Cặp vợ chồng bỏ việc lương cao đưa con sang nước ngoài định cư, tình trạng hiện tại thật đáng ngại

Khi đến bước cuối cùng của kế hoạch - tìm việc làm, cặp cha mẹ đã gặp phải những trở ngại trong cuộc sống và cảm thấy khoảng cách giữa ước mơ và hiện thực là quá xa vời.

Để con cái phát triển và có một tương lai tươi sáng, không ít bậc cha mẹ đã có quyết định táo bạo khi từ bỏ cuộc sống hiện tại dù rất tốt để cùng con sang "đất khách quê người" làm lại từ đầu.

Song, thực tế không phải lúc nào cũng "màu hồng" và tốt đẹp.

Một chương trình truyền hình thực tế của Trung Quốc đã chia sẻ câu chuyện của một cặp vợ chồng có tên Vương Tiểu Xuân và Đinh Dũng - đều là người Bắc Kinh nhận được sự quan tâm rất lớn từ mọi người.

Khi còn ở Bắc Kinh, Vương Tiểu Xuân là quản lý dự án cho một công ty nhà nước lớn, còn chồng cô, Đinh Dũng, là một kỹ sư.

Sau khi sinh con gái Hoan Hoan, hai vợ chồng bắt đầu cảm thấy hơi bất an với cuộc sống vốn dĩ ổn định và vô tư lự trước đây. Vấn đề sức khỏe và giáo dục của con gái trở thành lý do lớn nhất khiến họ phải di cư.

Cuối cùng, gia đình quyết định chuyển từ Bắc Kinh đến Auckland, New Zealand.

Ngay khi sang nước ngoài định cư, Vương Tiểu Xuân, người có nền tảng về khoa học và kỹ thuật, rất có tổ chức trong công việc. Cô đã vận dụng chuyên môn quản lý dự án của mình để ổn định cuộc sống cho những người nhập cư mới, thậm chí còn đặt cho dự án một cái tên rất hay - "Dự án Sao Hỏa" .

Mục tiêu cuối cùng của kế hoạch này là Vương Tiểu Xuân tìm được việc làm.

Cho đến nay, cuộc sống của cô đã diễn ra theo đúng kế hoạch: chồng cô thành công xin được giấy phép nhập cư với tư cách là một kỹ sư, gia đình định cư tại đây, và con gái cô, Hoan Hoan, cũng được nhận vào một trường công lập ở New Zealand...

Tuy nhiên, khi đến bước cuối cùng của kế hoạch - tìm việc làm, cặp cha mẹ đã gặp phải những trở ngại trong cuộc sống và cảm thấy khoảng cách giữa ước mơ và hiện thực là quá xa vời.

Vương Tiểu Xuân, người "có giá trị tài sản lớn" ở Bắc Kinh, phát hiện mình không thể tìm được việc làm sau khi di cư sang New Zealand. Hồ sơ xin việc của cô luôn bị bỏ qua.

Trước đó, Vương Tiểu Xuân nghĩ rằng mình đã đáp ứng đủ yêu cầu của một công ty, nhưng sau cuộc phỏng vấn kéo dài 3 tiếng đồng hồ, cô vẫn thất bại.

Đinh Dũng - người đã thành thạo công nghệ tiên tiến, lại gặp nhiều khó khăn do trình độ ngôn ngữ kém. Cuối cùng, anh phải mở một studio trong gara nhà mình, chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa Trung Quốc.

Giờ đây, thu nhập của gia đình, thu nhập chính để nuôi con ăn ở và sinh hoạt cũng đến từ khách hàng Trung Quốc thường xuyên.

Đinh Dũng cho biết khi còn ở Trung Quốc, anh có thể mang lại cho bản thân và vợ con sự an toàn rất lớn, nhưng sau khi đến đây, cảm giác an toàn đó đã biến mất.

Giờ đây, thu nhập từ công việc của Đinh Dũng đã trở thành nguồn thu nhập duy nhất của gia đình.

Sau này, họ có thêm một cậu con trai, Vương Tiểu Xuân chỉ còn biết làm nội trợ, một mình chăm sóc hai đứa con và suốt ngày quay như chong chóng với lịch trình công việc nhà dày đặc mỗi ngày vì không có người thân hỗ trợ.

Điều đau lòng nhất đối với Tiểu Xuân chính là lo sợ về những đứa con. Cô không muốn con cái nghĩ rằng mình chỉ có thể làm một bà nội trợ toàn thời gian chăm sóc gia đình.

