Chăm chỉ rèn luyện thể thao vẫn có nguy cơ bị ngừng tim đột ngột, bác sĩ chỉ ra nguyên nhân và cách phòng tránh

“Tập luyên thể thao mang đến nhiều lợi ích sức khỏe là điều không bàn cãi nhưng luyện tập ở cường độ cao, kéo dài có thể gây tử vong ở người có bệnh tim tiềm ẩn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngừng tim đột ngột (đột tử) ở vận động viên khác nhau theo giới, tuổi, và các yếu tố nguy cơ”, bác sĩ Phong Ngọc Hùng, phó khoa Nội, bệnh viện đa khoa huyện Quốc Oai cho biết.

Chăm chỉ chơi thể thao vẫn có nguy cơ ngừng tim đột ngột

Vừa qua, tại vòng đấu bảng chung kết EURO 2021, trận đấu giữa Đan Mạch và Phần Lan đang diễn ra kịch tính, bỗng cầu thủ Chiristian Eriksen của đội tuyển Đan Mạch bất ngờ đổ gục trên sân bóng ở phút 43 của hiệp 1 khi không có sự va chạm hay chấn thương nào.

Trước đó, cầu thủ Chiristian Eriksen đang thi đấu hoàn toàn tích cực, không có biểu hiện suy yếu hay mệt mỏi. Anh đổ gục xuống sân trước những ánh nhìn hốt hoảng, ngỡ ngàng. Ngay sau khi kiểm tra, đội ngũ y tế phát hiện Chiristian Eriksen đã bị ngừng tim. Rất may mắn, chàng cầu thủ đã được sơ cứu kịp thời nên tim đập trở lại. Hiện tại, sức khỏe của anh đã ổn định.

Qua trường hợp của cầu thủ Chiristian Eriksen cũng như những trường hợp trước đó trong bóng đá thế giới và môn thể thao khác, ta nhận thấy nhiều người trẻ và khỏe mạnh, được rèn luyện thể dục thể thao vẫn có thể bị ngừng tim đột ngột.

cham-chi-ren-luyen-the-thao-van-co-nguy-co-bi-ngung-tim-dot-ngot-bac-si-chi-ra-nguyen-nhan-va-cach-phong-tranh-dspl-1-1624008177.jpg
Ngừng tim đột ngột có thể xảy ra đối với tất cả mọi người, kể cả những người có lối sống khoa học, tích cực rèn luyện thể thao. (Ảnh: Nguồn Internet)

Trước vấn đề trên, PV Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi chuyên sâu với bác sĩ Phong Ngọc Hùng, phó khoa Nội, bệnh viện đa khoa huyện Quốc Oai.

Bác sĩ Phong Ngọc Hùng chia sẻ: “Quan sát quá trình Chiristian Eriksen đột ngột mất ý thức, sau đó được nhân viên y tế tại sân thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn (ép tim ngoài lồng ngực, sốc điện) chúng ta nghĩ cầu thủ này đã ngừng tim, trong trường hợp này kể cả được cấp cứu kịp thời nguy cơ tử vong là rất cao. Đây là trường hợp rất may mắn được cứu sống”.

“Tập luyên thể thao mang đến nhiều lợi ích sức khỏe là điều không bàn cãi nhưng luyện tập ở cường độ cao, kéo dài có thể gây tử vong ở người có bệnh tim tiềm ẩn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngừng tim đột ngột (đột tử) ở vận động viên khác nhau theo giới, tuổi, và các yếu tố nguy cơ”, bác sĩ Phong Ngọc Hùng cho biết.

Nguyên nhân ngừng tim và dấu hiệu cảnh báo

Nguyên nhân đột tử ở vận động viên trẻ (<35) bởi các bất thường bẩm sinh tim như: Bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim thất phải... Đây là nguyên nhân thường gặp. Một nghiên cứu ở Hoa kỳ thống kê có trên 236 ca đột tử do tim ở vận động viên trẻ. Qua giải phẫu tử thi cho thấy nguyên nhân: Bệnh cơ tim phì đại (36%), bất thường bẩm sinh giải phẫu động mạch vành (13%), viêm cơ tim (7%), vỡ phình động mạch chủ(5%), loạn sản thất phải gây loạn nhịp (4%)...

