Chế độ ăn Keto và những rủi ro khi áp dụng

Chế độ ăn Keto đang trở thành từ khóa được nhiều người tìm kiếm để làm đa dạng hơn thực đơn ăn kiêng.

Chế độ ăn Keto là gì?

 

Chúng ta có thể hiểu, chế độ ăn Keto là cắt giảm lượng tinh bột nhiều nhất có thể, thay vào đấy sẽ bổ sung các chất béo có lợi cho cơ thể. Chế độ Keto buộc cơ thể phải sử dụng nguồn năng lượng đến từ nguồn khác đó là xeton (là một loại nhiên liệu mà gan sản xuất từ chất béo dự trữ trong cơ thể). Quá trình trên được gọi là Ketosis, xảy ra khi: Cơ thể bạn nạp vào rất ít carbohydrate (carb), ít hơn 20-50 gam mỗi ngày.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc cắt giảm carb khỏi khẩu phần ăn hàng ngày trong một thời gian sẽ đưa cơ thể rơi vào trạng thái Ketosis. Lúc này tuyến tụy sẽ làm nhiệm vụ tăng cường đốt cháy mỡ và chất béo sau đó chuyển hóa chúng thành Ketone để cung cấp năng lượng cho não bộ. Chính vì vậy, việc áp dụng chế độ ăn Keto còn giúp bạn cân bằng được lượng đường huyết trong máu, giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh.

Trong chế độ ăn Keto, lượng protein sẽ được giữ ở mức vừa phải (10 – 25% tổng mức năng lượng mỗi ngày) đủ để cơ thể duy trì ở trạng thái Ketosis, thay vì phải ăn quá nhiều protein như các chế độ ăn kiêng Lowcarb khác khiến cơ thể khó duy trì trong trạng thái ketosis.

t1-1712116107.jpg
 

Những thực phẩm nên lựa chọn trong chế độ ăn Keto

Dưới đây là một số thực thẩm nên lựa chọn trong chế độ ăn Keto

- Các loại thịt: Thịt đỏ, thịt gà, thịt bò, thịt xông khói, giăm bông, xúc xích,…

- Các loại cá biển: Cá hồi, cá trích, cá thu, cá ngừ, …

- Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh: trứng, bơ, phô mai chưa qua chế biến.

- Các loại hạt: Hạt hạnh nhân, hạt macca, hạt điều, hạt óc chó...

- Các loại dầu tốt cho sức khỏe: Dầu ô liu nguyên chất, dầu bơ,…

- Các loại rau ít carb: Rau xanh, hành lá, cà chua, hành tây, ớt,…

Chế độ ăn Keto hướng đến việc cắt giảm carb, giàu chất béo và đủ protein trong khẩu phần ăn hằng ngày. Cắt giảm carb không có nghĩa sẽ loại bỏ hoàn toàn, mà chỉ nạp carb vào cơ thể không quá 20g mỗi ngày. Với chế độ ăn như vậy, bạn có thể dễ dàng lựa chọn thực phẩm.

Những thực phẩm cần tránh trong chế độ ăn Keto

Keto là chế độ ăn kiêng hạn chế dung nạp đến mức thấp nhất lượng carbohydrate vào cơ thể. Vì thế bất cứ thực phẩm nào có chứa hàm lượng carb cao đều cần phải tránh. Chẳng hạn như:

- Các thực phẩm có chứa nhiều đường: Nước ép trái cây, sinh tố, soda, bánh kẹo, kem,…

- Thực phẩm chứa nhiều tinh bột: Lúa mì, gạo, ngũ cốc, bánh mì, khoai tây, khoai mì...

- Các loại đậu: Đậu Hà Lan, đậu nành, đậu phộng, đậu đỏ, đậu xanh...

- Các loại nước sốt: Sốt salad, sốt thịt nướng, sốt teriyaki, sốt cà chua,…

- Chất béo không lành mạnh: Dầu thực vật, sốt mayonnaise,….

- Đồ uống có cồn: Rượu, bia hay các loại nước giải khát có cồn khác…

- Thực phẩm ăn kiêng không đường: Coca không đường, bánh pudding, chất làm ngọt, món tráng miệng,….

t2-1712204450.jpg
 

Những rủi ro tiềm ẩn khi thực hiện chế độ ăn Keto

Theo chuyên gia dinh dưỡng Mary Condon, chế độ ăn Keto có thể hỗ trợ giúp giảm cân và giảm lượng đường trong máu, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời."Trong phần lớn trường hợp, giải pháp này không mang tính lâu dài. Bạn có thể tăng cân trở lại và còn tăng nhiều hơn số cân nặng ban đầu".

Chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt như Keto cũng có thể gây rối loạn ăn uống hoặc bị cô lập xã hội. Keto không an toàn cho những người mắc bất kỳ bệnh nào liên quan đến tuyến tụy, gan, tuyến giáp hoặc túi mật. Ngoài ra, chế độ ăn Ketogenic còn có nhiều rủi ro bởi chúng chứa nhiều chất béo bão hòa. Các chuyên gia khuyến cáo nên giữ chất béo bão hòa không quá 7% lượng calo hàng ngày. Việc tiêu thụ quá nhiều loại chất béo này có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim. Trên thực tế, chế độ ăn Keto có liên quan đến sự gia tăng cholesterol LDL "xấu", cũng làm tăng nguy cơ bệnh tim.

Các rủi ro mà chế độ Keto tiềm ẩn khác bao gồm:

- Thiếu hụt chất dinh dưỡng: Khi tiêu thụ không đủ các loại rau, trái cây và ngũ cốc, cơ thể có thể có nguy cơ thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng, bao gồm selen, magie, phốt pho và vitamin B và C.

- Việc tiêu thụ quá nhiều chất béo cần chuyển hóa trong chế độ ăn này có thể làm cho bất kỳ tình trạng gan trở nên tồi tệ hơn.

- Các vấn đề về thận: Thận giúp chuyển hóa protein và chế độ ăn Keto có thể khiến thận phải hoạt động quá tải. 

- Táo bón: Do thực phẩm ăn ở chế độ này ít có chất xơ như ngũ cốc và các loại đậu.

- Giảm trí nhớ và thay đổi tâm trạng: Các nghiên cứu cho thấy rằng, bộ não cần đường từ carbohydrate lành mạnh. Chế độ ăn này có thể gây thay đổi tâm trạng và giảm trí nhớ.

Chế độ ăn kiêng nào cũng tiềm ẩn một số rủi ro nhất định. Vì thế, trước khi lựa chọn chế độ ăn kiêng, dinh dưỡng phù hợp, bạn nên thăm khám sức khỏe định kỳ và nhờ sự tư vấn từ các bác sĩ.

Xem thêm: 5 loại thịt rẻ hơn hải sản, nên ăn nhiều vào dịp xuân hè

Hồ Nga (T/h)