"Một người mẹ có công ăn việc làm tốt sẽ khiến con cái mình tự hào hơn một người mẹ suốt ngày lo lắng về những chuyện tầm thường xung quanh bốn bức tường và căn bếp gia đình" - Tiểu Xuân.

Mặc dù vậy, gia đình Tiểu Xuân vẫn luôn chần chừ trong việc bỏ cuộc sống hiện tại để trở về quê hương.

Câu chuyện thực tế về gia đình nhỏ của cặp cha mẹ ở Trung Quốc khiến nhiều người phải suy ngẫm về xu hướng nuôi dạy con của các gia đình hiện nay. Từ bỏ quê hương, cuộc sống và người thân hiện tại để cùng nhau ra nước ngoài định cư với một mục đích cuối cùng là đem đến cho con cái môi trường sống, sự phát triển toàn diện và tương lai ổn định nhất.

Song các bậc cha mẹ hầu hết gặp nhiều khó khăn, bất cập với việc bắt kịp môi trường mới, chưa tính đến những đứa trẻ, liệu chúng sẽ thích nghi thế nào?

Chính vì thế, nếu có kể hoạch đó, cha mẹ cần phải cân nhắc và tìm hiểu kĩ trước khi quyết định.

1. Tình hình tài chính

Chi phí sinh hoạt: Nghiên cứu về chi phí sinh hoạt tại quốc gia mới, bao gồm nhà ở, thực phẩm, giáo dục và y tế.

Thu nhập dự kiến: Tìm hiểu về cơ hội nghề nghiệp cho bản thân tại quốc gia mới, cùng với mức lương để đảm bảo có nguồn thu nhập ổn định.

Tiết kiệm và đầu tư: Đánh giá khả năng tài chính hiện tại và khả năng tiết kiệm trong tương lai.

2. Giáo dục và phát triển của con cái

Chất lượng giáo dục: Nghiên cứu về hệ thống giáo dục của quốc gia mới, bao gồm trường học, chương trình học và các hoạt động ngoại khóa.

Ngôn ngữ: Nếu ngôn ngữ chính của quốc gia mới khác với tiếng mẹ đẻ của con, cần xem xét khả năng học ngôn ngữ mới và các khóa học bổ sung.

Tính đa dạng văn hóa: Đánh giá môi trường sống có thể ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội và văn hóa của con.

3. Văn hóa và lối sống

Sự khác biệt văn hóa: Tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán và lối sống của người dân địa phương để giúp con cái dễ hòa nhập.

Tính chấp nhận: Đánh giá mức độ chấp nhận và đa dạng của xã hội đối với người nhập cư.

4. Chất lượng cuộc sống

An ninh: Xem xét mức độ an toàn của khu vực sinh sống, tỷ lệ tội phạm và các vấn đề an ninh xã hội.

Chăm sóc sức khỏe: Kiểm tra hệ thống y tế, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế.

5. Thủ tục pháp lý và cư trú

Thủ tục định cư: Tìm hiểu về các yêu cầu pháp lý để định cư tại quốc gia mới, bao gồm visa, giấy phép lao động và các quy định liên quan.

Thời gian và chi phí: Đánh giá thời gian và chi phí cần thiết cho việc hoàn tất các thủ tục này.

6. Mạng lưới hỗ trợ

Gia đình và bạn bè: Xem xét có người thân hoặc bạn bè nào ở quốc gia mới có thể hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi.

Cộng đồng người Việt: Tìm hiểu về cộng đồng người Việt tại nơi định cư để dễ dàng hòa nhập và nhận được sự giúp đỡ.

7. Tình trạng tâm lý

Cảm giác tách biệt: Đánh giá tác động tâm lý của việc chuyển đến nơi mới, từ việc rời xa bạn bè, gia đình và môi trường quen thuộc.

Sự thích nghi: Chuẩn bị cho những khó khăn trong việc thích nghi với lối sống và văn hóa mới.

8. Kế hoạch dài hạn

Mục tiêu cá nhân: Xác định rõ mục tiêu cá nhân và gia đình sau khi định cư, không chỉ về tài chính mà còn về sự phát triển toàn diện của con cái.

Dự định tương lai: Xem xét việc trở về quê hương hay tiếp tục ở lại lâu dài, cũng như các kế hoạch cho sự nghiệp và đời sống cá nhân.

CHI CHI