Chỗ khủng hoảng đơn hàng, nơi tìm cách giữ chân người lao động

Bên cạnh tình trạng khủng hoảng đơn hàng, cắt giảm nhân công, không ít doanh nghiệp đang vừa lo chạy đơn hàng, vừa lo giữ chân người lao động.

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong những tháng đầu năm 2023, có 509.903 người (khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp) bị ảnh hưởng việc làm, đáng chú ý là trong đó có tới hơn 54% lao động bị thôi việc, mất việc. Tình trạng lao động bị mất việc làm vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện, trong tháng 6/2023, một số doanh nghiệp vẫn có kế hoạch cho lao động nghỉ việc.

Số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương (71.590 người), Đồng Nai (32.450 người), Thành phố Hồ Chí Minh (44.890 người), Bắc Giang (27.500 người), Bắc Ninh (13.990 người), Hải Dương (16.020 người), Hà Nội (46.860 người). Lao động mất việc làm cũng chủ yếu trong các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử…

Kinh tế vĩ mô - Chỗ khủng hoảng đơn hàng, nơi tìm cách giữ chân người lao động

Nhiều DN phải cắt giảm lao động vì lý do kinh tế. Ảnh: Vietnam+ 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá việc cắt giảm lao động trong các doanh nghiệp (DN) hiện nay chủ yếu là vì lý do kinh tế, khó khăn ở việc tìm kiếm, phát triển thị trường nước ngoài, doanh nghiệp gặp khó khăn tập trung vào doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ.

Điểm sáng 

Tuy nhiên không phải vì thế mà bức tranh kinh tế sẽ tiếp tục ảm đạm trọng giai đoạn cuối năm mà ngược lại đã và đang có những tín hiệu tích cực.

Tại Đồng Nai, các DN đang rục rịch triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh cho giai đoạn 6 tháng cuối năm. Ông Nguyễn Thái Bình, chủ một DN xuất khẩu bột mì thực phẩm cho biết, hiện ngoài các đơn hàng đã ký từ đầu năm, DN cũng đã ký mới thêm một số hợp đồng.

“Điều tôi lo lắng nhất là không có việc dẫn đến phải cho người lao động (NLĐ) nghỉ. Nhưng nay mối lo đã được giải quyết với số hợp đồng vừa ký”, ông Bình nói.

Qua ghi nhận, nhiều DN tại Đồng Nai cũng khẳng định sẽ cố duy trì nguồn lực ở mức độ đảm bảo sản xuất kinh doanh nhằm tránh tình trạng có việc nhưng thiếu người làm vào dịp cuối năm. Một số công ty có lượng công nhân “khủng” như Công ty cổ phần Taekwang Vina (Biên Hòa), Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) vẫn đang duy trì sản xuất ổn định do vậy việc giữ chân NLĐ vẫn được ưu tiên. Với một số DN hiện tại chưa ổn định sản xuất, kinh doanh vì đơn hàng đang ít thì áp dụng chính sách cho công nhân nghỉ luân phiên, hoặc cho tạm nghỉ có hỗ trợ chi phí.

Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Taekwang Vina, ông Đinh Sỹ Phúc cho biết, công ty mặc dù cũng đang gặp khó khăn về đơn hàng nhưng chưa tính đến việc cắt giảm lao động. Hiện tại sản xuất vẫn đang duy trì ổn định, công nhân được làm đủ giờ. Ông Phúc cũng nhận định, từ nay đến cuối năm dự báo tình hình kinh tế sẽ ổn hơn, về phía công ty các đối tác đều đã có đơn hàng.

Kinh tế vĩ mô - Chỗ khủng hoảng đơn hàng, nơi tìm cách giữ chân người lao động (Hình 2).

Ngành dệt may đang nỗ lực vượt khó. Ảnh: Đại Đoàn Kết. 

“Lúc đó có đơn hàng mà không có người làm thì cũng khó. Nên công ty cố gắng duy trì sự ổn định lao động”, ông Phúc chia sẻ với Đại Đoàn Kết. 

Đại diện Hiệp hội DN Tp.HCM cho biết, ngành dệt may ghi nhận kim ngạch xuất khẩu giảm trên 8% so với cùng kỳ. Để duy trì sản xuất nhiều DN buộc phải giảm giờ làm. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội may thêu đan Tp.HCM, dù đơn hàng của ngành dệt may khó khăn song các DN trong ngành vẫn cố xoay xở bằng mọi cách để giữ chân NLĐ. Giải pháp tình thế hiện nay nhiều DN áp dụng là tranh thủ những đơn hàng nhỏ lẻ, đơn hàng giá rẻ nhằm duy trì sản xuất, duy trì thu nhập cho công nhân. 

“Thu nhập của công nhân không cao nhưng vẫn còn hơn là không có việc”, ông Hồng nói.

