Trong bối cảnh giá than tăng mạnh, các công ty thủy điện sẽ có lợi thế do giá huy động thấp hơn hẳn điện than và điện khí. Sản lượng của thủy điện ở từng khu vực thường ổn định và phụ thuộc vào tình hình thủy văn ở từng nơi.
Theo SSI Research, nhóm công ty thủy điện ở khu vực phía Nam có điều kiện thủy văn thuận lợi hơn so với những doanh nghiệp phía Bắc, Trung Bộ nên có nhiều cơ hội tăng mạnh sản lượng, lợi nhận nhờ đó cũng ghi nhận nhiều tích cực.
Thực tế cho thấy, kết thúc quý III/2021, nhóm các doanh nghiệp thuỷ điện phía Nam đón nhận kết quả kinh doanh có phần sáng hơn, lợi nhuận tăng trưởng được tính bằng lần.
Điển hình như Công ty Thủy điện Miền Nam (HoSE: SHP) ghi nhận lợi nhuận quý III/2021 ở mức cao nhất trong lịch sử. Công ty đạt doanh thu thuần 236 tỷ đồng, tăng 162% so với cùng kỳ; lãi sau thuế đạt 132 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 2 tỷ đồng - đây là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử niêm yết của Thủy điện Miền Nam.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, Công ty có doanh thu thuần đạt 439 tỷ đồng tăng 66% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt gần 169 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 1,5 tỷ đồng.
Thuỷ điện miền Nam có 3 nhà máy đặt tại Lâm Đồng gồm Đa M’bri, Đa Siat và Đa Dâng 2 với tổng công suất 122,5 MW. Trong đó, nhà máy Đa M’bri có công suất lớn nhất 75 MW, sản lượng 338,2 triệu kWh/năm.
Cũng có nhà máy đặt ở phía Nam, Công ty Thuỷ điện Thác Mơ (HoSE: TMP) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng vọt so với quý cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, doanh thu đạt 202 tỷ đồng, tăng 1,8 lần; lợi nhuận sau thuế gấp gần 4 lần, ở mức 86,5 tỷ đồng.
Theo giải trình của Công ty, sự tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong quý một phần từ việc ghi nhận thêm 26,6 tỷ đồng doanh thu bán điện từ Nhà máy Điện mặt trời Thác Mơ mới đi vào hoạt động. Riêng sản lượng điện từ Nhà máy Thủy điện tăng 31,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 195,33 triệu kWh.
Lũy kế 9 tháng năm 2021, Thủy điện Thác Mơ đạt 511 tỷ đồng doanh thu; lại sau thuế đạt 242 tỷ đồng, gần gấp đôi so với 9 tháng năm 2020, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 238 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty Thủy điện Cần Đơn (HoSE: SJD) cũng ghi nhận ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trong quý III tăng trưởng tương ứng 37% và 63% so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt đạt 154 tỷ đồng và 92 tỷ đồng.
Sản lượng điện trong kỳ của Công ty đạt 155 triệu kWh, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Kế hoạch sản lượng quý IV/2021 của Thủy điện Cần Đơn ở mức 124,5 triệu kWh, tương ứng tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2020. Công ty kỳ vọng có thể đạt được sản lượng theo kế hoạch với diễn biến thuỷ văn thuận lợi ở khu vực phía Nam.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp thuỷ điện phía Bắc và Trung Bộ lại ghi nhận kết quả kém sáng hơn. Công ty Thủy điện Thác Bà (HoSE: TBC) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đều giảm trong quý III/2021. Doanh thu đạt 98 tỷ đồng, giảm 40%; lợi nhuận sau thuế giảm 57% còn 34 tỷ đồng.
Đơn vị lý giải lưu lượng nước về hồ Thá Bà giảm, dẫn đến sản lượng điện thấp hơn cùng kỳ 47,7 triệu kWh, tương ứng giảm 42%.
Thủy điện Sông Ba Hạ (UPCoM: SBH) báo cáo lợi nhuận giảm 15% về 82 tỷ đồng trong quý III. Doanh nghiệp thuộc PV Power là Thủy điện Hủa Na (UpCOM:HNA) báo cáo doanh thu và lợi nhuận giảm lần lượt 8% và 16%, về mức 178 tỷ đồng và 84 tỷ đồng.
Công ty Thủy điện Bắc Hà giảm 29% còn 48 tỷ đồng lãi sau thuế trong quý III/2021, còn Công ty CP Đầu tư và Phát triển điện miền Bắc 2 giảm 13%, còn 90 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp thủy điện khác thuộc miền Trung là Thủy điện A Vương (UpCOM:AVC) cũng ghi nhận mức lợi nhuận giảm gần 30% về 49,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ kết quả kinh doanh khả quan nửa đầu năm, lãi sau thuế vẫn gấp 3,6 lên gần 189 tỷ đồng sau 9 tháng năm 2021.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tại khu vực Bắc Bộ, sau cơn bão số 7, số 8, các hồ thủy điện lớn như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà... và nhiều hồ thủy điện khác vẫn không có lũ.
Tại ngày 15/10/2021, tổng lượng nước của các hồ thủy điện phía Bắc thấp hơn cùng kỳ năm 2020 là hơn 5,7 tỷ m3. Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng ở khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Với khu vực Trung Bộ, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8 đã gây mưa lớn diện rộng.
Thời gian gần đây, không khí lạnh tăng cường kết hợp với hoạt động của đới gió đông trên cao gây mưa lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định. Một số hồ thủy điện khu vực miền Trung, miền Nam tiếp tục vận hành, xả lũ theo quy trình vận hành hồ chứa.
Theo dự báo, thủy văn thuận lợi sẽ là tiền đề quan trọng tác động tích cực tới kết quả kinh doanh của các nhà máy thủy điện ở miền Trung và miền Nam trong quý cuối năm nay.
Người Đư Tin