Cholesterol trong máu là gì, có nguy hiểm không? Ăn gì để giảm cholesterol tự nhiên?

CTV
Cholesterole trong máu cao có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim... Vì thế hiểu về tình trạng này và các dấu hiệu nhận biết sớm cũng như cách phòng tránh là điều rất quan trọng.

Cholesterol cao là gì và có thể gây nguy hiểm thế nào?

Cholesterol là một trong 3 loại lipid chính lưu hành trong máu (2 loại còn lại là triglycerid và phospholipi). Cholesterol tham gia quá trình tổng hợp màng tế bào, tổng hợp vitamin D và là tiền chất của quá trình tổng hợp hormone.

Cholesterol có hai loại, gồm LDL-cholesterol (chất béo xấu, có hại) và HDL-cholesterol (chất béo tốt, có lợi). LDL-cholesterol tăng cao trong thời gian dài có thể dẫn đến sự tích tụ mảng bám trong thành động mạch, gây ra tình trạng xơ vữa động mạch, làm co hẹp lòng động mạch, và dẫn đến các vấn đề về tim mạch khác.

Xơ vữa động mạch làm hạn chế lưu lượng máu lưu thông qua động mạch và khi các mảng bám bị vỡ có thể dẫn đến cục máu đông nguy hiểm. Xơ vữa động mạch là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tổn thương động mạch hai chi dưới gây viêm tắc thiếu máu hoại tử bàn chân.

Nên đi khám khi thấy có dấu hiệu cảnh báo cholesterol cao. (Ảnh minh họa)

Cholesterol cao có thể là kết quả của di truyền, chế độ ăn uống, hoặc lối sống không khoa học. Thường thì, cholesterol cao không có triệu chứng rõ ràng. Để biết chính xác mình có cholesterol cao hay không, bạn nên xét nghiệm máu.

Dấu hiệu báo động của cơ thể có cholesterol cao

Thừa cholesterol trong máu thường không gây ra các triệu chứng. Nhưng khi mức cholesterol trong máu cao bất thường, các biến chứng có thể xuất hiện:

Đau ngực

Hiện tượng này có thể là kết quả của sự tích tụ cholesterol trong các động mạch của tim (các động mạch vành), dẫn đến việc cung cấp oxy cho cơ tim kém. Những cơn đau ngực này có thể chỉ xảy ra khi gắng sức (ví dụ như khi đi bộ), hoặc ngay cả khi nghỉ ngơi.

Đau bắp chân

Dư thừa cholesterol có thể khiến các động mạch ở chi dưới bị tắc nghẽn, cơn đau có thể xuất hiện - đặc biệt là ở bắp chân. Cơn đau ở bắp chân không nhất thiết liên quan đến hoạt động thể chất vì chúng có thể xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi.

Rối loạn thần kinh

Nếu cholesterol tích tụ trong các mạch máu não, các triệu chứng thần kinh có thể xuất hiện: Chóng mặt, nhức đầu, nói lắp, tê bì, vấn đề về thị lực… Những dấu hiệu này thường thoáng qua.

Rối loạn cương dương

Rối loạn cương dương ở nam giới có thể là dấu hiệu lượng cholesterol máu cao. Do cholesterol lắng đọng bên trong các động mạch và ngăn cản máu đến dương vật, từ đó gây rối loạn chức năng cương dương.

Có chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh để phòng tránh cholesterol cao. (Ảnh minh họa)

Khó thở

Dư thừa cholesterol trong máu là một yếu tố nguy cơ tim mạch chính. Do đó, trong trường hợp tăng cholesterol máu, người ta có thể thấy hiện tượng khó thở tăng lên khi gắng sức (ngay cả lúc nghỉ ngơi) là kết quả của một cơn đau tim.

U vàng ( Xanthomas)

Đó là những khối u nhỏ, lành tính (thường có màu hơi vàng) được tạo thành từ các khối cholesterol. Xanthomas có thể xuất hiện trong chứng tăng cholesterol máu nặng và/hoặc tăng cholesterol máu gia đình. Hãy lưu ý nếu bạn thấy trên cơ thể xuất hiện những u vàng ( thường gặp ở mông, vai, mặt duỗi của tay chân, mặt).

Những cách giảm cholesterol trong máu

Nếu bạn có vấn đề về cholesterol, tùy vào mức độ tăng cao và với các yếu tố nguy cơ tim mạch mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp, bao gồm sử dụng thuốc giảm cholesterol và thay đổi lối sống.