Ở các vận động viên lớn tuổi hơn (>35), nguyên nhân do bệnh mạch vành là nguyên nhân chủ yếu. Ngoài ra nguyên nhân khác như: Hội chứng QT kéo dài, hội chứng Brugada, hội chứng Marfan… Những bệnh lý này thường liên quan với tiền sử gia đình (có người thân trong gia đình bị đột tử).

Ngoài ra, có những nguyên nhân khách quan: Ngưng tim đột ngột do va chạm (do bóng tennis, bóng chày...) vào thành ngực trước tim. Đây là nguy cơ đối với những vận động viên có thành ngực mỏng, ngay cả khi không có bệnh lý tim mạch. Va chạm này có thể bao gồm tiếp xúc với một vật với lực vừa hoặc tác động lên người chơi khác trong giai đoạn tái cực - giai đoạn cơ tim dễ bị tổn thương.

Bác sĩ Phong Ngọc Hùng cũng cho biết các nguyên nhân ngừng tim đột ngột thường im lặng về mặt lâm sàng hoặc chỉ biểu hiện các dấu hiệu không đặc biệu trước khi xảy ra biến cố. Tiền triệu có thể là: Đau ngực, hồi hộp, khó thở, mệt. Sau đó bệnh nhân tiến triển mất tri giác và tử vong.

Bởi những triệu chứng báo hiệu trước đột tử cũng có thể gặp ở những bệnh lý khác nên không thể sử dụng chúng để dự đoán ai sẽ là người dễ đột tử trong vài giờ tới. Do đó cách duy nhất đối với người bệnh khi có dấu hiệu tương tự nêu trên (đặc biệt người có bệnh tim, tiền sử gia đình có người thân bị đột tử trước đây) nên tham vấn bác sĩ và nhập viện ngay.

Cảnh báo mức độ nguy hiểm và xử lý khi ngừng tim đột ngột

Việc đầu tiên là cần nhận biết sớm và chính xác ngừng tim đột ngột. Sau đó báo động, gọi giúp đỡ xung quanh, gọi 115. Tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR) ngay lập tức, sốc điện sớm.

Sau đó, cần chuyển bệnh nhân đến bệnh viện có khả năng điều trị ngưng tim đột ngột, điều trị một cách tối ưu và được một chuyên gia về nhịp học đánh giá trước khi ra viện.

Ngừng tim đột ngột dẫn đến không có sự lưu thông dòng máu, ngừng dòng máu chảy vào các cơ quan quan trọng, không cung cấp được oxy, kết quả tử vong nếu không được điều trị.

“Nếu có nhiều yếu tố thuận lợi tỷ lệ sống sót là khoảng 25%. Khi các yếu tố đều không thuận lợi (ví dụ bệnh nhân không được chứng kiến, ngừng tim ngoại viện), hiếm khi sống sót. Nói chung, tỷ lệ sống sót được báo cáo sau khi bị ngừng tim ngoại viện là khoảng 10%. Không chỉ thế, nếu may mắn sống sót chỉ có khoảng 10% có chức năng thần kinh trung ương tốt khi xuất viện (không để lại di chứng thần kinh)”, bác sĩ cảnh báo.

Bác sĩ Phong Ngọ Hùng cũng đưa ra lời khuyên để tránh tình trạng bị ngừng tim đột ngột: Cần hiểu giới hạn của bản thân và xây dựng bài tập dựa trên cơ sở này; Không nên luyện tập quá sức, nên tập luyện môn thể thao phù hợp với bản thân; Duy trì chế độ ăn khoa học, sinh hoạt điều độ. Bên cạnh đó, cần phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên, có các quy trình sàng lọc phù hợp khi có các tiền triệu gợi ý.

Theo Người Đưa Tin Pháp Luật