Để thành ổ dịch lớn sẽ khó kiểm soát
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 11/10, bình quân mỗi ngày Hà Nội phát sinh hơn 60 ca F0. Đặc biệt, những ngày gần đây, số ca F0 tăng lên mức 3 con số; ngày 16/11, Hà Nội ghi nhận 150 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 28 ca cộng đồng tại 12 quận, huyện.
Nhận định về tình hình dịch bệnh tại Hà Nội, trả lời Người Đưa Tin, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết: “Chúng ta tiến hành nới lỏng nhiều hoạt động, dần chấp nhận có những ca dương tính và nằm trong dự báo từ trước. Chúng ta vẫn cần thực hiện tốt Nghị quyết 128 của Chính phủ, để khống chế số ca mắc không tăng quá cao, vì nếu mắc quá cao sẽ gây quá tải lên hệ thống y tế”.
Ông Phu cho rằng, nhiều người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin nhưng vẫn mắc Covid, điều này cho thấy vắc-xin chỉ giúp hạn chế các biến chứng.
Theo ông Phu khi còn ca mắc cộng đồng thì vẫn phải giám sát chặt chẽ dịch, nếu không kiểm soát được dịch sẽ có nguy cơ bùng phát.
Vị chuyên gia dịch tễ này cho biết thêm Hà Nội hiện có nhiều ổ dịch cộng đồng. Tuy nhiên, số ca mắc nặng không nhiều do phần lớn đã tiêm vắc-xin.
“Điều lo nhất hiện nay là hệ thống y tế quá tải. Vì vậy, Thủ đô vẫn cần tiếp tục phát hiện sớm, truy vết, phong toả, dập dịch. Phát hiện càng sớm càng tốt để truy vết, dập dịch khi ổ dịch còn nhỏ. Nếu để thành ổ dịch lớn thì sẽ khó kiểm soát”, ông Phu bày tỏ.
Từ những phân tích trên, vị chuyên gia này đưa ra khuyến cáo, người dân vẫn cần phải thực hiện tuân thủ theo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.
Không cần thí điểm cách ly F1 tại nhà
Về phương án cách ly F1 tại nhà, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng Hà Nội cần triển khai luôn. Theo ông Phu, thực tế nhiều tỉnh thành có dịch đã áp dụng phương án cách ly tại nhà.
Ông Phu nói: “Hà Nội không cần thí điểm vì trước đó, đã có nhiều tỉnh thành áp dụng cách ly F0, F1 tại nhà thành công. Vì vậy, nên triển khai cách ly F1 tại nhà sớm”.
Theo ông Phu, để cách ly tại nhà cần phải xem xét ba yếu tố: Thứ nhất, nhà có đủ điều kiện cách ly tại nhà hay không; thứ hai, ý thức của người dân trong việc cách ly tại nhà; thứ ba cán bộ y tế cơ sở, chính quyền địa phương có theo dõi được không?
Ông Phu cũng cho biết, khi không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì khi đó mới thực hiện cách ly tập trung.
Trước đó, tại cuộc làm việc giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Tp.Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngày 2/11, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, thành phố đã có phương án điều trị tại các bệnh viện, cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ để đáp ứng khoảng 22.100 người. Tổng số giường điều trị Covid-19 đang được kích hoạt là 2.640 giường tại 8 bệnh viện, 2 cơ sở điều trị. Hệ thống oxy tập trung tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra đã được hoàn thành. 30/30 quận, huyện, thị xã đã chuẩn bị phương án triển khai trạm y tế lưu động, tổ y tế lưu động, địa điểm thu dung tại chỗ; chuẩn bị oxy y tế, thuốc, thiết bị cấp cứu cơ bản…
Gần 100 F1 thuộc 4 nhóm ưu tiên cách ly tại nhà
Trao đổi với báo chí ngày 16/11, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Y tế quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết trên địa bàn quận, gần 100 F1 thuộc 4 nhóm ưu tiên theo quy định đã được cách ly tại nhà. Các đối tượng này là người cao tuổi, người có bệnh nền, trẻ em và phụ nữ đang mang thai. Thời gian tới, dự kiến 10/10 phường tại quận Nam Từ Liêm sẽ cho phép F1 cách ly tại nhà. “Các trường hợp F1 cách ly tại nhà phải đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và chấp hành nghiêm các quy định. Ngoài ra, các F1 cách ly tại nhà cũng sẽ được xét nghiệm Covid-19 định kỳ, nếu dương tính sẽ xử lý theo quy định", ông Tuấn nói.
Theo Người Đưa Tin