Các "ông lớn" kiến nghị giải pháp vực dậy thị trường bất động sản

Các doanh nghiệp đều cho rằng thị trường bất động sản đang rất khó khăn, đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái, rất cần sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ.

Sáng 8/11, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã họp với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và lãnh đạo Bộ Xây dựng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường.

Các doanh nghiệp bất động sản khu vực phía Nam được mời họp trực tiếp gồm Novaland, Phú Mỹ Hưng, Becamex, Hưng Thịnh, IMG, Hoàng Quân, Him Lam, Đại An, Phú Cường, Sơn Kim Land, DIC, Khang Điền... Đồng thời, một số doanh nghiệp bất động sản lớn tại khu vực phía Bắc như Vingroup, Sungroup, Ecopark, Tuần Châu, TNG, Flamingo... dự họp trực tuyến. Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng tham dự sự kiện này.

Doanh nghiệp bất động sản than khó

Trong báo cáo tóm tắt gửi đến cuộc họp, Bộ Xây dựng cho biết hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong triển khai dự án do có vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý, đặc biệt là việc chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục giao đất, tính hình sử dụng đất.

Trao đổi với báo điện tử Đầu tư, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tham dự cuộc họp cho biết, mỗi doanh nghiệp có 10 phút trình bày thẳng với Phó thủ tướng vấn đề cụ thể bị “nghẽn”, điểm chung là đều gặp khó trong việc huy động vốn, và thủ tục hành chính.

Đại diện Tập đoàn Novaland cho biết, thị trường đang rất khó khăn, nhất là khi ngân hàng bắt đầu siết tín dụng đối với người mua nhà và các nhà phát triển bất động sản. Về phía Novaland, Công ty phải thực hiện tái cấu trúc, rà soát lại tất cả các hoạt động kinh doanh, sẽ tập trung vào kinh doanh lõi là đầu tư, phát triển bất động sản. Riêng các dự án chưa triển khai, Công ty cũng tạm hoãn đầu tư nhằm chờ thời điểm phù hợp.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên một số doanh nghiệp bất động sản “đói vốn” phải vay ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro.

Đồng thời, họ phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu, thậm chí đến 40% giá hợp đồng, tạo cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ, nhưng có rủi ro do là sản phẩm hình thành trong tương lai.

“Bên cạnh đó, việc bán dự án với giá hời có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội thôn tính có thể làm mất đi lợi thế của doanh nghiệp nội địa đang thống lĩnh thị trường bất động sản hiện nay”, ông Châu nhấn mạnh.

Ngoài vốn, ông Châu cho biết trên địa bàn Tp.HCM hiện có hơn 100 dự án bất động sản vướng mắc về pháp lý, bị “đắp chiếu” hàng chục năm, rất cần các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc tháo gỡ.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng - thương mại Lê Thành cho biết, khi làm dự án nhà ở xã hội, điều doanh nghiệp quan tâm đầu tiên cũng là vấn đề cơ chế, pháp lý.

Ông cho rằng thủ tục pháp lý theo kiểu không biết "gà có trước hay trứng có trước" và kiến nghị điều chỉnh để có thể hoàn thành chiến lược 570.000 căn nhà ở xã hội vào năm 2025.

"Khi xin dự án nhà ở xã hội, theo quy trình là nộp hồ sơ đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhưng không thể chấp thuận đầu tư được vì sở căn cứ luật, nói tất cả dự án nhà ở xã hội phải phù hợp 100% quy hoạch thì họ mới chấp thuận đầu tư. Nhưng tôi khẳng định ở Việt Nam 100% dự án nhà ở không dự án nào là phù hợp 100% quy hoạch, cụ thể như ở Tp.HCM.

Vì quy hoạch đã có 10 năm và không phù hợp với hiện nay. Đồng thời nhà ở xã hội hệ số tăng, dân số tăng, nhưng khi được ưu đãi theo điều 49 nghị định 100 lại không phù hợp.

Khi đó, chúng tôi điều chỉnh cho phù hợp, các cơ quan nói chưa chấp thuận đầu tư thì không thể điều chỉnh, chúng tôi không biết cái nào có trước. Mong giải quyết điểm nghẽn này về nhà ở xã hội, thậm chí nhà ở thương mại cũng thế", ông Nghĩa bày tỏ với Tuổi Trẻ Online.

