Chủ nợ bị gài bẫy, suýt vướng vào lao lý

Chuyện đi vay bị “khủng bố” tinh thần vốn cũng không còn là chuyện lạ, nhưng chuyện chủ nợ lại bị “con nợ” cố tình gài bẫy, suýt vướng vào lao lý cũng đang diễn ra một cách đầy bất ngờ.

Trao đổi, anh T.Đ. (Thanh Hóa) cho biết: “Không chỉ vợ chồng tôi, mà cả chị dâu và thím của vợ tôi cũng vướng vào một câu chuyện tương tự. Hơn nữa, cũng không chỉ có gia đình tôi là nạn nhân, mà còn không ít người “nhẹ dạ cả tin” khác cũng đã và đang rơi vào bẫy của chính “con nợ” của mình”.

C:\Users\ADMIN\Downloads\ảnh 3.jpg

Chỉ vì gặp phải “con nợ” quá xảo quyệt mà anh T.Đ. suýt vướng vào lao lý. (Ảnh minh họa).

Nhắc đến đây, khẽ nén tiếng thở dài, anh Đ. bắt đầu tâm sự: “Ở quê, dù có cách nhau cả trăm cây số, người ta vẫn dễ dàng thăm dò nhau, nếu muốn. Khoảng giữa năm 2019, một người phụ nữ bắt đầu lân la làm quen với vợ tôi, rồi xin làm cộng tác viên, vì nhà tôi bán quần áo. Những chuyến hàng đầu tiên, chị này tiền nong rất sòng phẳng. Không những thế, mỗi khi chúng tôi đến nhà, đều thấy một khung cảnh rất đông khách hàng, sau này mới biết, hàng nhập từ nhà chúng tôi về, người phụ nữ này đều “bán phá giá” để thu hút khách, đó là cách tạo dựng niềm tin đối với chúng tôi.

Sau đó, chị ta tỉ tê với vợ tôi, rằng muốn mở rộng quy mô kinh doanh, cần mặt bằng, rồi bố mẹ chồng cho mảnh đất nhưng lại muốn có tiền để lo thủ tục và biếu lại bố mẹ..., mục đích để hỏi vay tiền. Cứ thế, gia đình tôi bắt đầu trở thành chủ nợ với số tiền “khủng”. Vợ tôi cho vay khoảng 3 tỷ đồng, người chị dâu cho vay khoảng 3 tỷ đồng và thím vợ cho vay gần 20 tỷ đồng. Trước đó, chị này cũng thường xuyên “vay nóng” những khoản 20-40 triệu đồng, nhưng trả lại rất nhanh, chỉ trong khoảng một tuần đổ lại, thậm chí, gửi thêm 1-2 triệu để cảm ơn. Thấy vậy, gia đình tôi cũng không đề phòng gì khi cho vay số tiền lớn như vậy.

Tuy nhiên, mỗi khi chúng tôi đến đòi tiền, chị ta thường nằm một chỗ, than mệt mỏi không tiếp... Cả chồng với bố chồng cũng đồng lõa, nên lúc này giống như “phủi tay” khỏi số nợ với chúng tôi. Nhưng chị ta lại không bỏ trốn, chỉ viện cớ nào là sức khỏe yếu, nuôi con nhỏ, không có khả năng trả nợ nên khó thành tội.

Có một lần, phía gia đình tôi làm căng hơn, đến đòi nợ, thì chị này chạy lên trạm xá nằm, nói bản thân bị tắc nghẽn tim mạch... Lúc đó, thím và chị dâu tôi chạy theo, sau khi đôi co đã xảy ra xô xát. Chị ta than là nhà hoàn cảnh, không có khả năng chi trả, nhưng người vẫn đeo nhiều vàng, đồng hồ hiệu, tươm tất... Chính vì thế, chị và thím tôi thấy ức chế, lao vào giằng đồng hồ... Sau vụ đó, hai người bị chính “con nợ” của mình kiện vì cướp tài sản, bị bắt tạm giam 4 tháng.

Đến đây, chúng tôi chính thức nhận ra, mình không phải đi đòi nợ nữa mà là đang đi van xin “con nợ” thì đúng hơn...”.

“Một lần khác, chị ta ra sân bay, gọi điện cho thím tôi, nói rằng: “Em định trốn, nhưng giờ em quyết định không trốn, muốn làm việc để trả nợ dần. Anh chị đón em với”. Khi chú tôi đón chị này về, trên đường về nhà chị ta, có qua nhà chú thím, chị ta khiêu khích và nói muốn viết giấy “gán nợ” một số tài sản, rồi cố ý nán lại đến đêm mới chịu về... Chị ta bảo còn một chiếc ô tô đang giấu cách đấy khoảng 100km, muốn bàn giao để gỡ gạc, nên chúng tôi cũng đích thân đi lấy xe. 

Tuy nhiên, phía sau đó là cả một “màn kịch” đang chờ gia đình tôi. Chị này âm thầm đưa đơn lên tận giám đốc công an tỉnh, với những trình bày khiến gia đình chúng tôi khi đó giống như một “ổ nhóm” hay “băng đảng” xã hội đen vậy… Nào là giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, rồi cho vay nặng lãi… Những thứ đó khiến gia đình tôi khốn đốn đến cả năm trời, liên tục bị công an gọi lên làm việc…

Đến nay, chiếc ô tô mà chúng tôi lấy về được, vẫn mang tên của “con nợ”, giấy tờ mà chúng tôi có trong tay, thực chất chỉ là một mảnh giấy viết tay. Khi chúng tôi yêu cầu sang tên, chị ta lại viện cớ bị mất toàn bộ giấy tờ, phải chờ thời gian làm lại, nhưng thực chất là đang cố “câu giờ”, chờ đơn kiện được xử lý.

Đên tận bây giờ, gia đình chúng tôi vẫn chưa biết phải làm sao để lấy lại số tiền đã cho vay… Ngoài chúng tôi, cũng còn rất nhiều gia đình khác cũng trở thành nạn nhân của chính “con nợ” này.

Tôi được biết, chị ta thậm chí còn bắt đầu mánh khóe với việc đi thu mua lợn giá cao hơn thị trường, nhưng thực chất, đó chỉ là “miếng mồi” nhử để họ có niềm tin, chuẩn bị cho “mẻ lưới” với khối tài sản lớn hơn. Tôi chỉ mong, những người từng là nạn nhân bị chị ta lừa, hãy đồng lòng đưa ra ánh sáng, tố cáo tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nếu không, sẽ vẫn còn thêm nhiều nạn nhân “tiền mất tật mang”, thậm chí, còn bị đưa lên công an giống gia đình tôi”, anh T.Đ. nhấn mạnh.

Chỉ xoay quanh chuyện vay và cho vay, qua vài tờ giấy viết tay với mong muốn thủ tục nhanh gọn, mà cả người cho nợ lẫn kẻ đi vay đều có thể bị “mờ mắt” mà tự lao mình vào những “chiếc bẫy” được giăng sẵn ở phía trước.

T.L - Người Đưa Tin