Tương tự, bà Lê Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Công đoàn Công ty Top Royal Flash Việt Nam chia sẻ, khan hiếm đơn hàng sản xuất nhưng DN vẫn tìm mọi cách giữ chân NLĐ. Cụ thể, đơn vị giảm lương lãnh đạo để ổn định thu nhập cho NLĐ với mức từ 6 - 10 triệu đồng/tháng. Song song đó, DN còn tìm mọi cách giảm bớt chi phí quản lý, hạn chế chỉnh sửa các sản phẩm đã sản xuất, yêu cầu sản xuất phải đạt chất lượng...

Không chỉ tìm kiếm đơn hàng nhỏ lẻ, giá rẻ, giảm chi phí quản lý DN, giảm lương lãnh đạo... một số DN nỗ lực tìm kiếm thị trường mới xuất khẩu. Đại diện Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Qui Phúc, ông Trần Thái Nguyên cho hay, mỗi tháng công ty đưa ra thị trường 4- 5 triệu sản phẩm, xuất khẩu đến 20 quốc gia, trong đó tập trung vào thị trường Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia... Nhờ sự cố gắng của tập thể mà 5 tháng đầu năm DN đã đạt 200% kế hoạch của năm 2023.

Trợ giúp người lao động kịp thời 

Thông tin với TTXVN/Vietnam+, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, điều đáng lo ngại hơn cả là một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã làm bào mòn phần tích lũy của người lao động, do đó họ sẽ càng ngày càng chật vật hơn. Đây là vấn đề cần phải quan tâm kịp thời.

Hiện Chính phủ đã có 3 giải pháp để chăm lo cho công nhân: Thứ nhất là tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất; thứ hai là tạo việc làm ổn định; thứ ba là thực hiện các chính sách đang có một cách tốt nhất như: Chính sách đối với người lao động thôi việc, mất việc làm; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động...

Đối với lao động nữ trên 40 tuổi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh lao động 40 tuổi năng suất thấp, khi cắt giảm lao động thì bao giờ ông chủ cũng nhằm vào những đối tượng này, do đó cần chủ động đào tạo từ sớm, từ xa để người lao động nữ khi chuyển việc hoặc thất nghiệp thì có thể bố trí việc mới.

“Trường hợp lao động khi không tìm được việc phải trở về địa phương thì đề nghị các địa phương có cơ chế, chính sách để hỗ trợ tín dụng, tạo việc làm công hoặc việc làm thủ công để người lao động nữ có thể thích ứng trong bối cảnh mới” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Liên quan đến việc ban hành chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động trong bối cảnh hàng trăm nghìn lao động đang mất việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết năm 2023 số dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp còn 59.357 tỷ đồng và hiện nay Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đang thiết kế một gói hỗ trợ người lao động từ nguồn kết dư này để trình với Chính phủ và Thường vụ Quốc hội. Theo đó, gói hỗ trợ sẽ chi khoảng tầm 23.000 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn khó khăn này.

Kinh tế vĩ mô - Chỗ khủng hoảng đơn hàng, nơi tìm cách giữ chân người lao động (Hình 3).

Công nhân tìm kiếm việc làm tại bảng tuyển dụng Cổng A (Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Lao động. 

“Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặc biệt quan tâm đến giải pháp hỗ trợ trong những giai đoạn khó khăn và sẽ bằng mọi cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người lao động” Hồ Đức Phớc khẳng định.

Như vậy, để lao động vượt qua khó khăn do bị ảnh hưởng việc làm sẽ cần nhiều giải pháp đồng bộ, từ việc thực hiện tốt các chính sách hiện hành để tạo việc làm, giữ việc làm cho người lao động cho tới ban hành thêm các gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động.

Dự báo thị trường lao động nửa cuối năm 

Ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nói, để dự báo thị trường lao động trong nửa cuối năm 2023 còn phụ thuộc vào việc cập nhật kịch bản tình hình kinh tế - xã hội, tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế, các tổ chức đều cho rằng kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn sẽ còn chịu tác tộng của địa chính trị trên thế giới, lạm phát, giá cả tăng cao…

Mặc dù vậy, vẫn có những điểm sáng cho khu vực dịch vụ khi Trung Quốc mở cửa trở lại cho phép chúng ta có đà tăng trưởng trong lĩnh này, từ đó sẽ có những tác động nhất định đến thị trường lao động.

“Khu vực dịch vụ và xây dựng sẽ có những triển vọng tốt về thị trường lao động khi Chính phủ triển khai hiệu quả các gói đầu tư công, nhưng cũng có những tiêu cực là nhu cầu sản xuất hàng hóa của Việt Nam đi các nước bị hạn chế sẽ có những ảnh hưởng đến thị trường lao động. Theo kết quả dự báo của chúng tôi, một số ngành, lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trên thị trường dẫn đến giảm lao động như liên quan đến may trang phục, đồ gỗ, những ngành có giá trị xuất khẩu lớn…”, ông Toàn nhận định.

Từ thực tế tại địa phương, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, thành phố đã ghi nhận tình trạng có doanh nghiệp giảm đơn hàng phải cho lao động nghỉ việc, song nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng khá tốt.

Hương Anh (t/h)