Ông Nghĩa cũng cho rằng nghị định 100 và nghị định 49 hướng dẫn, nhà ở xã hội, người ngoại tỉnh không được mua, trong tỉnh mới được mua, vậy nhà ở xã hội không thể làm tăng dân số cơ học. Ông đặt câu hỏi: có thể bỏ qua tác động giao thông với đánh giá xã hội được không, để đỡ mất nhiều thời gian.

Cũng theo ông Nghĩa, một vướng mắc nữa là những ưu đãi của nhà nước để giảm giá thành và thủ tục mua nhà của người dân. “Hiện nay, thủ tục xin nhà ở xã hội bị vướng rất nhiều luật. Cụ thể, quy trình luật đầu tư và luật nhà ở trái ngược nhau khiến doanh nghiệp gặp khó khăn”, ông Nghĩa nói và cho biết khi xây dựng xong, doanh nghiệp cũng bị hậu kiểm rất chặt và kỹ.

Ngoài ra, với người mua là lao động tự do khi xin hồ sơ mua nhà ở xã hội cũng gặp nhiều vướng mắc. Đơn cử, địa phương chỉ xác nhận người đó có nhà ở hay chưa mà không hề xác nhận họ có đóng thuế thu nhập cá nhân hay không, điều này dẫn đến doanh nghiệp không thể nộp hồ sơ lên Sở Xây dựng để thẩm định”, ông Nghĩa cho biết.

Cần gỡ "điểm nghẽn" về pháp lý và nguồn vốn

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, ông Châu cho rằng, giải pháp lớn nhất, bao quát nhất và có tính quyết định nhất là hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Tuy nhiên, quá trình này dự kiến đến 2023 mới hoàn tất. Do đó, trong lúc này, cần có các giải pháp cấp bách hơn.

Trong đó, kiến nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét lựa chọn để thí điểm tập trung tháo gỡ cho khoảng 10 tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn có nhiều dự án bị vướng mắc pháp lý phải dừng thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, dừng thực hiện thi công, dừng các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho khách hàng, qua đó tạo niềm tin và cú hích cho thị trường.

Cần sớm có kết luận dứt điểm các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc đất công, đất do cổ phần hóa hoặc do di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm đã bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay, hoặc do thực hiện công tác rà soát pháp lý.

Với phân khúc nhà ở xã hội, HoREA đề nghị các tỉnh thực hiện nhanh, thông thoáng thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư trong trường hợp doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quỹ đất, không yêu cầu phải phù hợp 100% quy hoạch 1/2000. Còn các dự án nhà ở thương mại đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 quy định nghĩa vụ dành 20% quỹ đất ở để xây dựng nhà ở xã hội trước ngày 1/4/2021 nên được tiếp tục thực hiện mà không cần phê duyệt lại.

Song song đó, Hiệp hội đề nghị Chính phủ tháo gỡ các khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp về cả tín dụng lẫn trái phiếu. Hiệp hội đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét có thể nới room tín dụng thêm khoảng 1-2% để có nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 - 200.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.

Liên quan đến nguồn vốn, đại diện Tập đoàn Novaland cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước sớm có những chỉ đạo cụ thể để khách hàng, nhà đầu tư, nhà phát triển bất động sản cũng như những nhà đầu tư thứ cấp tiếp cận, sử dụng được nguồn vốn tín dụng. “Một trong những giải pháp hiện nay là tạo điều kiện cho những chủ đầu tư lớn, những dự án đã được thẩm định, được duyệt thì cần có sự cởi mở hơn trong việc tiếp cận tín dụng, giúp cho thị trường bất động sản phục hồi”, vị này cho biết.

"Hiệp hội được biết, Bộ Xây dựng sẽ khẩn trương tổng hợp ý kiến của lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp trong hai cuộc họp trên đây để báo cáo ngay Thủ tướng xem xét các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản vượt qua khó khăn để phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định, an toàn và bền vững", văn bản do ông Châu cung cấp nêu.

Minh Hoa (t/h)