Cùng với việc sử dụng thuốc theo tư vấn của bác sĩ, quý vị đừng quên điều chỉnh cách sinh hoạt, ăn uống… để kiểm soát tình trạng này:

- Tăng cường tập thể dục, tập ít nhất 150 phút mỗi tuần, mỗi tuần 5 ngày.

- Không hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.

- Duy trì cân nặng hợp lý, cố gắng giảm cân nếu bị thừa cân béo phì.

- Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như thịt mỡ động vật (heo, bò, gà), nội tạng động vật (gan, lòng, thận, mề,…), giảm cholesterol trong lòng đỏ trứng, bơ, kem, phô mai, tôm.

- Sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo tốt như cá béo (cá hồi, cá thu, cá mòi, cá trích, cá cơm…), quả óc chó, hạnh nhân, dầu đậu nành, dầu ô liu,…

- Hạn chế bia, rượu, nước ngọt, đồ nhiều đường, muối và thức ăn nhanh như khoai tây chiên, gà rán, bánh quy, bánh nướng và thực phẩm chiên.

- Tăng cường protein từ thịt nạc và đặc biệt là protein từ các loại đậu.

- Tăng cường chất xơ, vitamin và các yếu tố vi lượng từ trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt.

Ăn gì để giảm cholesterol?

Một số loại thực phẩm dưới đây có thể giúp bạn giảm cholesterol một cách tự nhiên nhưng điều quan trọng nhất là bạn nên đi khám và tư vấn chuyên gia y tế để nhận được lời khuyên về chế độ sinh hoạt, ăn uống phù hợp với bản thân nhất.

Nước ép cần tây, dưa chuột, gừng và bạc hà

Loại nước ép này cung cấp các chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa, giúp thanh lọc máu và tối ưu hóa hoạt động của gan, từ đó nó làm giảm sản xuất cholesterol LDL. Chỉ cần trộn các thành phần với một ít nước và thêm một chút muối rồi ép nước và uống ngay.

Nước ép cần tây và một số loại thực phẩm giàu chất xơ, protein có thể hữu ích ch người có cholesterol cao. (Ảnh minh họa)

Thực phẩm giàu chất xơ

Chất xơ giúp giữ cholesterol và ngăn cơ thể tái hấp thu vào máu, từ đó giúp loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể, giữ cho độc tố tổng thể ở mức thấp. Bạn có thể nạp một số nguồn chất xơ tốt từ hạt chia và hạt lanh ngâm qua đêm, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, quả mọng.

Chất béo lành mạnh

Mức cholesterol cao không có nghĩa là bạn phải loại bỏ hoàn toàn chất béo. Chất béo lành mạnh là nguồn cung cấp omega-3 dồi dào, giúp tim luôn khỏe mạnh. Các thực phẩm giàu chất béo lành mạnh như quả bơ, cá hồi, dầu ô liu, các loại quả hạch và hạt… có thể giúp tim khỏe mạnh và giảm mức LDL.

Protein

Tăng lượng protein của bạn cùng với vận động thể chất thích hợp (tập luyện sức mạnh, đi bộ, tập pilate, yoga) giúp tăng mức HDL, đồng thời giảm mức LDL. Các nguồn protein sạch bao gồm: trứng, cá hồi, đậu edamame, đậu xanh, đậu lăng, đậu tây, rau mầm và tôm.

Chuối

Chứa nhiều kali và chất xơ, chuối giúp duy trì sự cân bằng lượng đường trong máu, giảm cảm giác thèm ăn và ngăn chặn cholesterol được hấp thụ từ ruột vào máu.

Nước ép cam quýt

Sử dụng trái cây họ cam quýt và nước ép của chúng hằng ngày cũng có thể giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và giảm mức LDL. Điều này là do nước ép cam quýt giàu vitamin C, chất chống oxy hóa và khoáng chất giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, sự hiện diện của vitamin C giúp cắt giảm sự tích tụ chất béo trong cơ thể, giúp giảm lượng cholesterol.

Yến mạch

Yến mạch giàu chất xơ, làm tăng cảm giác no và giữ lượng đường trong máu ở mức kiểm soát - giúp giảm cảm giác thèm ăn. Điều này giúp kiểm soát cân nặng và do đó giúp kiểm soát mức cholesterol.