Cập nhật tình hình bão số 5: 110 người bị thương, hơn 20.000 ngôi nhà bị hư hỏng

Theo thống kê mới nhất, bão số 5 đã làm 1 người chết, 1 người mất tích, 110 người bị thương, hơn 22.000 nhà dân bị tốc mái.

Theo tin từ Tuổi trẻ, báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai đến trưa 19/9 cho biết, bão số 5 đã làm 1 người chết (Thừa Thiên - Huế), 1 người mất tích (Quảng Trị), 110 người bị thương (riêng Thừa Thiên Huế 95 người).

Về nhà cửa, tại Thừa Thiên - Huế có 10 nhà bị sập đổ hoàn toàn. Có 22.562 nhà dân bị tốc mái (Thừa Thiên - Huế 21.283 nhà; Quảng Trị 1.091 nhà; Hà Tĩnh 168 nhà; Nghệ An 5 nhà; Quảng Bình 15 nhà).

Thừa Thiên - Huế bị thiệt hại nặng nề do bão số 5 với hơn 21.000 nhà dân bị tốc mái - Ảnh: Tuổi trẻ

Có 3 điểm trường bị ảnh hưởng, 15 phòng học bị tốc mái.

Về nông nghiệp, 285ha lúa và hoa màu, 1.149ha cây lâm nghiệp; 300ha cây ăn quả, 40ha nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, thiệt hại.

Về điện lực và viễn thông có 36 cột điện bị gãy đổ, 3 trạm biến áp bị hư hỏng, 3 trụ thông tin bị gãy, 15 tuyến cáp quang bị đứt do cây gãy đổ (Thừa Thiên H- uế). Nhiều địa phương thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế bị sự cố và mất điện (đến 7h ngày 19-9, địa phương đã khắc phục được 75%).

Về giao thông, 5 điểm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, một điểm trên quốc lộ 9 qua địa bàn huyện Đắkkrông, tỉnh Quảng Trị bị sạt lở, 1 điểm trên tuyến đường 14G qua địa bàn huyện Đồng Giang, Quảng Nam bị sạt lở, 135 điểm đường liên xã thuộc huyện Tây Giang, Quảng Nam bị sạt lở.

Hiện các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão số 5 đang khẩn trương tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại và chỉ đạo khắc phục.

Để tiếp tục ứng phó với hoàn lưu sau bão và khắc phục hậu quả do bão, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương bị thiệt hại tiếp tục chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống; theo dõi, cảnh báo mưa lớn sau bão kịp thời đến cộng đồng, người dân; theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ trên các sông, chủ động các biện pháp phòng tránh.

Các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão tăng cường kiểm tra và triển khai di dời dân cư tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập lụt; kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực có nguy cơ ngập sâu; bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để xử lý kịp thời mọi tình huống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ"; sẵn sàng vận hành điều tiết, khắc phục sự cố hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du.

Dự báo từ nay đến ngày 20/9, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-7 m, hạ lưu từ 2-4 m; trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình và các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Kon Tum sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-4 m, hạ lưu từ 1-2 m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ sông Chảy, sông Thao và thượng lưu các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Nam có khả năng lên mức báo động 1 và trên báo động 1, hạ lưu dưới mức báo động 1; các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế có khả năng ở mức báo động 1, báo động 2, có sông lên trên báo động 2.

Trong ngày và đêm 19/9, do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh nên ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-250 mm/24 giờ, có nơi trên 300 mm/24 giờ; khu vực Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến 50-100 mm/24giờ; có nơi trên 120 mm/24 giờ. Từ đêm 20/9 mưa giảm dần. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Bảo Đăng (T/h)