lạc quan hơn.

Người bệnh hay người cách ly tại nhà cần chú ý duy trì nhịp sinh học đều đặn như thường ngày. "Khi phá vỡ nhịp sinh học thường ngày bằng các thói quen thức khuya, dậy muộn sẽ khiến có thể stress. Nếu thường ngày lịch sinh hoạt thức dậy, đi vệ sinh, ăn uống tắm rửa giờ nào thì cần duy trì như vậy", bác sĩ Lâm Hiếu Minh khuyên.

Nếu có thể hãy cố gắng vận động trong nhà, duy trì các bài tập nhẹ nhàng sáng 30 phút, chiều 30 phút. Khi vận động, cơ thể sẽ tiết ra các chất có lợi cho tinh thần, giữ nhịp vận động.

Tuy bị cách ly tại nhà nhưng người bệnh tùy theo tình trạng sức khỏe nên có sự tương tác xã hội. Nên kết nối với người thân, bạn bè để có các cuộc gọi online trao đổi thông tin, giúp cơ thể giải tỏa các vấn đề của bản thân và duy trì sự kết nối giúp tinh thần tốt hơn.

Để giữ tâm lý thoải mái lạc quan, giảm lo âu cần lên lịch xây dựng các hoạt động tinh thần, tách sự chú ý của bản thân vào bệnh tật.

Các F0 nhẹ, F1 cách ly tại nhà ngoài các hoạt động chăm sóc cơ thể, có thể lên lịch làm các việc nhẹ nhàng thư giãn như đọc sách, trồng cây, tưới nước, chăm hoa... để thư giãn tinh thần.

Nên vận động nhẹ nhàng 2 tiếng trước khi ngủ, tắm nước ấm hoặc thư giãn để dễ ngủ. Đặc biệt nên tắt các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ 30 đến 1 tiếng để tránh ngủ không sâu giấc, ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ khiến cơ thể thêm mệt mỏi.

Theo bác sĩ Minh giấc ngủ có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần người bệnh COVID-19, do đó trong trường hợp không ngủ được, mất ngủ nhiều ngày cần liên hệ ngay nhân viên y tế để được hỗ trợ.

Minh Hoa (t/h theo VOV, VnExpress) - Người Đưa Tin Pháp Luật